Sống lại nghề chụp ảnh dạo trong con hẻm nhỏ đầy sắc xuân
Hình ảnh những người thợ chụp ảnh với máy móc chuyên nghiệp chụp ảnh dạo trên những con phố ngày xuân cứ thế chỉ còn lại trong ký ức của nhiều người…
Trong thời đại chỉ cần sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, có cài đặt những chương trình chỉnh sửa ảnh “vi diệu” thì ai cũng có thể trở thành một thợ ảnh, đáp ứng nhu cầu “sống ảo”.
Cảm hứng để bấm máy
Con hẻm nhỏ dài hơn trăm mét dẫn vào những căn nhà bình dị dưới chân cầu Cái Răng (quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) thời điểm Tết Nguyên Đán 2022 thu hút hàng ngàn người đến chụp ảnh, tham quan. Đó là nhờ vào một chàng trai đam mê nhiếp ảnh, đã bỏ tiền bạc, công sức để trang trí hai bên con hẻm thành những tiểu cảnh ngày xuân vô cùng rực rỡ. Người đến muốn chụp ảnh, chỉ cần trang điểm, thay trang phục rồi đứng vào những tiểu cảnh ấy là có ngay ảnh đẹp để khoe với bạn bè.
Chủ nhân của những tiểu cảnh ấy là anh Nguyễn Minh Nhật, sống ngay trong con hẻm này. Việc tô vẽ cho con hẻm nhỏ vào dịp tết đã được anh duy trì mấy năm qua. Có rất nhiều lý do để anh Nhật nghĩ đến việc duy trì đứa con tinh thần này. Anh kể, là một thợ ảnh, anh luôn mong muốn kỹ thuật chụp ảnh của mình ngày một được nâng cao, trong đó, việc tạo cảm hứng là điều rất cần thiết. Việc cải tạo con hẻm nơi mình ở là một cách anh Nhật tạo cảm hứng cho bản thân mình và cũng để tạo không khí thêm cho ngày xuân. Từ đó, Phố ông Chảnh (tên thân mật của anh Nhật) ra đời và duy trì nhiều năm qua.
Anh Nguyễn Minh Nhật - chủ nhân của ý tưởng trang trí con hẻm nhỏ thành khu phố rực rỡ sắc hoa đón xuân - Ảnh: N.V
“Các đồng nghiệp, học trò của tôi thường xách máy ảnh đến đây, chỉ cần khách có nhu cầu chụp ảnh, chúng tôi sẵn sàng phục vụ”, anh Nhật nói.
Từ đó, hình ảnh người thợ ảnh lăn xăn chỉnh chỉnh, sửa sửa tư thế cho khách, những tiếng hô “1, 2, 3 chụp nha!”đều đặn vang lên mỗi ngày. Nghề chụp ảnh dạo như được sống lại trong khoảng thời gian này.
Duy Tiêu - thợ ảnh trẻ ở Phố Ông Chảnh hào hứng xách máy đi chụp ảnh ngoại cảnh - Ảnh: N.V
Có mặt thường xuyên tại Phố ông Chảnh, Duy Tiêu là một thợ ảnh trẻ đã có nhiều năm kinh nghiệm. Anh chia sẻ, công việc thường ngày của anh là chụp hình tại ảnh viện, sự kiện, ít khi có cơ hội chụp ảnh ngoài trời. “Việc xách máy ảnh và chụp hình cho khách ở không gian bên ngoài luôn khiến tôi hứng thú. Ánh sáng bên ngoài giúp tôi nâng cao kỹ năng của mình hơn so với ánh sáng đèn trong ảnh viện, hay các sự kiện. Hơn nữa, chụp ảnh ngoài trời còn giúp tôi phát huy được khả năng của mình, biết mình còn thiếu sót những gì”, Duy Tiêu nói.
Quá khứ vàng son của thợ ảnh
Thế hệ 8X, 9X trở về trước sẽ chẳng bao giờ quên được để có một tấm ảnh ghi lại tuổi thơ của họ là khó khăn thế nào. Chị Đỗ Thị Thúy Vy (34 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) kể rằng: “Tôi nhớ lúc mình 6, 7 tuổi, mỗi năm chỉ đúng có một lần gia đình được chụp ảnh. Đó là vào những ngày tết, cả gia đình 5 người chúng tôi mặc những bộ áo quần đẹp nhất chúng tôi có, đi đến nhà của một thợ chụp ảnh và chụp một vài tấm lưu niệm. Khi nhận được ảnh, anh em chúng tôi xem suốt mấy ngày liền rồi mới xếp cẩn thận vào từng quyển album. Đến bây giờ, chúng tôi vẫn còn lưu giữ chúng và coi chúng là vô giá”.
Một gia đình 4 người chụp ảnh kỷ niệm - Ảnh: N.V
Là thợ ảnh, hơn ai hết anh Nhật biết tấm ảnh được chụp từ điện thoại thông minh và ảnh chụp từ máy ảnh chuyên nghiệp khác nhau ở mức độ nào. Anh chia sẻ: “Để có một bức ảnh đẹp, chúng tôi phải tính toán ánh sáng, góc sáng làm sao để mẫu được đẹp nhất, nổi rõ nhất ưu điểm và che đi khuyết điểm của mẫu. Những phần còn lại như bố cục, ứng biến tình huống, hậu kỳ thì cần phải có kiến thức và thực hành nhiều thì mới lên tay. Nhiếp ảnh là nghệ thuật, và nghệ thuật thì không hề đơn giản. Ngày xưa, khi còn sử dụng phim, những tấm ảnh được tạo ra còn kỳ công hơn thế. Chính vì thế, người thợ chụp hình có thể kiếm được bộn tiền với nghề của mình”.
Con hẻm nhỏ được trang hoàng rực rỡ để đón xuân - Ảnh: N.V
Sống với nghề ảnh hơn 10 năm qua, anh Nhật không ít lần lâm vào tình huống dở khóc dở cười, không biết đối đáp với khách hàng của mình như thế nào. “Đã có lúc tôi chụp xong, đưa hình cho khách coi, khách bảo sao chị thấy chụp bằng điện thoại còn đẹp hơn. Tôi không biết phải giải thích thế nào, một tấm ảnh đẹp phải hội tụ nhiều yếu tố, tôi không thể lý giải hết, không phải ai cũng có thể hiểu. Họ chỉ nhìn nhận theo cảm quan thông thường nhất”, anh Nhật kể.
Hình ảnh những người thợ chụp hình dạo đi khắp các điểm vui chơi, thưởng ngoạn ngày Tết hiện nay đã không còn. Có chăng, một số điểm du lịch nổi tiếng còn đâu đó lác đác những tay máy già với chiếc máy ảnh cũ kỹ vẫn còn nuối tiếc thời vàng son. Nhưng không vì thế mà nghệ thuật nhiếp ảnh bị mai một, môn nghệ thuật đầy sáng tạo này vẫn phát triển một cách phù hợp với thời đại, lột tả chân thật cuộc sống và tạo ra những giá trị trường tồn với thời gian.