Sống thon thót trong những căn nhà chờ sập (Kỳ 1: Lạnh gáy, lắc đầu với 'nhà ổ chuột')

Chúng tôi đeo khẩu trang, rón rén bước lên khu nhà tập thể 50-52 Lê Lai, ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng. Những căn phòng được ngăn bằng gỗ ép hoang phế, bao quanh bởi những mảng tường bục rữa có thể rời nhau bất cứ lúc nào. Mở khẩu trang ra là nghe mùi lợm lợm, ngai ngái xốc lên mũi khiến người không quen muốn lao ra ngay. Dân sống quanh đây nói có cho tiền triệu cũng không dám ở đây một đêm, không hiểu vì sao người ta vẫn bám trụ. Cả thành phố đang có hàng chục khu nhà tập thể già nua như thế này, nhưng bao năm qua chưa có lối ra cho việc di dời, giải tỏa, tái định cư.

Một góc trong khu nhà tập thể xuống cấp 50-52 Lê Lai.

Một góc trong khu nhà tập thể xuống cấp 50-52 Lê Lai.

- Lên đường đó, vào nhanh ra nhanh, đi nhẹ nhẹ thôi không thì "ăn cho hết"!

Một người dân sống trong con hẻm 50 Lê Lai, Q. Hải Châu chỉ tay hướng dẫn chúng tôi cách lên cầu thang hoang phế để vào trong ngôi nhà tập thể mà họ quen gọi là "khu ổ chuột" hàng chục năm nay. Trong không khí nhờ nhờ, mùi ẩm mốc xộc thẳng vào mũi, cảnh tượng đập vào mắt là những bức tường cũ kỹ, nứt toác khắp nơi, chuột gián chạy tứ tung rồi chui vào những đống đồ cũ nát nằm ngổn ngang. Phía trên trần nhà lòi thép rỉ, dưới chân là gạch bông cũ nhầy nhầy, xung quanh là bếp, nhà vệ sinh hoen ố nằm gần nhau, các góc tường cũng nứt ra như chờ có chấn động một tí là sẵn sàng đổ xuống. Trong mỗi căn phòng, vài cái gác xép tạm được dựng lên, ngăn ra như cà-phê hộp trước đây. "Chủ nhà họ không có đây, đa số là thợ hồ thuê lại sáng đi tối về nằm ngủ. Các anh cứ thực tế, tụi em chờ ở ngoài", một cán bộ của Sở Xây dựng nói rồi nhanh chóng ra khỏi "chung cư". Ngoài một gia đình có hai mẹ con đang ngủ trưa, còn lại "chủ tạm" của các căn phòng đều đi làm hết.

Các phòng trong khu nhà tập thể tại đường Lê Lai được ngăn tạm bợ bằng gỗ ép, tường và trần nhà nứt ở nhiều vị trí nguy hiểm cho người ở.

Các phòng trong khu nhà tập thể tại đường Lê Lai được ngăn tạm bợ bằng gỗ ép, tường và trần nhà nứt ở nhiều vị trí nguy hiểm cho người ở.

Ra khỏi những căn phòng này, chúng tôi tiếp cận khu tập thể theo một hướng khác là kiệt 52 Lê Lai. Dù có vẻ đã mệt mỏi với việc tiếp và trò chuyện với nhiều phóng viên rồi nhưng chị Ngô Thị Thúy Minh, một người dân sống trong căn hộ tại đây vẫn thật thà tâm sự. "Bố mẹ chồng tôi sống ở đây từ năm 1978, tôi về năm 1998. Đến nay có tổng cộng 8 người sống trong căn phòng 60m2, chật chội quá thì phải ngăn tạm ra ở chứ không được phép sửa chữa. Mỗi khi mưa bão là thon thót giật mình", chị Minh ngồi bóc trứng cút để chuẩn bị cho nồi bún vỉa hè, nói chúng tôi cứ tự do chụp ảnh, hỏi gì sẽ nói nấy. Chị kể, năm 2015 thành phố cũng đã chỉ cho các hộ dân thuộc diện di dời khỏi chung cư, nhà tập thể xuống cấp. Nhưng vào thời điểm đó, chuyển đi quá xa, sinh kế không đảm bảo, tiền để mua đất theo giá nhà nước cũng không có nên hầu hết các gia đình thuộc diện này đều bám trụ. Căn hộ mà gia đình chị đang sống nằm ngay cái cầu thang rêu phong, được ngăn ra nhiều ô để cho 2 đứa con có "phòng riêng", bật điện cả ngày thì tốn tiền mà tắt điện thì tối mờ. Một bước chân từ cầu thang vào, cửa nhà vệ sinh, nơi giặt giũ nằm ngay cạnh bếp. Ngước mặt lên thì những mảng trần đã rụng lòi thép ra, gõ mạnh tí vào tường thì cát rơi xuống, đi mạnh cũng sợ "rung chấn". "Nhà tụi tôi ở thì cũng là thuê của nhà nước thôi, nhưng mà sống cả đời người rồi. Mưu sinh của người lớn, học hành của con trẻ cũng từ nơi đây. Giờ mà chuyển đi, thứ nhất là tiền đâu mà mua đất đai, mưu sinh bằng cái gì. Còn vào chung cư xây để bố trí tái định cư, tôi xem rồi. Không ổn đâu", chị Minh tâm sự.

Nhà xập xệ, chật chội, đi lại sinh hoạt khó khăn nên ông Ngô Ngọc Yến phải dựng một cái nhà vệ sinh lộ thiên ngay sau bức tường trước dãy khu tập thể kiệt 340 Phan Châu Trinh để tiện xoay xở. Ông và vợ là bà Trần Thị Hà đều là đối tượng chính sách, được bố trí ở tại đây từ sau ngày giải phóng. Tiếp chúng tôi, bà Hà cầm sẵn trên tay tờ đơn mà theo giải thích là đã gửi bao năm, bao nơi để mong có một nơi ở cho đúng nghĩa khi buộc phải di dời. "Nếu phải đi, chúng tôi mong thành phố có sự hỗ trợ chính đáng. Chứ đất bây giờ tăng chóng mặt chúng tôi không thể mua được nữa rồi, còn đưa vào chung cư mới xây ở đường Đống Đa, tôi nói thật với anh là không ở được", bà Hà lắc đầu rồi dẫn chúng tôi đi xem những dấu hiệu của một căn nhà cũ có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Căn hộ của gia đình bà Hà khoảng 60m2, tường đã bong tróc, vết nứt chạy khắp nơi. Cô con dâu vừa hài hước vừa chua chát bảo chúng tôi đừng đụng vào thứ gì, rơi xuống là phải đền. Dù là ban ngày nhưng phải bật bóng điện mới thấy người đứng trong khu bếp ẩm thấp. Bà Hà chỉ cho chúng tôi cái xà chạy qua trên chiếc giường ngủ duy nhất, mới nghe đánh "rắc" cách đây mấy hôm ngay phần tiếp giáp với bức tường cũ đã nứt toác. Mấy hôm nay bà không dám ngủ ở mảng tường ấy nữa, mà phải ra phía ngoài. Nhưng chỗ rộng nhất chừng chục mét vuông để sinh hoạt cho cả nhà cũng nứt chằng chéo khắp nơi.

Nhiều vết nứt chằng chịt, sắt trên trần nhà lòi ra.

Nhiều vết nứt chằng chịt, sắt trên trần nhà lòi ra.

Những vết nứt bên nhà bà Hà kéo dài, chạy liền một mạch qua nhà bà Phạm Thị Hương liền kề. Bà Hương nói: "Nhà chị Hà mà sập thì nhà tui cũng không còn. Giờ nhiều ít, xa gần chi đó cũng được, mong nhà nước hỗ trợ cho để mua miếng đất rồi trả nợ dần dần cũng được chứ ở đây thì không biết nhà sập khi mô, mà di dời thì cũng chẳng biết tới mô. Nghe nói sắp cưỡng chế nữa, không biết tính sao". Bà Hương cũng như một số hộ dân khác thuộc diện rất khó giải quyết, vì trước đây đã một lần được nhà nước hỗ trợ mua đất tái định cư, nhưng rồi vì chuyện này chuyện khác đã bán đi. Cứ như lời kể của bà thì do lãi suất vay mua đất hồi đó cao, lại đi viện thường xuyên vì thoát vị đĩa đệm, nên phải bán lô đất được nhà nước hỗ trợ mua tại P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu để lo gánh nặng kinh tế hàng ngày.

Tôi vẫn nghe nhiều về các khu nhà tập thể "quá đát" cần di dời khẩn cấp, nhưng chỉ khi chứng kiến tận mắt thì mới thực sự thấy "sởn gai ốc". Tổng cộng hiện tại toàn thành phố đang còn 23 khu tập thể nằm trong diện này, trong đó có 8 khu đã ở cấp độ D, tức là nguy hiểm tổng thể, khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực đã không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường. Vậy thì vì sao bao năm nay chính quyền vận động, thuyết phục người dân ra khỏi những căn nhà nguy hiểm này để đến một chung cư khác lại khó khăn đến vậy? Vì sao biết nguy hiểm nhưng họ vẫn bám trụ?

(còn nữa)

Kỳ tới: Vì sao người dân "ở thì nơm nớp, đi thì không xong"?

Phóng sự: Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_212934_song-thon-thot-trong-nhung-can-nha-cho-sap-ky-1-lanh-gay-lac-dau-voi-nha-o-chuot-.aspx