Sóng nhiệt mạnh đe dọa đến sức khỏe người dân châu Á
Những tháng trước mùa mưa hoặc gió mùa, khu vực châu Á thường hứng chịu nắng nóng. Nhưng nhiệt độ năm 2024 vào thời điểm này lại cao hơn nhiều so với mức trung bình ở nhiều quốc gia...
Nhà nghiên cứu lịch sử thời tiết Maximiliano Herrera nhận định, nhiều vùng ở châu Á đang chứng kiến các kỷ lục nhiệt độ liên tục bị “xô đổ” một cách đáng sợ. Ấn Độ nổi lên là điểm nóng đúng nghĩa đen khi nhiều địa phương ghi nhận mức nhiệt hơn 43 độ C. Chính quyền bang Kerala đóng cửa các cơ sở giáo dục cho đến ngày 6/5, song song đó khuyến cáo người dân giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và đề phòng hỏa hoạn.
Tương tự, hơn 47.000 trường học ở Philippines chuyển sang dạy trực tuyến khi chỉ số nhiệt ở nước này lên đến 45 độ C. Theo trang Euro News, chỉ số nhiệt là nhiệt độ con người cảm nhận được, thường cao hơn nhiều so với nhiệt độ không khí do độ ẩm cao làm giảm khả năng điều hòa thân nhiệt của cơ thể. Tình trạng này làm tăng nguy cơ kiệt sức, say nắng và thậm chí gây tử vong.
Khu vực Đông Nam Á cũng hứng chịu nắng nóng thiêu đốt khi tại nhiều nước chứng kiến những kỷ lục về nhiệt độ được thiết lập. Chỉ số nóng bức tại thủ đô Bangkok của Thái Lan ngày 2/5 lên tới 52 độ C - mức đặc biệt nguy hiểm, trong khi hàng chục tỉnh, thành phố ở nước này hứng chịu những ngày “siêu nắng nóng” từ cuối tháng 4 khi nhiệt độ tối đa đều trên 43 độ C.
Đây cũng là nhiệt độ tối đa ở Campuchia những ngày qua, mức cao nhất từng được ghi nhận trong khoảng 170 năm. Tại Lào, ngày 30/4, nhiệt độ ngoài trời đo được lên đến 47 độ C, là mức nhiệt cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thị trấn Chauk ở miền trung Myanmar ngày 28/4 chứng kiến mức nhiệt 48,2 độ C, mức cao nhất trong tháng 4 từ khi dữ liệu được thống kê cách đây 56 năm. Trong khi đó, nhiệt độ tăng cao ở Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, đang khiến dịch sốt xuất huyết lây lan mạnh, với số ca mắc tăng hơn gấp đôi lên 35.000 ca so với 15.000 ca một năm trước đó.
Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nắng nóng khắc nghiệt ngay từ cuối xuân ở châu Á năm nay. Biến đổi khí hậu đã khiến khả năng xảy ra các đợt sóng nhiệt tăng lên 100 lần trong năm 2023. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), châu Á có tốc độ ấm lên nhanh gần gấp đôi kể từ giai đoạn 1961-1990 và kéo theo là các thảm họa tự nhiên như bão, lũ, lốc xoáy xảy ra thường xuyên và nguy hiểm hơn.
Theo Diễn đàn Triển vọng Khí hậu Nam Á (SASCOF) lần thứ 28 cuối tháng 4, lượng mưa trên mức bình thường được dự báo trút xuống ở hầu hết quốc gia Nam Á trong mùa mưa sắp tới, vào khoảng tháng 6 đến 9. Từ nay đến lúc đó, cả Nam Á và Đông Nam Á vẫn chưa thoát khỏi đợt nắng nóng gay gắt thời gian qua.
Tạp chí The Business Standard dẫn lời các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định biến đổi khí hậu chính là “chất xúc tác” khiến các dấu hiệu còn sót lại của El Nino trở nên nghiêm trọng hơn. Nói cách khác, El Nino là nguyên nhân hàng đầu gây nên sự nóng lên ở châu Á. Cho đến khi những giải pháp dài hạn phát huy tác dụng, các chuyên gia lo ngại số người thiệt mạng sẽ tiếp tục tăng và hàng triệu người sẽ phải đứng trước những lựa chọn khó khăn thảm khốc với mỗi đợt nắng nóng.
Đứng trước một mùa hè được dự báo sẽ vô cùng khắc nghiệt trong khi nguồn lực và kinh phí để giải quyết những vấn đề này còn hạn chế, giới chuyên gia lo ngại rằng châu Á sẽ phải đương đầu vô vàn khó khăn nếu thiếu sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Chẳng hạn, các dự báo cho thấy nhiệt độ cao hơn và thu nhập của người dân tốt hơn có thể tăng số lượng máy điều hòa ở Đông Nam Á từ 40 triệu chiếc năm 2017 lên 300 triệu chiếc vào năm 2040.
Tình trạng này sẽ gia tăng áp lực đối với lưới điện địa phương. Myanmar chỉ sản xuất được khoảng 1/2 lượng điện cần thiết mỗi ngày, do gặp nhiều khó khăn vì mưa ít, sản lượng khí đốt tự nhiên thấp và các nhóm vũ trang đối thủ tấn công cơ sở hạ tầng, theo chính quyền quân sự Myanmar. Thái Lan cũng chứng kiến nhu cầu sử dụng điện kỷ lục những tuần gần đây, khi người dân tăng cường sử dụng điều hòa trong các ngôi nhà hoặc cơ sở kinh doanh.
Theo IEA, điều hòa không khí thải ra khoảng một tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm, trong tổng số 37 tỷ tấn khí thải trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các lựa chọn làm mát như điều hòa là giải pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe con người, đặc biệt với những người dễ bị tổn thương nhất do nắng nóng gay gắt như trẻ em, người già và người khuyết tật. Với nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao, hàng chục quốc gia năm ngoái đã ký cam kết làm mát toàn cầu của Liên Hợp Quốc, nhằm cải thiện hiệu suất của máy điều hòa và giảm khí thải từ mọi hình thức làm mát.
Tại Việt Nam, số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho thấy, trên toàn quốc, nhiệt độ trung bình tháng 4 đạt 28 độ, vượt giá trị lịch sử cũ là 27,1 (tháng 4/2019), trở thành tháng 4 nóng nhất trong lịch sử tính từ năm 1980 đến nay. Tháng 4 có 110/186 trạm quan trắc trên cả nước ghi nhận giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ, trong đó có đến 44 trạm vượt giá trị lịch sử năm. Tính theo đơn vị hành chính, có tới 50/63 tỉnh, thành phố ghi nhận nhiệt độ kỉ lục của tháng 4.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm nay ở Bắc bộ, Trung bộ nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình, khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối. Tại miền Bắc, từ nay đến hết tháng 5 có khả năng xuất hiện hai đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Tình trạng nắng nóng ở Bắc bộ còn tiếp diễn đến tháng 7.
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF), ngày 19/3, ông Thomas - Giám đốc quốc gia của IFC (thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới - WB) cho rằng, biến đổi khí hậu “là một trong những thách thức thời đại mà Việt Nam đang phải đối mặt”. Báo cáo phân tích môi trường gần đây của WB cho thấy Việt Nam đã mất 3,2% GDP vào năm 2020 do tác động của biến đổi khí hậu. Xa hơn nữa, tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam thiệt hại 12 - 14,5% GDP vào năm 2050.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/song-nhiet-manh-de-doa-den-suc-khoe-nguoi-dan-chau-a.htm