Sống trọn vẹn với chính mình

Hôm ông tôi mất, mẹ tôi vì quá xót thương ông mà quay sang cắn đắn anh chị em. Khi thấy bác Hai vừa xuống xe, hấp tấp chạy đến với ông, mẹ vừa khóc vừa kể: 'Bố trông bác Hai từng giờ mà đến lúc mất vẫn không gặp được bác'.

Tình thân. Ảnh: KHANH TRỊNH

Tình thân. Ảnh: KHANH TRỊNH

1. Đấy là mẹ giận nên trách vậy, chứ ai cũng biết bác Hai không có ở Việt Nam. Hồi bệnh ông trở nặng lại vướng ngay mùa dịch, các chuyến bay đều từ chối hành khách thông thường. Rồi sau dịch, ông khỏe khoắn lại bình thường. Bác Hai cũng gặp chút sự cố bên ấy nên không về thăm ông, định khi nào đó ổn thỏa mọi thứ sẽ về một chuyến thật dài để trò chuyện cùng ông, đưa ông đi ăn sáng, gặp gỡ những đồng đội ở các thành phố khác… như những lần trước bác về đều làm vậy. Ông vui lắm!

Bác Hai cũng nói nhất định sẽ về ở cùng ông những ngày cuối đời, nhưng không ngờ ông ra đi đột ngột sau bữa ăn sáng. Kể cả những người con ở cận kề sát bên còn không gặp được, huống hồ gì người ở cách xa nửa vòng trái đất…

Tôi nói mẹ thôi đừng cắn đắn bác, bác đã đau đớn với nỗi mất mát quá lớn này rồi. Bác cũng là người con hiếu thảo, làm hài lòng ông bà, chứ đâu gây tội tình gì để phải nghe lời cắn đắn không đáng…

Đâu có ai biết trước được những người thân của mình sẽ rời bỏ thế giới này vào ngày nào, giờ nào? Nếu biết, sẽ chẳng tồn tại nỗi ân hận giày vò người ở lại chẳng khác gì một sự trừng phạt… Khi mà những người con lớn lên đa phần đều rời xa đấng sinh thành của mình, có gia đình riêng, đi tìm sự nghiệp, công danh.

Cuộc tiễn đưa lần cuối, cùng nắm lấy tay cha mẹ mình, níu kéo chút hơi ấm từ làn hơi mỏng dần… không phải ai cũng có phước phần làm việc đó. Mẹ trách, bác Hai có đau lòng hơn không, tôi không chắc. Nhưng tôi tin rằng, khi mình đã sống hết lòng, điều gì làm được cũng đã làm, thì dẫu có chuyện gì xảy ra cũng dễ dàng đón nhận.

2. Tôi cũng có một người thân vừa mới qua đời khiến tôi ray rứt dù không phải họ hàng, ruột thịt, chỉ là thầy dạy đàn. Trưởng thành, tôi mới hiểu có những mối quan hệ dù không phải ruột thịt nhưng chân thành với nhau, yêu thương và mong mọi điều tốt lành cho nhau thì có khác gì ruột thịt? Ở xa nhà, tôi nhận được nhiều tình yêu thương từ những mối quan hệ như vậy.

Cho nên khi nghe tin thầy tôi qua đời, tôi đau lòng không khác gì người thân của mình. Thầy là người dạy tôi những nốt đàn đầu tiên. Phải nhiều năm học đàn tôi mới hiểu rằng, tiếng đàn nói hộ lòng người. Đằng sau những nốt đàn trầm buồn da diết của thầy là những câu chuyện nghe cứ thấy mênh mang những phận đời như từ một bộ phim buồn nào đó. Khi ấy, tôi nghĩ rằng sự lắng nghe của mình cũng là một cách chia sẻ, để ít nhất thầy không thấy cô quạnh trong những lúc ốm đau.

Nhưng cuộc sống có quá nhiều lịch trình mỗi ngày để thực hiện. Khi đó, ta ưu tiên cho những thứ nghĩ là cần thiết nhất: yêu đương, công việc, mối quan hệ liên quan công việc…, chỉ còn chút ít thời gian trong ngày để bản thân nghỉ ngơi, làm điều mình thích. Khi ấy, dù trưởng thành nhưng thỉnh thoảng ta vẫn bị hút vào những thứ không lành mạnh như lướt web vô định, ngồi cà phê tám chuyện dông dài, cuốn vào những chuyện không đâu ra đâu…

Ngày trôi cái vèo, chẳng còn đâu thời gian cho những người thân đang chờ đợi mình. Rất nhiều lần tôi dự định ghé thăm thầy nhưng cũng bằng đó lần ưu tiên cho những công việc khác. Cứ vậy, tôi quên luôn việc ghé thăm thầy cho đến khi nhận được tấm ảnh cáo phó từ một đồng nghiệp. Cuộc sống tưởng dài mà quá đỗi ngắn ngủi.

Tôi cảm ơn thầy, vì nhờ thầy, tôi quay trở lại với chính mình. Biết được đâu mới là điều cần ưu tiên để dành thời gian. Đó là những người thân yêu bên cạnh mình. Dành thời gian để trò chuyện cùng họ. Buông điện thoại xuống để nói cho trọn vẹn một câu chuyện, một đề tài nào đó mà không bị tín hiệu từ ánh sáng xanh nhấp nháy chen vào. Cùng đi ăn với họ bữa sáng, uống với họ tách trà chiều…

3. Nếu bận rộn quá cho những dịp gặp gỡ, cũng không sao. Một cuộc điện thoại ân cần hỏi thăm cũng là cách để giữ kết nối. Sự kết nối ấy sẽ là sợi dây gắn kết thân tình với nhau giữa dòng đời nhiều chộn rộn. Sự kết nối còn là điểm tựa vững chãi cho tâm hồn, để sau tất cả, sự bình an sẽ tìm về bên mình. Bởi vì tình yêu thương, sự gắn kết sẽ chữa lành mọi tổn thương và lấp đầy mọi khoảng trống trong tâm hồn.

Cuộc đời vô thường. Sống chết cũng là lẽ đương nhiên. Vậy nên chỉ cần sống trọn vẹn với bản thân, với những người chung quanh, khi ấy ta đón nhận mọi lẽ vô thường một cách nhẹ nhàng. Tôi tin bác Hai cũng đã có được sự trọn vẹn ấy, để những nhớ thương không mang màu bi lụy, nuối tiếc mà sẽ là những hoài niệm thật tươi đẹp, ấm áp mỗi khi nghĩ về ông.

ÁNH HƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/song-tron-ven-voi-chinh-minh-post700441.html