Sòng phẳng với khách bay
Vài ngày trước, một hành khách bay từ TP HCM đi Phú Quốc (Kiên Giang) với lịch khởi hành dự kiến là 17 giờ 5 phút tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, tới 22 giờ 30 phút, chuyến bay vẫn chưa khởi hành.
Dù được hỗ trợ phòng chờ và suất ăn, hành khách này vẫn rất bức xúc vì không được hãng hàng không nêu lý do cụ thể về việc vì sao chuyến bay bị chậm? Trong khi chuyến bay của một số hãng hàng không khác cũng từ TP HCM đi Phú Quốc vẫn khởi hành bình thường.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng hành khách ước đạt 34,7 triệu lượt, tăng 49,6% so cùng kỳ năm 2022. Triển vọng 6 tháng cuối năm, hàng không nội địa tiếp tục tăng trưởng khả quan. Riêng dịp cao điểm hè năm nay, từ ngày 1-6 đến 2-9, thị trường hàng không nội địa dự báo tiếp tục tăng trưởng với sản lượng từ 3,5 - 3,7 triệu lượt khách. Khách bay tăng là niềm vui nhưng những trường hợp bức xúc vì bị chậm, hủy chuyến như kể trên là không hiếm, thậm chí xảy ra khá thường xuyên.
Có rất nhiều lý do khiến chuyến bay chậm như máy bay về muộn, do trang thiết bị và dịch vụ tại cảng, thời tiết, quản lý điều hành bay và lý do khác. Nếu loại trừ lý do bất khả kháng như ảnh hưởng bão số 1 Talim vừa qua, vẫn còn rất nhiều trường hợp khác do lỗi chủ quan từ hãng mà chỉ được thông báo "lý do khác"!
Nay, những "lý do khác" này được Bộ Giao thông Vận tải quy định cụ thể hơn và yêu cầu các hãng phải sòng phẳng hơn với hành khách. Theo Thông tư số 19/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các thông tư quy định liên quan đến vận tải hàng không, chuyến bay bị chậm là chuyến bay được xác định có thời gian khởi hành thực tế muộn trên 15 phút so thời gian khởi hành theo kế hoạch trong lịch bay căn cứ. Trong trường hợp không phải do lỗi của hành khách mà chuyến bay bị chậm, người vận chuyển có nghĩa vụ cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách theo phương thức thích hợp; xin lỗi hành khách; bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại và chịu các chi phí khác liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian chờ đợi tại cảng hàng không…
Thông tư cũng quy định rõ các trường hợp chuyến bay bị chậm do lỗi của người vận chuyển từ 2 giờ trở lên, từ 5 giờ trở lên; chuyến bay bị chậm kéo dài hoặc bị hủy thì hãng phải có trách nhiệm cụ thể đối với hành khách. Thực tế, các quy định liên quan những trường hợp trên đều đã có và các hãng đều áp dụng nhưng không ít trường hợp áp dụng không đúng hoặc không thông báo nguyên nhân rõ ràng, khiến hành khách phàn nàn.
Loại trừ một số nguyên nhân bất khả kháng và một chuyến bay ở sân bay này bị chậm sẽ ảnh hưởng lịch trình chuyến bay ở sân bay khác, hãng khác và cả hệ thống vận hành tại sân bay đó thì không ít chuyến bay bị chậm vì lỗi chủ quan do năng lực quản lý, khai thác, vận hành của hãng; quản lý điều hành và khai thác bay tại sân bay và những lỗi này hoàn toàn có thể cải thiện được. Quan trọng là hành khách cần hơn thái độ cầu thị, thiện chí và xử lý tình huống một cách khách quan, sòng phẳng, coi trọng khách hàng của nhân viên và các hãng để "khách hàng đúng là thượng đế" và giữ uy tín, niềm tin của ngành hàng không.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/song-phang-voi-khach-bay-20230721223219714.htm