'Sóng và máy tính cho em', cho sự học tiếp nối…
Do ảnh hưởng của COVID-19, hoạt động dạy và học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả. Từ thực tế này, chương trình 'Sóng và máy tính cho em' đã ra đời.
Để triển khai chương trình, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thống nhất xây dựng phương án hỗ trợ các trường, giáo viên (GV), học sinh (HS), sinh viên (SV) học trực tuyến. Trong đó sẽ hỗ trợ máy tính, thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc hỗ trợ máy tính cho HS có hoàn cảnh khó khăn sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là 3 tháng cuối năm 2021, ưu tiên hỗ trợ máy tính cho HSSV thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg; giai đoạn 2, tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% HSSV thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể học trực tuyến khi cần.
Tại tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm học 2021 - 2022 đã thực hiện dạy học trực tuyến tại TP. Đông Hà do phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Mới đây, bắt đầu từ ngày 13/9/2021, các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã Hải Chánh, Hải Sơn và Hải Phong thuộc huyện Hải Lăng đang thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/ CT-TTg tổ chức dạy học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nảy sinh khi tổ chức dạy trực tuyến tại những địa phương là thiếu thiết bị học và sóng internet thiếu, yếu. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học. Trường Tiểu học và THCS Hải Hòa là một trong những trường nằm ở vùng trũng của xã Hải Phong, Hải Lăng. Cuộc sống của người dân nơi đây còn khó khăn, nhiều gia đình đông con, thuộc diện hộ nghèo nên càng bí bách vì thiếu các thiết bị phục vụ cho việc học trực tuyến của con em.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hải Hòa Trương Văn Mẫu cho biết: “Toàn trường hiện có 532 HS. Qua đợt khảo sát mới đây cho thấy, riêng GV thì đã chủ động được thiết bị để dạy trực tuyến. Chỉ có khoảng 60 - 65% số HS cơ bản đảm bảo đủ thiết bị để học trực tuyến. Số còn lại đang thiếu các thiết bị để học, chủ yếu rơi vào các hộ nghèo, gia đình có đông con đang đi học”. Gia đình anh Nguyễn Văn Thân, thôn Hội Điền, xã Hải Phong có 2 con (một em học lớp 7 và một em học lớp 2) đang học ở Trường Tiểu học và THCS Hải Hòa. Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo nên không có thiết bị máy tính, điện thoại thông minh để cho các con học trực tuyến. Anh Thân tâm sự: “Do không có máy tính, điện thoại thông minh nên gia đình mượn của người chú cho hai cháu học. Gia đình cũng không có internet, các cháu phải xin nhờ sóng mạng Wifi của hàng xóm để học nên khá bất tiện. Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, thu nhập bấp bênh nên dù rất muốn nhưng cũng không thể mua thiết bị phục vụ các con học trực tuyến”.
Cô giáo Ngô Thị Khuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, TP. Đông Hà cho biết, nhà trường triển khai dạy trực tuyến ngay từ đầu năm học cho đến nay và tình hình học trực tuyến đang dần ổn định. Toàn trường có 834 HS tham gia học trực tuyến, trong đó có khoảng 30 em thiếu thiết bị học nên chưa tham gia học đầy đủ. “Quá trình tổ chức dạy học vẫn còn một số khó khăn nên nhà trường chủ động điều chỉnh khung giờ học phù hợp đối với từng khối HS. Ngoài ra, để tạo hứng thú và động viên HS học trực tuyến, thầy cô giáo cũng đã tạo các trò chơi, đánh giá học sinh, khen thưởng, tặng hoa trên phần mềm học trực tuyến; tổ chức cho các em giao lưu, chia sẻ quá trình học tập, góc học tập, môn học yêu thích, người truyền cảm hứng học tập… Hiện nay, đường truyền internet còn yếu, mong các ngành chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ xử lý”, cô Khuyên cho biết.
Không chỉ các địa phương đã tổ chức dạy học trực tuyến, mà nhiều địa phương khác trong tỉnh dù chưa tổ chức dạy trực tuyến nhưng qua khảo sát cũng ghi nhận tình trạng thiếu thiết bị học trực tuyến còn cao. Theo đó, toàn tỉnh Quảng Trị hiện chỉ có khoảng 68,74% HS có thiết bị để học trực tuyến (gồm máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh). Riêng ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông có tỉ lệ HS có thiết bị học trực tuyến rất thấp với tỉ lệ lần lượt chỉ đạt 33,25% và 14,55%. Gia đình anh Hồ Văn Phể ở thôn Ván Ri, xã Húc, huyện Hướng Hóa là hộ nghèo của xã, có 4 con đang đi học. Anh Phể cho biết, cuộc sống của gia đình dựa chủ yếu vào 3 ha sắn. Tuy cần cù, chịu khó nhưng thời gian qua giá sắn không ổn định, mưa lũ thường xuyên xảy ra nên thu nhập mang lại từ cây sắn chỉ đủ ăn. “Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, các con của tôi đã được hỗ trợ chế độ ăn, học phí đầy đủ, không phải bỏ học giữa chừng. Nhưng hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, không đủ tiền để sắm thiết bị cho các con học trực tuyến được. Nhà cũng không có mạng internet nên nếu giờ các con học trực tuyến thì không biết lấy đâu ra thiết bị và sóng để học”, anh Phể tâm sự.
Ngay trong đêm diễn ra lễ phát động trực tuyến toàn quốc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang chia sẻ, chương trình “Sóng và máy tính cho em” thật sự có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Đó chính là việc “tiếp sức” sự học, là duy trì việc tiếp cận kiến thức cho HS trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, để tương lai của các em không bị ảnh hưởng. Theo đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu tỉnh hưởng ứng chương trình và sớm tổ chức phát động chương trình này trên địa bàn tỉnh để huy động mọi nguồn lực nâng cấp đường truyền, chất lượng sóng, tặng thiết bị học trực tuyến kịp thời hỗ trợ cho HSSV nghèo, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng hẻo lánh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… với mục tiêu giúp các em duy trì việc học một cách tốt nhất. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đã giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT, Văn phòng UBND tỉnh thống nhất kế hoạch, phương án tổ chức chương trình “Sóng và máy tính cho em” trong thời gian sớm nhất. Được biết, trước mắt tỉnh sẽ nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ khoảng 1.000 máy tính bảng cho HS nghèo trên địa bàn được học trực tuyến.
Theo Sở GD&ĐT, nếu tình hình COVID-19 còn diễn biến phức tạp và buộc phải thực hiện dạy học trực tuyến trên diện rộng thì sẽ rất khó khăn vì không đủ thiết bị, phương tiện phục vụ học trực tuyến. Hiện nay, Sở GD&ĐT đã gửi dự thảo kế hoạch và thư ngõ chương trình “Sóng và máy tính cho em” đến các đơn vị phối hợp để thống nhất ý kiến trước khi trình UBND tỉnh thông qua, để chương trình sớm được tổ chức phát động trong những ngày tới.