Sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) bị 'rút ruột' vô tội vạ: Hệ lụy từ quyết định ủy quyền của tỉnh cho cấp huyện
Giữa năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định ủy quyền cho các huyện, TP tổ chức đấu giá, quản lý, cấp phép khai thác các điểm bồi tụ cát, sỏi lòng sông và quản lý cấp phép khai thác cát, sỏi bằng phương pháp thủ công. Đây chính là mấu chốt dẫn đến việc 'cát tặc' hoành hành, sông Trà Khúc bị 'rút ruột' quy mô hơn.
Nhiều năm qua, khu vực hạ lưu sông Trà Khúc (thuộc các xã Nghĩa Chánh, Nghĩa Dũng, Nghĩa Phú, Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) được xem là “điểm nóng” khai thác cát trái phép của tỉnh Quảng Ngãi. Thậm chí khi mực nước trên sông Trà Khúc khô cạn, “cát tặc” đưa nhiều xe đào, máy xúc và xe tải ra giữa sông để khai thác.
Sau gần 3 năm UBND tỉnh này ủy quyền quản lý cho UBND TP Quảng Ngãi quản lý, tình trạng khai thác cát trái phép càng rầm rộ hơn. Dư luận đang đặt nghi vấn, nếu không có sự bao che, tiếp tay từ chính cấp quản lý này, phải chăng TP xin giao quyền chỉ để… buông lỏng.
Coi thường luật pháp hay được “bảo kê”?
Dọc theo tuyến đường Trường Sa nối từ cầu Trà Khúc đến cầu Cửa Đại (thuộc xã Nghĩa Chánh, Nghĩa Dũng, Nghĩa Phú và Nghĩa Hà), không khó để bắt gặp những chiếc xe tải lớn mang BKS 76 và cả BKS 92 gắn logo Sinh Công, Tiên Phú… bon bon ra vào bãi “ăn” cát, chạy liên tục.
Có thể điểm qua lần lượt các vị trí: Doi cát sỏi thuộc khu vực Bến Tam Thương (Nghĩa Chánh); Bãi bồi cát sỏi nằm bờ Nam sông Trà Khúc thuộc thôn 6, xã Nghĩa Dũng; Doi cát, sỏi nằm giữa dòng sông Trà Khúc thuộc địa bàn thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà; khu vực Doi cát giữa sông Trà Khúc nằm gần cầu Cửa Đại thuộc địa bàn xã Nghĩa Phú. Theo tìm hiểu, tất cả đều hoạt động không phép.
“Trung bình 3 - 4 phút lại có 1 chiếc xe chở cát chạy qua. Người dân chúng tôi tận mắt ngày một, đã phản ánh nhiều rồi, nhưng vẫn đâu vào đó”, một người dân xã Nghĩa Phú thuật lại.
Việc khai thác cát trái phép diễn ra không theo một quy luật nào. Ngay từ sáng sớm các đối tượng đã cho ghe vào hút trộm hoặc có hôm tới tối mới tiến hành hút đến sáng… và mọi hoạt động ở đây dường như diễn ra công khai.
“Chính quyền địa phương không cần phải lập đoàn này, đoàn kia kiểm tra này nọ đâu, chỉ cần ra khu vực hạ lưu sông Trà Khúc sẽ thấy ngay trước mắt tình trạng này. Thật khó hiểu là tới bây giờ vẫn không thấy bị xử lý. Không biết những đơn vị khai thác trái phép coi thường quy định của tỉnh hay được bao che, tiếp tay?”, một người dân bức xúc.
Theo ghi nhận, những bãi khai thác cát thuộc xã Nghĩa Hà và Nghĩa Phú, Nghĩa Dũng, Nghĩa Chánh đều sử dụng máy múc, máy hút đặt công khai giữa dòng sông để lấy cát, sau đó cho lên ghe đưa vào bãi tập kết. Mỗi ngày từ các bãi khai thác cát trái phép này có hàng trăm chuyến xe tải ra vào. Một hộ kinh doanh gần đó kể: “Với các điểm khai thác cát, chỗ nào cạn, xe tải xuống tận nơi, còn không thì hút lên ghe rồi vận chuyển vào, sau đó xúc cát lên xe đi bán. Họ làm cả ngày lẫn đêm”.
Lợi dụng thời điểm mực nước trên sông Trà Khúc đang vào mùa khô cạn, các đối tượng đưa máy móc và xe ra giữa sông để khai thác cát, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và đất sản xuất của người dân địa phương, đặc biệt bà con hành nghề sông nước gặp nhiều khó khăn.
Như ở Nghĩa Phú đang có hàng trăm hộ dân mưu sinh nhờ sông nước với các nghề như nhủi ốc, don, hến, thả rập phải “chịu trận”. Cát bị hút cạn, nơi sinh sống của các sinh vật không còn. Hơn nữa, từ hoạt động bơm hút cát, lòng sông đầy những hố sâu, khiến người hành nghề dễ sa chân (nghề nhủi don đi giật lùi-NV).
Việc khai thác cát trái phép còn làm ảnh hưởng lớn đến dòng chảy của sông Trà Khúc, thất thoát tài nguyên khoáng sản. Người dân thôn Thanh Khiết từng có đơn gửi chính quyền yêu cầu giải quyết việc sông Trà Khúc (đoạn qua địa phận thôn Thanh Khiết) đang bị hủy hoại bởi hoạt động khai thác cát của một doanh nghiệp.
Điều gây lo lắng nữa là ở 2 vị trí khai thác trái phép ngay dưới chân cầu Cửa Đại (thuộc xã Nghĩa Phú), nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu mố cầu đang trong quá trình thi công.
Cấp huyện buông lỏng, cấp xã bất lực?
Theo tìm hiểu, trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực hạ lưu sông Trà Khúc diễn ra nhiều năm, liên tục, ngày 28/7/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra Quyết định số 527/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho các huyện, TP tổ chức đấu giá, quản lý, cấp phép khai thác các điểm bồi tụ cát, sỏi lòng sông và quản lý cấp phép khai thác cát, sỏi bằng phương pháp thủ công.
Từ quyết định này, UBND TP Quảng Ngãi có Công văn số 552/UBND ngày 25/1/2018 về việc đề xuất các khu vực có khoáng sản trên địa bàn TP sau mùa mưa lũ, để ủy quyền cho UBND TP quản lý cấp phép. Qua đó đã xét chọn và cấp giấy phép cho 3 tổ đội trên 3 vị trí.
Cụ thể, Giấy phép khai thác số 11/GP-UBND ngày 8/8/2018, được khai thác Doi cát, sỏi giữa dòng sông Trà Khúc thuộc khu vực Bến Tam Thương, do ông Trương Rồi làm đại diện; Giấy phép số 12/GP-UBND ngày 8/8/2028 khai thác tại vị trí Doi cát, sỏi giữa dòng sông Trà Khúc gần cầu Cửa Đại thuộc địa bàn xã Nghĩa Phú (đều có diện tích 0,97ha, trữ lượng 5.599m3, khai thác thủ công, thời hạn 6 tháng) do bà Phạm Thị Trình làm đại diện. Đến nay, các giấy phép đã hết hiệu lực hơn 1 năm, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.
Đối với bãi bồi thuộc thôn 6, xã Nghĩa Dũng đã tạm dừng việc đấu giá từ năm 2018, do đang thi công đường công vụ khai thác của một doanh nghiệp khác. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân cũng như ghi nhận hiện trường, vị trí này được ông Trương Rồi (người dân gọi Ba Rồi) vẫn ra vào khai thác. Xe múc đưa vào tận bãi, xe tải tới lui “ăn” cát liên tục.
Doi cát dưới chân cầu Cử Đại do bà Trình làm đại diện, chính quyền xã Nghĩa Phú xác nhận, hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn đang diễn ra và ảnh hưởng đến đời sống của người dân hành nghề sông nước cũng như gây nguy cơ sạt lở.
Gần đây, các đối tượng mua máy móc chuyên dụng đưa vào khai thác, đồng thời đứng ra thu mua cát của những người dân hút ngoài khơi chở bằng ghe về điểm tập kết. Hoạt động rầm rộ, công khai. Hàng ngày, xe ô tô ra vào chở cát đi cung cấp cho các công trình đang thi công và bán ra các vùng lân cận phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở trong dân.
UBND xã Nghĩa Phú đã nhiều lần thành lập đoàn công tác xuống hiện trường kiểm tra các điểm tập kết cát. Qua kiểm tra đã lập biên bản xử phạt, tịch thu phương tiện khai thác do vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, sau đó, các đối tượng lại tự ý tiếp tục san lấp, đấu nối đường và tiếp tục tổ chức khai thác cát. Ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết, chính quyền địa phương đã rất kiên quyết xử lý nhưng không thể kiểm soát nổi.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc trong các số báo sau.
Công an TP Cần Thơ ngày 29/3 đã kiểm tra, phát hiện bảy sà lan của Công ty TNHH Sao Mộc và Công ty TNHH Lan Anh (cùng ở quận Ninh Kiều) khai thác trái phép đất sét ở sông Hậu, đoạn qua quận Thốt Nốt.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng lập biên bản tang vật gồm 300m3 đất sét, thu giữ ba thùng hồ sơ, sổ sách giao nhận, mua bán; áp tải bảy sà lan vi phạm về nơi neo đậu chờ xử lý. “Khả năng đất sét được bán cho các nơi có nhu cầu làm bờ bao ao nuôi cá tra, sản xuất gạch, ngói...”, một cán bộ cảnh sát cho hay.
Người dân cù lao Tân Lộc bức xúc, mấy tháng qua có rất nhiều sà lan, xáng cạp đến múc đất sét dưới đáy sông Hậu. “Nhiều năm qua khu vực sông này cho khai thác cát thì cù lao bị sạt lở nghiêm trọng. Nay có thêm nạn tận thu đất sét khiến chúng tôi lo ngại vô cùng”, ông Nguyễn Thanh Tâm, 50 tuổi, nói.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, việc móc lớp đất sét dưới lòng sông là vô cùng nguy hiểm. Lớp đất này được hình thành qua quá trình địa chất, tích tụ trầm tích vài trăm đến cả nghìn năm, có chức năng ổn định dòng chảy theo tự nhiên.
“Một khi đã lấy tới đất sét thì nhiều khả năng khu vực đáy sông đó đã bị hút hết lớp cát bên trên rồi. Khi ấy sẽ tạo ra khoảng lõm lớn dưới lòng sông, dẫn đến việc thay đổi dòng chảy”, Tiến sĩ Tuấn nói và cho biết theo quy luật cân bằng, dòng sông sẽ đem đất cát từ nơi khác đến bù lấp những “hố sâu nhân tạo này”, khả năng sạt lở là khó tránh khỏi.
TP Cần Thơ hiện ghi nhận khoảng 200 điểm sạt lở. Các điểm nóng sạt lở chủ yếu trên sông Cần Thơ, Ô Môn, Bình Thủy, Trà Nóc, Thốt Nốt và các cồn trên sông Hậu (Cồn Sơn, Cồn Khương, Cồn Ấu, cù lao Tân Lộc...).