'Sống tốt đời, đẹp đạo' trong đồng bào công giáo Nga Sơn
Thực hiện lời huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: 'Người công giáo tốt cũng là người công dân tốt', đồng bào công giáo huyện Nga Sơn đã tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào thi đua 'Sống tốt đời, đẹp đạo' bằng những việc làm thiết thực trong lao động sản xuất và xây dựng quê hương.
Giáo dân Nguyễn Văn Đại, thôn 3, xã Nga Liên chăm sóc vườn đào gốc.
Nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nga Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh, Ban Đoàn kết Công giáo huyện Nga Sơn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể chính trị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con giáo dân thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia, hưởng ứng cuộc vận động, phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động, gắn với các phong trào thi đua ở địa phương, như phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn đổi ruộng đất, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.
Xã Nga Liên, nơi có khoảng 8.000 giáo dân sinh sống, chiếm 93,7% dân số toàn xã và sinh hoạt tín ngưỡng tại 3 giáo xứ Tam Tổng, Phúc Lạc và Vĩnh Thiện. Thực hiện chủ trương “dồn đổi ruộng đất” của huyện Nga Sơn, từ năm 2015 đến nay, bà con giáo dân trong xã đã chuyển đổi được hơn 22 ha cói xen canh sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh và sản xuất rau an toàn trong nhà lưới. Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp, nhiều hộ gia đình giáo dân ở Nga Liên đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Giáo dân Nguyễn Văn Đại ở thôn 3 - người tiên phong chuyển đổi diện tích cói kém hiệu quả đầu tiên trên địa bàn xã, chia sẻ: “Năm 2015, gia đình tôi đã chuyển đổi 2,5 sào đất trồng cói kém hiệu quả và hơn 3,5 sào đất vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả và đào gốc Sơn La. Sau một thời gian thử nghiệm, thấy cây đào cho hiệu quả kinh tế cao hơn, gia đình quyết định bỏ cây ăn quả để chuyên trồng đào. Hiện mỗi năm, gia đình trồng từ 500 đến 600 cây đào gốc Sơn La. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng đem về nguồn thu khoảng 200 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng cói”.
Tương tự Nga Liên, bà con ở 11 xã vùng giáo còn lại trong huyện cũng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế, như các mô hình nhà màng, nhà lưới, cánh đồng mẫu lớn, gia trại và trang trại tổng hợp. Hiện nay, ở các xã vùng giáo trong huyện, bà con giáo dân đã đầu tư xây dựng được 39 trang trại tổng hợp, 310 gia trại chăn nuôi; cải tạo hơn 300 ha cói hoang hóa để đầu tư thâm canh cây cói có sản lượng cao. Kết quả sản xuất hàng năm cho thấy, 100% diện tích cói cho thu hoạch ở cả 2 vụ, với sản lượng đạt 12.100 tấn/năm. Đồng thời, bà con giáo dân còn chuyển đổi 673 ha đất trồng lúa, cói kém hiệu quả để xây dựng trang trại, gia trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản với thu nhập từ 200 đến 250 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất của bà con giáo dân ngày càng được cải thiện. Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện Nga Sơn đạt 62,54 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,5%. Trong đó có hàng trăm hộ gia đình giáo dân vượt khó, thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đồng bào công giáo huyện Nga Sơn đã phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, đoàn kết cộng đồng giáo xứ, họ đạo. Đồng thời tích cực tham gia xây dựng làng văn hóa, xã văn hóa, gia đình văn hóa. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện có 27.309 lượt gia đình giáo dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa và 22.325 lượt gia đình đạt danh hiệu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” các cấp. Bà con giáo dân ở các khu dân cư luôn gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Theo đó, có 75% đám cưới và 85% đám tang ở các xã vùng giáo thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 9/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”.
Với tinh thần “từ thiện, bác ái, người công giáo sống đạo tình thương”, giáo dân huyện Nga Sơn đã không quên chia sẻ với đồng bào mình, luôn tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người nghèo và những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, đồng bào công giáo Nga Sơn đã cùng Nhân dân trong huyện tham gia ủng hộ vào quỹ “Vì người nghèo” được 3,7 tỷ đồng. Với số quỹ trên cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân ở từng khu dân cư, huyện Nga Sơn đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 100 căn nhà Đại đoàn kết cho đồng bào công giáo nghèo. Ngoài ra, đồng bào công giáo trong huyện còn tích cực ủng hộ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” hơn 528 triệu đồng; ủng hộ “Quỹ nạn nhân chất độc da cam” khoảng 166 triệu đồng; ủng hộ nạn nhân các vùng bị bão lụt thiên tai với số tiền 877 triệu đồng. Những phong trào và việc làm nghĩa tình của đồng bào công giáo huyện đã góp phần phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chu toàn lời dạy của Chúa “chia sẻ cảm thông với những người bất hạnh”.
Phát huy truyền thống tự lực, tự cường và tinh thần cần cù lao động, đồng bào công giáo huyện Nga Sơn đã và đang đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên làm giàu và đóng góp công sức xây dựng quê hương. Đó không chỉ tạo sức lan tỏa sâu rộng trong phong trào “Sống tốt đời đẹp đạo”, mà còn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.