Sóng vàng đã lặng, nhưng vẫn còn những 'cơn sóng ngầm' khác nổi lên

Dù giá vàng thế giới thiết lập mức tăng cao nhất mọi thời đại, nhưng giá vàng trong nước vẫn bình lặng. Điều này nhờ vào chiến lược bán vàng bình ổn giá của Ngân hàng Nhà nước, nhưng...

Trong 8 tháng năm 2024, thị trường vàng chia thành hai thái cực là sóng lớn và lặng sóng.

Xoay xở với giá vàng

Phiên giao dịch ngày hôm qua (21-8), giá vàng thế giới đã đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại 2.530 USD/ounce, tương đương 76,75 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng SJC ở chiều bán ra đạt mức 81 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng SJC là 4,25 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng trong nước gần như không biến động nhiều trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của vàng thế giới.

Trước đây, mỗi đợt tăng của giá vàng thế giới đều khiến thị trường vàng trong nước dậy sóng.

Cụ thể vào đầu tháng 4, chỉ trong một thời gian ngắn, giá vàng SJC liên tục phá vỡ các mức cao kỷ lục. Đỉnh điểm vào ngày 12-4, giá vàng SJC lần đầu tiên chạm mức 85 triệu đồng/lượng, trong khi đó giá vàng thế giới chỉ mới leo lên 2.385 USD/ounce, tương đương 73,1 triệu đồng/lượng.

Trước tình hình này, đặc biệt với độ chênh hơn 10 triệu đồng/lượng đã kích hoạt việc buôn lậu vàng, qua đó gây sức ép lên tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định tổ chức đấu thầu vàng với mục tiêu tăng nguồn cung.

Chiến lược này có thể giảm thiểu việc tích trữ đầu cơ và giảm sự biến động do sự khan hiếm vàng vật chất trên thị trường địa phương. Nhưng trái ngược với kỳ vọng này, các phiên đấu thầu vàng của NHNN lại đẩy giá vàng SJC trên thị trường ngày càng cao.

 Ngân hàng nhà nước thay đổi chiến lược bán vàng trực tiếp cho người dân, không thông qua các trung gian đã kéo ngay giá vàng trong nước xuống. Ảnh: PM

Ngân hàng nhà nước thay đổi chiến lược bán vàng trực tiếp cho người dân, không thông qua các trung gian đã kéo ngay giá vàng trong nước xuống. Ảnh: PM

Đấu thầu không hiệu quả

Ngày 10-5, giá vàng SJC đã vượt lên trên 92 triệu đồng/lượng, trong khi đó giá vàng thế giới chạm mốc 2.356 USD/ounce, tương đương 73 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch lúc này lên đến 19 triệu đồng/lượng.

Theo giới phân tích, giá vàng SJC tăng mạnh cho thấy, việc đấu thầu vàng không hiệu quả. Có thể thấy rõ sự lúng túng của NHNN khi liên tiếp niêm yết giá tham chiếu vàng SJC quá cao đã thúc đẩy giá vàng SJC trên thị trường tăng lên một mức không tưởng.

Ngoài ra, hành vi đầu cơ của một số nhà đầu tư lớn, có thể gây ra tác động tiêu cực đến giá vàng. Những nhà đầu tư này tham gia đấu thầu để mua số lượng lớn vàng và giữ lại, tạo ra sự khan hiếm giả tạo trên thị trường, từ đó đẩy giá lên cao.

Dù NHNN có ý định tốt là tăng cung để giảm giá, nhưng hành vi đầu cơ này lại làm tăng giá, làm mất đi hiệu quả của các phiên đấu thầu.

NHNN cũng nhận ra điều này nên quyết định chấm dứt đấu thầu vàng. Lúc đó, NHNN đánh giá thị trường vàng trong nước hiện nay tương đối ổn định, nguồn cung vàng dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Việc ngừng đấu thầu vàng nhằm điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng theo hướng linh hoạt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế.

Vào đầu tháng 6, NHNN thay đổi chiến lược bằng cách bán vàng trực tiếp cho người dân theo giá chỉ định thông qua các ngân hàng thương mại được cấp phép bán vàng SJC.

Chiến lược bán vàng trực tiếp cho người dân, không thông qua các trung gian đã kéo ngay giá vàng trong nước xuống. Tiếp theo, các cơ quan chức năng thực hiện đồng thời giải pháp hành chính gồm thanh kiểm tra, định danh vàng, chống đầu cơ đã chấm dứt hiện tượng giá vàng SJC đẩy lên cao bất thường.

Cụ thể, giá vàng từ vùng giá 90 triệu đồng/lượng rớt thẳng xuống vùng giá 80 triệu đồng/lượng. Sau đó, từ giữa tháng 6 cho đến giữa tháng 7, giá vàng SJC liên tục niêm yết mức giá 76,98 triệu đồng/lượng, bất chấp có những thời điểm giá vàng thế giới tăng vọt.

Sóng vàng đã giảm bớt nhưng...

Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá, bình ổn giá vàng của NHNN đã đạt mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới.

Chính sách bán vàng qua các ngân hàng thương mại đã giúp giảm nhu cầu tích trữ vàng của người dân, từ đó giảm tình trạng vàng hóa trên thị trường, góp phần ổn định thị trường vàng trong ngắn hạn.

Cơ chế bán vàng hiện nay đã giúp giảm bớt "cơn sốt" vàng trong nước, khi người dân không còn ồ ạt mua vàng như trước đây. Điều này giúp ổn định thị trường và ngăn chặn tình trạng "vàng hóa".

Bằng việc giữ giá vàng miếng SJC ổn định, NHNN đã giúp ổn định tâm lý của người tiêu dùng và nhà đầu tư trong nước, tránh được tình trạng đổ xô mua vàng dẫn đến các cơn sốt vàng không kiểm soát. Điều này, góp phần làm giảm áp lực lên thị trường vàng và tránh các hệ lụy tiêu cực về kinh tế.

Thời gian gần đây, NHNN cũng liên tục điều chỉnh biên độ tăng giảm giá vàng SJC theo giá vàng thế giới, nhưng giá vàng gần như không biến động quá lớn. Thị trường vàng rõ ràng đã lặng sóng.

Tuy nhiên, bình ổn giá vàng theo cách bán vàng trực tiếp cho người dân lại tạo ra cơn sóng khác. Đó là người dân liên tục xếp hàng ở các điểm bán vàng bình ổn để mua bằng được giá vàng SJC rẻ hơn so với trước.

Như vậy, đã xuất hiện tình trạng khó mua vàng, người dân chỉ có thể mua được số lượng rất ít, trong khi nhu cầu vẫn tăng mạnh, càng tạo áp lực cho các điểm bán vàng bình ổn.

Chưa kể, khi giao dịch chính thức bị hạn chế, thị trường chợ đen đã phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, cũng gây khó khăn cho việc quản lý thị trường vàng của Nhà nước.

Mặc dù bình ổn giá vàng giúp hạn chế tình trạng sốt vàng, giảm áp lực lên lạm phát, ổn định thị trường, hạn chế các hoạt động đầu cơ, tạo ra thị trường vàng lành mạnh hơn, nhưng cũng đã xuất hiện sự khó khăn trong việc mua vàng SJC khi NHNN triển khai bán vàng online.

Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, NHNN đang đi đúng hướng trong việc bình ổn giá vàng, nhưng vẫn cần các giải pháp mang tính dài hạn và chiến lược hơn.

NHNN cần xem xét bỏ độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng bằng cách sửa đổi Nghị định 24/2012, cho phép nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vàng.

Điều này, không gây mất nguồn lực ngoại tệ quá lớn. Vì theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng của Việt Nam chỉ vào khoảng 50 tấn/năm, tương đương 3 tỉ USD. Hiện giá trị nhiều mặt hàng nhập khẩu như mỹ phẩm, bia rượu và thuốc lá nhập khẩu đã nhiều hơn con số này.

Theo giới phân tích, việc bình ổn giá vàng chỉ là giải pháp tạm thời, không giải quyết được căn bản vấn đề cung cầu trên thị trường vàng. Việc bình ổn giá vàng đòi hỏi nhiều nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Do đó, trong thời gian tới, NHNN cần kết hợp nhiều giải pháp để bình ổn thị trường vàng, không chỉ dựa vào việc mua bán vàng của Nhà nước.

Hiện tượng "bóp chỗ này, lồi chỗ kia"

Mặc dù, NHNN đã thực hiện các biện pháp nhằm ổn định giá vàng, việc kiểm soát quá chặt chẽ làm mất cân bằng cung cầu, có thể dẫn đến những bất ổn trong dài hạn, như xuất hiện thị trường chợ đen và việc mua bán vàng không đúng quy định.

Thị trường vàng miếng SJC trở nên kém sôi động, với tình trạng ế ẩm và mất thanh khoản. Giao dịch vàng giảm mạnh, khiến thị trường không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Nếu duy trì các biện pháp quản lý hành chính quá lâu, có thể dẫn đến các vấn đề tiêu cực như hình thành thị trường chợ đen, xuất hiện vàng giả, vàng nhái, và lừa đảo trong mua bán vàng. Điều này có thể làm mất niềm tin của người dân vào thị trường vàng chính thức.

Chính sách hiện tại vẫn giữ nguyên độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, có thể dẫn đến sự chênh lệch giá không hợp lý và không đảm bảo tính cạnh tranh công bằng trên thị trường. Việc NHNN vẫn độc quyền nhập khẩu vàng cũng hạn chế nguồn cung, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và tăng giá không đáng có.

Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam

Khi vàng miếng SJC trở nên khó mua do hạn chế số lượng bán ra, người tiêu dùng đã chuyển hướng sang mua vàng nhẫn. Việc giá vàng nhẫn tăng vượt giá vàng miếng SJC do nhu cầu chuyển hướng của người tiêu dùng cho thấy sự bất cân đối trong quản lý thị trường vàng.

Chính sách bình ổn giá vàng miếng đã tạo ra hiện tượng "bóp chỗ này, lồi chỗ kia", khiến giá vàng nhẫn tăng mạnh và có khả năng tiếp tục tăng, gây bất ổn cho thị trường.

Sự can thiệp mạnh mẽ của NHNN trong việc quản lý giá vàng miếng SJC, có thể dẫn đến sự bóp méo thị trường vàng. Khi giá vàng miếng bị kìm giữ ở mức thấp so với giá vàng nhẫn, điều này có thể khuyến khích các hành vi đầu cơ hoặc chuyển dịch dòng tiền không mong muốn, gây ra sự bất ổn dài hạn cho thị trường.

Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/song-vang-da-lang-nhung-van-con-nhung-con-song-ngam-khac-noi-len-post806259.html