Sống ở Hà Nội, tháng nào cũng tiết kiệm được 20 triệu/tháng thế nào?

Cô nàng đều đặn tiết kiệm 20 triệu/tháng từ các khoản đầu tư và thu nhập phụ.

Mình tên là Thu Hằng, sinh năm 1994, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội trong lĩnh vực Hành chính - Nhân sự. Ngoài công việc full-time, mình còn nhận thêm khá nhiều việc làm ngoài như chụp ảnh dạo, makeup thuê, dịch sách và thi thoảng làm MC đám cưới. Những công việc này ban đầu mình làm chỉ vì sở thích cá nhân, nhưng làm lâu dần thấy hợp, thấy vui, lại có thêm thu nhập nên mình duy trì đến giờ.

Dù có thể làm nhiều việc cùng lúc, nhưng vì đặc thù của các job phụ là không cố định, nên thu nhập hàng tháng của mình cũng lên xuống thất thường. Chỉ có lương từ công việc chính là đều đặn. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều đến cách mình chi tiêu, vì mình đã đặt ra một nguyên tắc: bất kể kiếm được bao nhiêu, mình cũng chỉ tiêu 10 triệu đồng mỗi tháng.

Mình bắt đầu nghiêm túc thực hiện điều này từ đầu năm 2024. Kết quả là đến hết năm, tổng số tiền mình tiết kiệm được là 244.227.000 đồng, tức trung bình khoảng 20,3 triệu đồng mỗi tháng. Nhìn lại cả một năm, mình thấy quyết định giới hạn chi tiêu và sống trong mức đó là hoàn toàn đúng đắn.

Trung bình Thu Hằng tiết kiệm được 20 triệu/tháng. Ảnh minh họa

Trung bình Thu Hằng tiết kiệm được 20 triệu/tháng. Ảnh minh họa

Tiền tiết kiệm đến từ đâu?

Mình có một file excel nhỏ để theo dõi các khoản tiết kiệm hàng tháng. Dựa vào đó, mình biết rõ số tiền cất được đến từ đâu. Chủ yếu là từ 4 nguồn:

- Tiền lương công việc chính

- Thu nhập từ các công việc tay trái

- Cổ tức từ một khoản đầu tư cũ

- Và tiền thu hồi nợ từ bạn bè

Khoảng 8 năm trước, mình từng góp vốn với anh trai mở công ty. Mỗi năm, anh sẽ chia cho mình một lần cổ tức, thường là vào tháng 6. Trộm vía là đến giờ công ty vẫn hoạt động ổn định nên năm nào mình cũng có một khoản kha khá từ đó. Còn tiền thu hồi nợ là từ những lần mình cho bạn bè vay không tính lãi nên khi ai đó trả thì mình cứ “cất gọn”, coi như khoản tiền từ trên trời rơi xuống.

Chỉ tiêu 10 triệu/tháng ở Hà Nội có khó không?

Mình thấy không khó, quan trọng là mình không để chi tiêu bị dẫn dắt bởi cảm xúc. Một khi đã đặt ra mức ngân sách là 10 triệu thì mình cứ theo đúng con số đó mà sống. Thật ra mình không cắt giảm quá nhiều hay sống kham khổ. Mình vẫn ăn uống đầy đủ, vẫn đi chơi khi cần, nhưng chỉ ở mức vừa phải và luôn cân nhắc xem có thực sự cần thiết không.

Mình cũng ít tụ tập bạn bè, phần vì công việc bận, phần vì mình vốn không thích ồn ào. Thay vì cà phê mỗi tuần hay tiệc tùng hàng tháng, mình chọn gặp gỡ ít nhưng chất lượng. Những người bạn thân hiểu tính mình nên cũng không ai phàn nàn gì cả.

Cô nàng này chỉ tiêu 10 triệu/tháng. Ảnh minh họa

Cô nàng này chỉ tiêu 10 triệu/tháng. Ảnh minh họa

Bí quyết để tiết kiệm 50% lương mỗi tháng

Mình không nghĩ bản thân giỏi quản lý tài chính hay đầu tư. Mình chỉ đơn giản là làm 3 điều sau:

- Bắt đầu từ mức nhỏ nhất rồi nâng dần tỷ lệ tiết kiệm

Ban đầu mình chỉ để dành được vài triệu mỗi tháng. Nhưng dần dần, khi đã quen với việc tiêu ít đi, mình bắt đầu tăng tỷ lệ tiết kiệm lên. Mỗi lần có job ngoài, mình luôn ưu tiên cất tiền trước khi nghĩ đến việc tiêu.

- Chỉ chi tiêu trong giới hạn lương chính, không động vào thu nhập phụ

Lương full-time của mình đủ để trang trải mọi chi phí cơ bản. Thế nên mình tự đặt nguyên tắc: lương chính để sống, mọi thu nhập khác đều mang đi tiết kiệm. Có tháng job ngoài nhiều, tiền cất được cũng nhiều hơn. Có tháng ít việc thì vẫn cứ 10 triệu/tháng mà sống.

- Ưu tiên tiết kiệm trước, tiêu sau

Ngay khi nhận lương, mình sẽ chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm hoặc gửi ngân hàng ngay. Còn lại bao nhiêu mới tính đến chi tiêu. Mình luôn dặn em gái mình một câu: “Kiếm được bao nhiêu không quan trọng bằng giữ lại được bao nhiêu”.

Thói quen giúp mình duy trì kỷ luật

- Luôn theo dõi dòng tiền ra vào mỗi tháng:

Mình có một file excel để ghi lại từng khoản chi, khoản thu. Nhờ đó, mình không bao giờ bị “vung tay quá trán” mà vẫn thấy yên tâm về tài chính.

- Không áp lực phải giàu nhanh:

Mình không đầu tư mạo hiểm, cũng không chạy theo các trend tài chính. Mình thích cách sống ổn định và từng bước vững chắc. Khi có khoản dư lớn, mình chia nhỏ: phần gửi tiết kiệm, phần mua vàng, phần giữ tiền mặt để phòng trường hợp khẩn cấp.

- Không so sánh với người khác:

Nhiều người tiêu 20-30 triệu mỗi tháng vẫn thấy thiếu, còn mình tiêu 10 triệu mà vẫn cảm thấy đủ. Quan trọng là hiểu rõ nhu cầu của bản thân, không chạy theo lối sống của người khác.

Cô nàng không đầu tư mạo hiểm, càng không chạy theo các trend tài chính. Ảnh minh họa

Cô nàng không đầu tư mạo hiểm, càng không chạy theo các trend tài chính. Ảnh minh họa

Tạm kết

Tiết kiệm với mình không phải là chuyện lớn lao, cũng không phải là khắt khe với chính mình. Mình chỉ đơn giản là chọn một lối sống vừa đủ, để sau này dù có biến cố gì xảy ra, mình vẫn luôn có một khoản dự phòng để không hoảng loạn.

Sống giữa một thành phố đắt đỏ như Hà Nội, mỗi tháng vẫn để ra được 20 triệu, với mình là một điều đáng tự hào. Mong là câu chuyện của mình có thể truyền chút cảm hứng cho ai đó đang loay hoay với việc quản lý tài chính cá nhân.

Vì thật ra, ai cũng có thể tiết kiệm – chỉ cần bạn bắt đầu từ những điều nhỏ nhất và kiên trì với nguyên tắc của riêng mình.

Vân Anh - CTV

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/kinh-doanh/song-o-ha-noi-thang-nao-cung-tiet-kiem-duoc-20-trieu-thang-the-nao-202507121912184175.html