Sống mãi tinh thần, khí phách Gạc Ma sẵn sàng xả thân bảo vệ Tổ quốc
33 năm trước, ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã nổ súng cưỡng chiếm phi pháp đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những ngày tháng ba này, muôn triệu trái tim Việt Nam lại hướng về Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, thành kính tri ân những người con anh dũng đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Biểu tượng bất diệt của lòng dũng cảm, ý chí quật cường
Theo tư liệu lịch sử, 2 tháng đầu năm 1988, sau khi chiếm giữ trái phép 5 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Subi, Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị thực hiện ý đồ thôn tính 3 địa doanh: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Đầu tháng 3-1988, hải quân Trung Quốc huy động lực lượng của 2 hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên có từ 9 đến 12 tàu chiến, gồm: tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ tên lửa, tàu pháo, tàu đổ bộ; tàu hỗ trợ gồm 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo…
Nắm được âm mưu của đối phương, tháng 2-1988, quân dân Việt Nam bắt đầu chiến dịch CQ-88 (Chủ quyền - 1988) với ý chí mạnh mẽ, quyết tâm giữ vững các đảo đã thể hiện chủ quyền; đồng thời dốc toàn lực đóng giữ các đảo, đá mới không người theo đúng kế hoạch, ngăn chặn việc mở rộng phạm vi lấn chiếm của đối phương.
Sáng 14-3-1988, khi các chiến sĩ công binh Việt Nam làm nhiệm vụ trên đá Gạc Ma thì các chiến hạm Trung Quốc xuất hiện. Phía Trung Quốc điều hàng chục lính từ tàu chiến tiến lên đảo, áp sát các chiến sĩ của ta. Trước tình hình nguy cấp như vậy, những người lính công binh vẫn không nao núng, quyết một lòng bảo vệ lá cờ Tổ quốc đến cùng. Sau đó, tàu Trung Quốc đã nã đạn vào lính công binh của ta. Trận đánh khốc liệt không cân sức giữa các tàu chiến của hải quân Trung Quốc với các tàu vận tải không vũ trang và các chiến sĩ công binh Việt Nam đã nổ ra.
Trong trận chiến bi hùng này, mặc dù chỉ có vũ khí cá nhân, nhưng những chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng chống lại số lượng tàu chiến và quân lính đông gấp nhiều lần của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Trong giờ phút sinh tử ấy, trước ưu thế và giữa họng súng của quân Trung Quốc, những người lính Việt Nam quật cường đã nắm chặt tay nhau để tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc. “Vòng tròn bất tử” ấy đã trở thành biểu tượng bất diệt về lòng dũng cảm, ý chí quật cường, về tinh thần đoàn kết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
Sau này, Trung Quốc thống kê họ đã bắn tổng cộng 285 viên đạn pháo 100mm và 266 viên đạn pháo 37mm, chưa kể các cỡ đạn khác. Phía Việt Nam chỉ có tàu vận tải nên không có pháo hạm, chỉ có thể bắn trả bằng các loại vũ khí cá nhân như AK-47 và RPG-7. Do lực lượng quá chênh lệch nên 64 chiến sĩ của ta đã hy sinh, 11 chiến sĩ khác bị thương, 9 người khác bị Trung Quốc bắt. Tuy nhiên, chúng ta đã giữ vững được cả Cô Lin và Len Đao, Trung Quốc chỉ chiếm được đá Gạc Ma.
Tổng cộng trong chiến dịch CQ-88, mặc dù không có tàu chiến, các tàu thuyền khác đều rất nhỏ, số lượng hạn chế, nhưng hải quân Việt Nam đã thể hiện chủ quyền và chốt giữ 11 đảo chìm, nâng tổng số đảo chúng ta đóng giữ lên 21, trong đó 9 đảo nổi lớn. Sau đó, Trung Quốc còn âm mưu chiếm đá Len Đao và các bãi cạn, đá ngầm ở Khu vực DK-I ở phía nam Biển Đông nhưng đã bị ta chặn đứng. Sự kiện ngày 14-3-1988, gắn với những địa danh Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao, đã trở thành dấu mốc không bao giờ phai trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.
Bài học thấm đẫm tinh thần xả thân bảo vệ Tổ quốc
33 năm đã trôi qua nhưng tinh thần và khí phách của 64 chiến sĩ anh dũng hy sinh trên đảo Gạc Ma trong trận đánh không cân sức để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thì vẫn sống mãi. Tổ quốc cũng không bao giờ quên công ơn của các anh. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã được xây dựng tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Điểm nhấn Khu tưởng niệm là Tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma cao 15,15m với chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời”, lấy cảm hứng từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988.
Ngoài Trường Sa, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, chùa Sinh Tồn trên đảo Sinh Tồn là nơi đặt tấm bia vinh danh 64 người con đất Việt đã hòa mình vào sóng nước trùng dương hồi 33 năm trước. Nhân dân trên đảo Sinh Tồn, ngoài ngày 14-3, những ngày rằm, mùng 1 hàng tháng và ngày lễ, Tết, đều đến chùa Sinh Tồn dâng nén hương thơm, cầu mong các anh được yên nghỉ, phù hộ cho quân dân trên đảo bình an, đất nước hòa bình, phát triển.
Hai anh hùng hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền tại đảo Gạc Ma là anh hùng Trần Đức Thông và anh hùng Trần Văn Phương đã được tỉnh Khánh Hòa quyết định lấy tên đặt cho 2 con đường mới tại thành phố Nha Trang. Khi hy sinh, anh hùng Trần Đức Thông mang quân hàm trung tá, chức vụ Lữ đoàn phó, tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân. Ông là người có mặt trên tàu HQ-604, trực tiếp chỉ huy các chiến sĩ chống lại đối phương. Còn anh hùng Trần Văn Phương lúc hy sinh mang quân hàm thiếu úy, Phó chỉ huy đảo Gạc Ma, người trực tiếp chỉ huy các đồng đội bảo vệ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma. Năm 1989, Trung tá Trần Đức Thông và Thiếu úy Trần Văn Phương được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong nhiều năm qua, chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” đã vận động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, cán bộ, công chức, người lao động, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài chung tay hỗ trợ, giúp đỡ gia đình các liệt sĩ. Đến thời điểm này, tất cả thân nhân 64 liệt sĩ Gạc Ma, những cựu binh Gạc Ma đã được hỗ trợ thiết thực, từ việc giúp đỡ xây dựng nhà, xin việc làm cho con em liệt sĩ, đến việc thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình khó khăn.
64 chiến sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma đã không trở về nhưng tấm gương hy sinh của các anh và câu nói “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương vẫn tiếp tục khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm một lòng bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ mà bao thế hệ đi trước phải đánh đổi bằng máu để giành và giữ được.
Sự kiện Gạc Ma còn để lại cho chúng ta bài học quý giá trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Đó là bài học cảnh giác, luôn sẵn sàng, kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Là bài học phải thấm đẫm tinh thần Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước và quê hương, như những người lính đã thể hiện trong trận hải chiến Gạc Ma.