Sống lành mạnh trên mạng xã hội

Ngày nay, rất nhiều người không chỉ 'sống' trong cuộc đời thực, mà còn 'sống' trên môi trường mạng xã hội như một phần tất yếu của cuộc sống, với họ mạng xã hội là một nhu cầu không thể thiếu giống như cơm ăn, nước uống hàng ngày.

Ảnh: K.T

Ảnh: K.T

Mạng xã hội vào Việt Nam và bùng nổ trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây. Theo thống kê đáng tin cậy thì hiện tại Việt Nam có khoảng hơn 60 triệu người tham gia vào thế giới ảo đầy mê hoặc này. Và Việt Nam cũng đã lọt vào tốp 10 quốc gia có số lượng dùng Facebook cao nhất thế giới. Có thể nói rằng, mạng xã hội đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ và toàn diện không gian tương tác giữa con người với con người. Không ai có thể phủ nhận những tiện ích tuyệt vời mà mạng xã hội mang lại. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng đã có vô vàn hệ lụy mà nó gây ra.

Một trong những mặt trái của mạng xã hội là làm cho những người “nghiện” nó rất dễ sa đà vào những giá trị ảo. Những người này có xu hướng “ăn phây” (Facebook), “ngủ phây”, đi đâu cũng “phây”, “đắm chìm” vào thế giới thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội và dường như sao nhãng với thực tế đang xảy ra xung quanh mình. Thậm chí có người tìm mọi cách để tạo ra những thông tin trái chiều với một mục đích duy nhất là thu hút được càng nhiều lượt thích, chia sẻ càng tốt. Họ giống như một “nhà đài” vừa biết quay phim, chụp ảnh, viết lời bình, làm MC, họ vừa biên tập, vừa “sản xuất chương trình”. Thậm chí không ít người trong số họ còn có thể truyền hình trực tiếp các sự kiện... Họ miệt mài tác nghiệp để “nuôi” trang cá nhân của mình... Khi đắm chìm vào mạng xã hội, không ít người tự ảo tưởng mình đang là người nổi tiếng, mà không nghĩ rằng đó chỉ là thứ nổi tiếng hão huyền, viển vông.

Điều đáng nói là, không ít những thông tin trên mạng xã hội đúng - sai, thực hư, thật - giả lẫn lộn khiến cho người dùng mạng không biết đâu mà lần, thậm chí bị “dắt mũi”, rồi người nọ chia sẻ thông tin cho người kia lan truyền “tam sao thất bản”, khiến cho cái sai, cái giả có khi trở nên trầm trọng hơn. Với độ lan tỏa nhanh trên mạng xã hội, cái sai đó khiến cho nhiều cư dân mạng xã hội nếu không tỉnh táo, thận trọng dễ bị xáo trộn tư tưởng dẫn đến nghi ngờ, mất niềm tin cả với những giá trị tốt đẹp trong thực tế. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã có hơn 600 cá nhân bị xử phạt vì đăng tin sai sự thật về dịch bệnh, nguyên nhân cũng chủ yếu vì sự nghiệp “câu viu”...

Sử dụng mạng xã hội là xu hướng không thể đảo ngược trong thời đại công nghệ số, và đây cũng là một trong những quyền chính đáng của con người. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng không nằm ngoại lệ. Nhưng để giảm thiểu những mặt trái và làm trong sạch môi trường mạng, hơn ai hết mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần đề cao và thực hiện những nguyên tắc, chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội. Bên cạnh việc giữ gìn hình ảnh bản thân, giữ gìn lời ăn, tiếng nói lành mạnh của mình trên mạng xã hội. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tích cực cổ vũ, khích lệ, lan tỏa những câu chuyện, những việc làm, những hình ảnh tốt đẹp trong thực tế trên môi trường mạng, góp phần làm giàu những giá trị văn hóa, nhân văn trên môi trường mạng. Đồng thời phải thể hiện lập trường, quan điểm, chính kiến của mình, không “mũ ni che tai”, thấy đúng phải biết bảo vệ, chủ động phê phán, đấu tranh với những thông tin sai trái, tiêu cực. Qua đó góp phần giữ gìn, tăng cường sự đoàn kết thống nhất, sự đồng thuận trong xã hội ngày càng tốt đẹp. Chúng ta không quay lưng với mạng xã hội, nhưng chúng ta không thể đánh mất mình vì mạng xã hội, bởi mạng xã hội tuy ảo, nhưng hệ lụy do nó gây ra thì luôn có thật.

Hoàng Bách

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/song-lanh-manh-tren-mang-xa-hoi-138079.html