Sóng nhiệt ảnh hưởng hàng triệu người khắp 4 châu lục

Sóng nhiệt nguy hiểm đang xảy ra tại các thành phố trên 4 châu lục, khi Bắc Bán cầu đánh dấu ngày đầu tiên của mùa hè, một dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu có thể một lần nữa góp phần tạo ra cái nóng phá vỡ kỷ lục, có thể vượt qua mùa hè năm ngoái để trở thành mùa hè nóng nhất trong 2.000 năm.

 Người dân đi bộ giữa thời tiết nắng nóng ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Người dân đi bộ giữa thời tiết nắng nóng ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nhiệt độ kỷ lục trong những ngày gần đây được cho là nguyên nhân gây ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ca tử vong trên khắp châu Á và châu Âu. Trong khi đó, các quốc gia xung quanh Địa Trung Hải cũng phải hứng chịu thêm một tuần nhiệt độ cao, góp phần gây ra tình trạng cháy rừng từ Bồ Đào Nha cho đến Hy Lạp, và dọc theo bờ biển phía bắc châu Phi tại Algeria, theo Đài quan sát Trái đất của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ.

Tại Serbia, các nhà khí tượng học dự báo nhiệt độ sẽ vào khoảng 40 độ C trong tuần này, các cơ quan y tế đã ban bố cảnh báo thời tiết đỏ và khuyến cáo người dân không nên mạo hiểm đi ra ngoài. Ở quốc gia láng giềng Montenegro, nơi các cơ quan y tế cũng cảnh báo người dân nên ở trong bóng râm cho đến chiều muộn, hàng chục nghìn khách du lịch đã đổ về các bãi biển dọc bờ biển Adriatic của quốc gia này.

Một vùng rộng lớn ở phía đông nước Mỹ cũng đang trải qua ngày thứ tư liên tiếp dưới một “mái vòm nhiệt”, hiện tượng xảy ra khi một hệ thống áp suất cao và mạnh giữ không khí nóng trên một khu vực, ngăn không khí mát đi vào và khiến nhiệt độ mặt đất duy trì ở mức cao.

Thành phố New York đã mở cửa những trung tâm làm mát khẩn cấp trong các thư viện, trung tâm người cao tuổi và các cơ sở khác. Trong khi các trường học của thành phố này hoạt động bình thường, thì một số quận ở vùng ngoại ô xung quanh đã cho học sinh về nhà sớm để tránh nắng nóng.

Theo Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu, các đợt sóng nhiệt đang xảy ra trong bối cảnh 12 tháng liên tiếp đã được xếp hạng là tháng nóng nhất từng được ghi nhận.

Bên cạnh đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, có 86% khả năng 1 trong 5 năm tới sẽ vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận. Trong khi nhiệt độ toàn cầu nói chung đã tăng gần 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, biến đổi khí hậu đang thúc đẩy thêm nhiều mức đỉnh nhiệt độ cực đoan hơn, khiến các đợt sóng nhiệt trở nên phổ biến hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn.

LÊ THẢO(Lược dịch từ Reuters)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/song-nhiet-anh-huong-hang-trieu-nguoi-khap-4-chau-luc-142237.html