Sông nước lênh đênh

Mấy chục năm làm nghề chài lưới trên sông, với vợ chồng ông Mai Không (thôn Tứ Trung, Quế Lâm, Nông Sơn), tiếng dầm chèo khua nước và dầm gõ săn cá tựa như tiếng hơi thở của cuộc đời mình. Con nước ở chân Hòn Kẽm Đá Dừng này đã in bóng ông Không và bao người làm nghề chài lưới với những tâm tình và nỗi niềm rất riêng.

Những thuyền đánh cá chọn khu vực nước sâu, tĩnh lặng ở chân Hòn Kẽm để giăng lưới. Ảnh: Tâm Thông

Những thuyền đánh cá chọn khu vực nước sâu, tĩnh lặng ở chân Hòn Kẽm để giăng lưới. Ảnh: Tâm Thông

1. Khi những tia nắng cuối ngày nhẹ nhàng buông thõng qua đỉnh núi, hắt lên mặt sông Thu Bồn vạt sáng lấp loáng cũng là lúc vợ chồng ông Mai Không chuẩn bị “đồ nghề” cho chuyến làm cá đêm ở chân Hòn Kẽm.

Ông Không cho biết, chỉ đến mùa cá dềnh ngược dòng vào tháng Giêng, tháng Hai hằng năm ông mới đánh bắt cá ở Kẽm, những ngày thường chỉ làm gần nhà ở cầu treo Quế Lâm.

Có dịp theo ghe ông Không ngược dòng lên Hòn Kẽm buông lưới, chúng tôi mới cảm được sự chịu thương, chịu khó, sự can đảm và khéo léo của người làm nghề chài lưới ở đây. Đôi bàn tay chai sần, ông Không thoăn thoắt chèo, rảo tay đổi hướng liên tục theo từng con nước.

Bao nhiêu năm gắn đời mình với sông, ông thuộc lòng từng con nước nông cạn ở đoạn sông này. Ông Không kể, năm lên mười tuổi đã theo cha làm nghề. Nhiều năm qua, ngoài việc làm nông ban ngày, thì chiều tối là lúc ông bắt đầu với nghề đánh cá.

“Có những đợt đổ bệnh phải nghỉ dăm ba bữa, tôi nhớ sông, nhớ nghề đến lạ. Lâu dần trở thành một thói quen, cứ chiều lại là muốn lên thuyền đi thả lưới” – ông Không tâm sự.

Sau một hồi mải miết chèo, chập choạng tối, ghe ông Không đến chân Hòn Kẽm. Theo ông Không, từ tháng Giêng, tháng Hai trở đi, thời tiết nắng ấm dần, cá rời khỏi các ngách đá đi tìm thức ăn nên thường đánh bắt dễ hơn.

Chọn được khu nước tĩnh lặng, ông Không và vợ thoăn thoắt buông lưới xuống sông. Sau khi tấm lưới giăng hết xuống nước, ông bơi ra phía ngoài, dùng chiếc dầm bơi đập mạnh vào mạn thuyền để xua cá chạy, mắc vào giàn lưới đã được giăng sẵn.

Vì đặc trưng địa thế xung quanh là các vách đá dựng đứng nên khi đập mái dầm như vậy âm thanh sẽ vang dội lại, “bao vây” đuổi cá vào lưới. Trong không gian tĩnh lặng, giao thoa giữa ngày và đêm, tiếng dầm khua cá khắc khoải một vùng mênh mang sông nước.

2. Trong lúc chờ cá mắc đủ mẻ lưới, ông Không chèo ghe vào bờ cát bên kia sông, nhóm bếp thổi cơm tối. Ghe đậu bãi, ông đốt 9 cây hương thắp chỗ doi cát dừng ghe và trên bãi. Ông Không bảo, đây là thói quen của những người sống trên sông nước, hễ ghe đậu ở đâu thì thắp ở đó vài cây nhang để đêm ngủ lại được an tâm.

Cơm vừa chín tới cũng là lúc gỡ cá. Giữa ánh sáng bàng bạc của chiếc đèn pin, những con cá mắc lưới được kéo lên lấp lánh ánh trắng. Vừa gỡ lưới ông Không vừa khoe: “Chừng này cá là được hơn trăm nghìn rồi. Giờ người ta thích ăn cá sông nên bán dễ có tiền, may mắn trúng cá ngạnh, cá leo thì được giá hơn. Một ký cá ngạnh sông có giá bán từ 200 - 300 nghìn đồng”.

Thu lưới gọn gàng, ông Không lấy cá vừa gỡ nướng than hồng để đãi chúng tôi. Cá nướng mọi không tẩm ướp gì thêm, khi ăn với cơm trắng chỉ cần chấm chút muối tiêu là dậy mùi thơm và dai, ngọt.

Nhấm nháp ly rượu gạo, ông Không bảo: “Cá ở đoạn Kẽm ni là ngon nhất ở dòng Thu Bồn này. Chúng sống trong các kẽ đá, cộng thêm dòng chảy của con nước ở đây thường xuyên thay đổi nên con cá phải luồn lách nhiều hơn. Do vậy khi ăn, thịt của những con cá ở đây sẽ dai hơn, ngọt hơn”.

3. Đêm tĩnh lặng, chúng tôi nghe rõ tiếng sông chảy rì rào, tiếng cá ngoi lên mặt nước vẫy tanh tách. Tiếng hò của bạn đò bên kia sông vọng vào vách núi: “Mời em về với quê anh/ Quê hương Hòn Kẽm ngọt lành tiếng ru/ Mái chèo xuôi ngược dòng Thu/ Ngân nga tiếng sáo vi vu gió ngàn”…

Bên bếp lửa nổ lách tách, ông Không kể những câu chuyện không đầu không đuôi ẩn chứa bao nỗi niềm về chuyện đời, chuyện nghề. Là những câu chuyện lúc đối mặt với hiểm nguy, lúc chứng kiến bạn nghề “sinh nghề tử nghiệp” trên sông hay lúc thấy cảnh đàn cá bị tận diệt…

“Ngày xưa cá nhiều lắm, mà thời gian này cá không còn nhiều nữa. Một phần cá bị mù mắt do hóa chất, một phần bị khai thác lén bằng mìn nổ, châm điện” – giọng ông Không ngắt quãng.

Với ông và nhiều người làm chài lưới ở đây, đánh bắt cá tuy là công việc làm thêm nhưng mang lại nguồn thu nhập chính trong gia đình. Qua bao mùa vần xoay, công việc và cuộc sống của những con người mưu sinh trên sông vẫn yên bình trôi. Lâu nay, họ luôn giữ cách thức đánh cá thủ công, vì đó vừa là thú vui, vừa bảo vệ được con tôm, con cá trên sông - nơi nguồn sống và cuộc đời của họ đặt trọn vào đây.

“Mình đánh bắt cá bằng mắc lưới đúng quy định thì mới giữ lại được cá con, sau này mới có để bắt tiếp. Rồi tới đời con cháu mình, tụi hắn mới có cái để làm để ăn, để giữ sông, giữ những câu hò khoan ngọt ngào cha ông truyền lại…” - ông Không đau đáu.

Theo Tâm Lê - Minh Thông (Báo Quảng Nam)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/202202/song-nuoc-lenh-denh-5767169/