Sống tối giản để tìm lại sự bình yên trong tâm trí
Nhiều người có thói quen tích trữ đồ đạc, họ thường giữ lại những món đồ đã lâu không dùng tới. Sống trong một căn nhà bừa bộn sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của gia chủ.
Leo Babauta đã dẫn dắt tôi tiến vào thế giới của sự đơn giản cùng tất cả những gì mà nó mang tới. Ông viết quá đẹp và quá chân thật về những nỗ lực thay đổi tư duy và thói quen của mình. Và mặc dù một số lời khuyên ông đưa ra là quá sức đối với tình trạng thần kinh của tôi lúc đó, chúng đòi hỏi tôi phải tự vấn vượt quá khả năng của tôi, nhưng ông cũng viết rất nhiều về lối sống tối giản và chủ động loại bỏ những đồ thừa thãi.
Càng đọc blog của Leo và của những người khác, tôi càng nhận ra rằng đơn giản hóa môi trường vật chất góp phần rất lớn vào việc tạo ra một cuộc sống đơn giản hơn. Giờ thì điều đó đã quá rõ ràng rồi, nhưng tại thời điểm của tôi khi đó, môi trường xung quanh đều tin rằng chúng ta cần nhiều hơn nữa, to hơn nữa, mới hơn nữa, bóng bẩy hơn nữa và thành công được thể hiện bằng chính những điều đó, việc cho rằng một cuộc đời ít đồ hơn có thể là một cuộc đời tự do hơn và thỏa mãn hơn lại có vẻ khá kỳ lạ.
Ben và tôi chắc chắn không phải là những kẻ ưa tích trữ và lượng đồ đạc của chúng tôi có thể nói là “bình thường” nhưng khi bắt đầu nhìn lại những thứ thuộc về mình ở một góc độ khác, tôi có thể cảm thấy tất cả đều quá cồng kềnh. Và quá nặng nề.
Cái gara kép của tôi trong sân sau được chia làm đôi - một nửa là khu chế tác trang sức và khu vực trữ đồ (giờ thì nó cơ bản bị bỏ trống và đầy những thứ chẳng đem lại gì ngoài cảm xúc tiêu cực) và nửa kia đầy những hộp nọ hộp kia.
Những chiếc hộp mà chúng tôi đã gói ghém dồn ứ từ ba năm trước khi chuyển đến nơi ở mới. Những chiếc hộp dường như đủ quan trọng để được chuyển đi cùng chúng tôi, nhưng không đủ quan trọng hay hữu ích để đưa vào nhà. Chúng tôi khó lòng biết được trong hộp có những đồ gì, nhưng chúng đã ở đó, chiếm một không gian nào đó trong cuộc đời chúng tôi.
Tôi cho rằng đây sẽ là điểm khởi đầu tốt cho hành trình lọc bỏ đồ đạc của chúng tôi, suy cho cùng, nếu chúng tôi không biết có gì trong những cái hộp ấy, thì chắc chắn rất dễ tống khứ tất cả chúng đi.
Một sáng thứ bảy nọ, tôi và Ben vào gara, quyết định bỏ đi những đồ thừa thãi. Mỗi người mở một cái hộp và bắt đầu xem xét những thứ bên trong, xếp những thứ muốn giữ thành một chồng, một chồng khác là những thứ sẽ bán trong đợt thanh lý dọn đồ sắp tới và chồng còn lại là để mang cho hoặc vất bỏ.
Chúng tôi nhặt một thứ lên, xếp nó vào chồng rồi chuyển sang thứ khác. Việc đơn giản cho đến khi chúng tôi đụng phải một thứ mà mình không chắc nên cho vào chồng nào, rồi chúng tôi đặt nó vào một chồng ngổn ngang gọi bừa là “tôi quên mất là chúng tôi từng có nó nhưng lúc này khi nhìn thấy thì lại cho rằng có thể sẽ giữ lại rồi lại băn khoăn không biết có thật sự cần nó hay không...”. Chẳng mấy ngạc nhiên khi phần lớn đồ đạc trong những chiếc hộp rơi vào chồng này.
Khi tiếp tục lọc đồ và xếp chúng vào những chồng đồ không biết giải quyết sao nhưng ngày càng bành trướng, chúng tôi nhận ra mình đã bị chôn vùi trong đống đồ. Những chồng đồ bắt đầu dính vào nhau. Chúng tôi nới chút không gian bằng cách lấy một đống giấy tờ ra để tái sử dụng, chỉ để dồn vào đó thêm đồ “nhỡ cần dùng” mà chúng tôi không thực sự cần nhưng cũng không nghĩ mình có thể bỏ đi. Bạn biết đấy, nhỡ đâu.
Sau vài tiếng đồng hồ lôi ra nhặt vào và ra những quyết định sai lệch, chúng tôi hoàn toàn lạc lối, không biết đâu mà lần. Các chồng đồ chất ngất vây quanh và chúng tôi không thể nhớ nổi cái nào với cái nào. Khoảnh khắc đó chúng tôi buông tay từ bỏ, đi ra ngoài, kéo cửa cuốn xuống, lòng ê chề thất bại.
Einstein đã nói “Điên rồ là làm cùng một việc và mong chờ kết quả khác nhau”. Tôi muốn nói với bạn rằng tôi đủ thông minh để không trở lại và làm cùng cái việc lọc đồ ấy nữa, nhưng thế thì tôi đang nói dối bạn đó.
Tôi đã lặp lại việc đó một cách vô ích vài lần nữa trong nhiều tuần tiếp theo, khi cố gắng lọc đồ trong cả căn bếp lẫn đống đồ chơi của bọn trẻ cùng lúc. Chắc chắn là tôi đã tiến bộ chút ít nhưng xét về tổng thể, nó vẫn là một đống thậm chí còn bừa bộn hơn nữa, và tôi cảm thấy bực bội, bất mãn hơn cả lúc bắt đầu.
Bạn có biết cách hay nhất để ăn một con voi không? Một câu hỏi thực sự khó chịu, thật sự, nhưng câu trả lời lại rất đơn giản: ăn từng miếng một. Tôi đang cố gắng nuốt trọn cả một con voi trong vài tuần rồi cứ băn khoăn sao mình lại mắc nghẹn.
Tôi là người chậm hiểu, phải mất một thời gian rất lâu tôi mới tiếp thu được những điều mới. Thực ra, năm 16 tuổi khi học lái xe, tôi đã cảm thấy không thể tự tin quay đầu xe. Tôi chưa bao giờ biết bánh sẽ phải xoay theo hướng nào để chiếc xe xoay theo hướng tôi muốn. Chuyển hướng và bắt mọi thứ đi ngược lại là việc khó khăn một cách ngớ ngẩn.
Bạn bè tôi thường đứng trước xe khi tôi cố xoay nó ra khỏi chỗ đỗ xe của trường, mẹ tôi ngồi ở ghế hành khách và họ đã xoay một cái vô lăng tưởng tượng trước người để chỉ cho tôi xoay vô lăng theo hướng nào. Tất nhiên, khi tôi 16 tuổi, họ nghĩ chuyện khuyến khích tôi xoay sai hướng là đáng buồn cười, làm họ vui vẻ còn tôi thì bối rối. Tôi vẫn xoay sai hướng lâu hơn là tôi dám thừa nhận.
Nguồn Znews: https://znews.vn/song-toi-gian-de-tim-lai-su-binh-yen-trong-tam-tri-post1473669.html