'Sống thử cùng Tây' học tiếng Anh miễn phí
Ra đời vào năm 2014 với hơn 50 tình nguyện viên quốc tế, tính đến nay Trung tâm Mercury đã mở được 10 khóa học ngoại ngữ miễn phí cho khoảng 10.000 học viên.
Không chỉ dạy tiếng Anh, trung tâm còn dạy tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn…, cũng đều do các tình nguyện viên đến từ các quốc gia đó đứng lớp và hoàn toàn miễn phí.
Người sáng lập Trung tâm Mercury hoạt động ở bốn tỉnh, thành miền Bắc là chàng trai 26 tuổi Phạm Minh Hòa, xuất phát từ ước ao của bản thân là con nhà nghèo, muốn giỏi tiếng Anh mà không có tiền đến trung tâm ngoại ngữ.
Học theo cách “sống thử cùng Tây”
. Phóng viên:Theo bạn, để cho ra đời và phát triển một trung tâm ngoại ngữ thì yêu cầu then chốt là gì?
+ Phạm Minh Hòa: Một trong những vấn đề tôi đặt ra ngay từ đầu đó chính là giáo viên nhưng phải là giáo viên dạy miễn phí và cần nhất là những giáo viên bản ngữ.
Tôi chia sẻ thông tin đến với các bạn trên mạng và nhận thấy có một nguồn lực rất quan trọng là các tình nguyện viên ở các nước. Họ sẵn sàng sang giảng dạy ở Việt Nam mà không nhận bất cứ một chi phí nào. Là bởi vì ở các nước, học sinh sau khi học xong phổ thông họ có thể dừng một thời gian để đi khắp nơi trên thế giới và hoạt động tình nguyện nhằm trải nghiệm, sau đó họ mới về học tiếp lên đại học hoặc lựa chọn con đường khác.
. Phía các bạn trẻ Việt Nam được học tiếng Anh thì hẳn rồi nhưng trung tâm có đáp ứng được những trải nghiệm mà phía các tình nguyện viên muốn được nhận?
+ Sứ mệnh số một của trung tâm vẫn là đào tạo tiếng Anh. Tuy nhiên, có một sứ mệnh khác mà trung tâm đang hướng tới đó chính là nơi trao đổi sinh viên, tình nguyện viên quốc tế và Việt Nam. Các tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam không chỉ để đào tạo miễn phí ngôn ngữ của nước họ cho các bạn Việt Nam mà còn là những đại sứ để nói với mọi người đất nước và con người chúng ta như thế nào. Chính vì hướng đến sứ mệnh đặc biệt ấy mà các trung tâm tiếng Anh miễn phí cũng hoạt động theo những mô hình không giống ai. Ở từng địa điểm sẽ có những mô hình khác nhau, như “sống thử cùng Tây”, “homestay”… Trung tâm khuyến khích sự trao đổi, giao lưu giữa các học viên và giáo viên.
. Có nghĩa là cách thức giảng dạy bắt buộc phải thay đổi?
+ Thực ra lớp học chỉ là một cách gọi quen thuộc thôi. Tôi quan niệm đó không phải là lớp học theo kiểu truyền thống, ở đó cũng có bàn ghế nhưng rất ít khi học viên ngồi để tiếp thu kiến thức. Chúng tôi khuyến khích sự trao đổi, một kiểu sinh hoạt cộng đồng. Trong môi trường đó các bạn sẽ tự nhiễm tiếng Anh với nhau.
Đau đáu địa điểm dạy học
. Cho đến nay, bạn nhận thấy khi đi vào hoạt động thì cái khó lớn nhất mà trung tâm gặp phải là gì?
+ Là địa điểm cho các lớp học. Tùy vào số lượng học viên ở từng nơi mà trung tâm buộc phải thu một khoản phí 100.000-200.000 đồng/người học để bù đắp vào chi phí thuê nhà.
Trung tâm phải bố trí học cả ba buổi để tận dụng triệt để thời gian, tránh lãng phí tiền thuê nhà. Hơn nữa, số tiền đóng góp đó cũng để các bạn có trách nhiệm hơn trong việc học. Dù vậy, có thời điểm như nghỉ tết hay hè các bạn nghỉ học nhưng tiền nhà vẫn mất, lúc đó các bạn quản lý ở trung tâm lại phải đau đầu để cố gắng cân đối tiền thuê nhà.
. Ngay như địa điểm để mở lớp cho trung tâm đã khó, vậy khi triển khai mô hình học tiếng Anh khác như “sống thử cùng Tây”, “homestay” như bạn nói thì các bạn có tìm đủ nhà ở cho các tình nguyện viên?
+ Phải thừa nhận là hiện nay trung tâm chưa đáp ứng được hết nhu cầu nhà ở cho các bạn tình nguyện viên khi đến Việt Nam. Chỉ có một số trường có điều kiện khi gửi sinh viên sang thì họ đặt luôn phòng khách sạn cho sinh viên của họ. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng thích như thế, phần đông họ cũng muốn trải nghiệm cuộc sống cộng đồng trong một gia đình Việt.
Tôi rất mong muốn ai đó có nhà riêng mà không dùng tới có thể cho trung tâm mượn lại làm nơi ở cho các bạn tình nguyện viên. Hoặc các trường đại học buổi tối thừa phòng có thể cho trung tâm mượn lại làm nơi học.
. Còn có những dự định gì bạn dành cho trung tâm trong thời gian sắp tới?
+ Tôi đang lên kế hoạch đưa được nhiều sinh viên Việt Nam đi trải nghiệm ở các quốc gia khác thông qua quá trình trao đổi sinh viên và tình nguyện viên quốc tế. Việc giới thiệu và đưa sinh viên của mình sang các nước khác là rất khó, một phần vì yêu cầu của họ không chỉ là trình độ tiếng Anh mà còn là kỹ năng giao tiếp, phần nữa là vì thủ tục rất phức tạp.
Các trung tâm có phí cũng bắt chước miễn phí
. Bạn dành thời gian cho các trung tâm như thế nào?
+ Tôi thường chỉ có mặt ở các trung tâm trong buổi đầu tiên, chủ yếu để nói cho các bạn về việc tại sao cần phải học tiếng Anh, về sứ mệnh… Hằng ngày tôi phải thức để làm việc với các trường, các tổ chức tình nguyện quốc tế qua Skype, qua chat vì lệch múi giờ.
. Lập ra các trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí, bạn có bị các trung tâm thu phí phản ứng không?
+ Có chứ nhưng là phản ứng theo hướng tích cực. Họ không làm khó dễ gì mình mà họ cũng mở ra các gói, các khóa học miễn phí.
. Xin cám ơn bạn.
JAMES, tình nguyện viên đến từ Anh:
Tôi muốn cho đi ngôn ngữ và nhiệt huyết
Tôi đến đây vì tôi thích con người Việt Nam, tôi muốn trải nghiệm đất nước của các bạn và tôi muốn cho đi cái gì đó mà tôi có. Cái tôi có đó chính là ngôn ngữ của tôi và lòng nhiệt huyết của người trẻ. Tôi thấy người trẻ ở Việt Nam cần phải giao tiếp tốt tiếng Anh để kết nối rộng hơn với thế giới, điều đó tôi hoàn toàn có thể giúp được. Giao thông ở đây có một chút điên rồ nhưng tôi thích điều đó, tôi cũng đã có một chiếc xe máy để đi lại. Tôi cũng là đại sứ, thỉnh thoảng tôi cũng bay về Anh để kết nối và giúp các tình nguyện viên khác hoàn thiện thủ tục cũng như nói cho họ về Việt Nam để họ sang đây.
Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/song-thu-cung-tay-hoc-tieng-anh-mien-phi-669334.html