Sông muôn đời trẻ mãi!

Sông muôn đời trẻ mãi, chung thủy với đôi bờ và chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, bao biến thiên của vạn vật quanh mình.

Dòng sông Hương ở Thanh Hà (ảnh tư liệu)

Dòng sông Hương ở Thanh Hà (ảnh tư liệu)

Ai đã từng yêu lịch sử, yêu địa lý, yêu những nét kỳ vĩ của thiên nhiên, chắc giống như tôi, đều yêu những con sông.

Khi chúng ta sinh ra, lớn lên, thì sông đã có mặt ở đó, từ xa xửa xa xưa muôn thuở nào rồi. Giống như núi đồi, đồng bằng, thung lũng... sông là một nét vẽ tài hoa kỳ thú của thiên nhiên. Núi cao vươn mây, chạm trời. Thung lũng như lòng chảo xanh tươi bốn mùa. Còn sông lại đằm mình bởi độ sâu hun hút mà chẳng kém phần nên thơ. Sông như chiếc khăn lụa mềm mại, yêu kiều, khi lấp lánh ánh bạc, khi xanh màu trời biếc, khi lại đục ngầu phù sa, uốn lượn quanh co vắt qua bao nhiêu là đồi nương, làng mạc, ruộng đồng. Nơi nào có sông đi qua, nơi đó có nền văn minh rực rỡ, có những làng mạc xanh tươi bãi bờ, có những thành phố sầm uất, trù phú, tấp nập giao thương kẻ bán người mua. Câu tục ngữ "Nhất cận thị, nhị cận giang" đã nói lên vị trí ưu tiên đặc biệt của sông trong việc chọn nơi định cư của con người từ thời xa xưa.

Có lẽ vì yêu đã ngấm vào máu thịt nên tôi rất thích ngắm những con sông. Tôi thích cái dáng hình uốn lượn quanh co như dải lụa mềm. Tôi say cái màu nước trong leo lẻo mà nhìn xa thì lại biêng biếc như chiếc gương xanh. Tôi mê cái màu xanh trù phú, bạt ngàn có chút cô liêu, hoang vu như cổ tích ở hai bên bờ bãi. Tôi say cái màu phù sa nâu đỏ mỡ màu của đất ruộng đồng bằng châu thổ. Nhìn những thớ đất mỡ màu phù sa ấy, tôi hình dung thấy ngàn ngàn, vạn vạn mùa lũ dâng đầy trong quá khứ, để rồi khi lũ rút, sông đã để lại bao nhiêu là châu ngọc mịn màng, giống như một cách đền bù, ban tặng, trả ơn, cũng là cách lưu lại dấu tích ở những nơi mà sông đã đi qua.

Có lẽ vì yêu thích và tò mò khám phá mà mỗi dịp đi đâu đó, nhìn thấy những dòng sông, tôi đều đưa mắt chăm chú quan sát, ngắm nhìn như thôi miên cái hình hài mềm mại ấy, để mà say sưa, trầm tư, nghĩ ngợi một điều gì đó, vừa rất đỗi rõ ràng, cụ thể mà lại vừa như diệu vợi, mông lung, xa vời, thăm thẳm, vô định.

Tôi đã đã ngắm nhìn sông Hồng, sông Thái Bình và bao nhiêu nhánh sông của nó dọc ngang, chằng chịt đi qua đồng bằng Bắc Bộ quê tôi. Sông cái thường rộng, sâu, có bãi bồi và lưu vực, có cả những con đê cao sừng sững dọc đôi bờ để trị thủy khi mùa lũ đến. Trên sông, tàu bè đi lại tấp nập, sóng vỗ ì oạp mạn thuyền. Những hôm trời lộng gió, sóng nhấp nhô, vờn đuổi nhau dài tít tắp, miên man, tung bọt xô bờ. Những ngày gió lặng, mặt sông lại phẳng phiu, hiền hòa như chưa từng biết đến những ngày giông tố.

Còn những con sông đào, những dòng kênh xanh mát trong hệ thống tưới tiêu thủy lợi thường nằm lọt thỏm, hiền hòa giữa những cánh đồng mênh mông.

Trong ký ức của tôi, những con sông tôi đã từng đi qua đều rất đẹp. Và không hiểu sao, tôi cứ hình dung sông cũng giống hệt như người, biết vui buồn, đớn đau nhưng cũng đầy bao dung, vị tha. Con nước lên xuống theo chu kỳ trăng tròn, trăng khuyết là nhịp thở của sông. Mải miết, lặng lẽ chảy không ngừng là cách sông vận động để làm sạch, làm mới cho mình. Vậy nên sông muôn đời trẻ mãi, chung thủy với đôi bờ và chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, bao biến thiên của vạn vật quanh mình.

HIỀN HÒA

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/song-muon-doi-tre-mai-370334.html