Sống với sông: Hòa hợp với sông trong thời đại hiện nay (Bài cuối)

Long An có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt. Xưa, những bậc tiền hiền, hậu hiền khai hoang mở cõi, dấu tích của họ còn lưu lại nơi đình, chùa, miếu ven sông. Sông kết nối giao thương, chở nặng phù sa bồi đắp ruộng đồng, tưới tiêu cho những mùa vàng bội thu và chở nặng những phận người gắn bó theo từng con nước. Theo dòng chảy của cuộc sống, nhiều người từ giã kiếp thương hồ lên bờ tìm kế sinh nhai. Nay, trên những dòng sông vắng dần cảnh tấp nập ngược xuôi, trên bến dưới thuyền nhưng ven sông lại nhộn nhịp với những bờ kè lung linh ánh điện, những dự án du lịch sinh thái nhen nhóm. Sự phát triển đó là tất yếu nhưng cần hài hòa trong sự hiểu sông, hiểu nước.

Bài cuối: Hòa hợp với sông trong thời đại hiện nay

Ngày nay, theo đà phát triển, nhiều nghề sống nhờ sông dần mai một, thậm chí lụi tàn vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, nếu biết khai thác thì sông vẫn đem lại giá trị to lớn nhưng cần tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu nước, hiểu sông thì sự phát triển ấy mới bền vững.

Khách du lịch dọc sông Vàm Cỏ Tây

Khách du lịch dọc sông Vàm Cỏ Tây

Cần thay đổi cách làm kinh tế từ sông

Ngày nay, vận tải đường bộ với ưu thế nhanh, thuận tiện đã thay thế vị trí của vận tải đường sông. Trên sông Vàm Cỏ Đông tập trung nhiều bến cảng xếp dỡ hàng hóa. Tuy nhiên, vận tải đường thủy nội địa trong tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn do giá nguyên, vật liệu tăng và không đủ nguồn cung,…

Một số hộ kinh doanh vận tải nhỏ cũng gặp khó khăn tương tự. Trước đây, cả 4 người trong gia đình anh Huỳnh Văn Lên (huyện Bến Lức) đều có ghe chở thuê, mặt hàng chủ yếu là cây tràm vùng Thạnh Hóa. Mấy năm qua, tràm xuống giá, nhiều nông dân phá tràm chuyển sang trồng cây khác nên gia đình anh mất nhiều mối. Một người phải bán ghe lên bờ, mua xe, chuyển sang vận tải bộ.

Hiện tại, các ghe còn hoạt động là do có mối trước đó, ít khách hàng mới, tuy vẫn kiếm sống được nhưng không còn sung túc như trước. Gia đình anh Nguyễn Văn Phong trước đây chuyên nghề đăng trên sông Vàm Cỏ Đông. Lúc đó, chỉ một vàm đăng mà cha anh nuôi sống cả nhà, đủ lo cho các con ăn học, thậm chí có dư. Lúc đó, mỗi cơn mưa đầu mùa đi soi ếch có khi kiếm được vài chục kilôgam. Nay, những cảnh ấy hiếm dần.

Từ thực trạng trên, có thể thấy rằng, việc thay đổi cách làm kinh tế từ sông là vấn đề tất yếu cần được quan tâm, đầu tư. Trong đó, chuyện phát triển du lịch đường sông thuộc “ngành công nghiệp không khói” là tiềm năng của tỉnh.

Thực tế, Long An đi sau một số tỉnh miền Tây trong việc phát triển du lịch sông nhưng đó cũng là một lợi thế khi tỉnh sẽ kế thừa, đúc rút kinh nghiệm từ tỉnh bạn. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Xúc tiến du lịch tỉnh - Lê Thị Hồng Thủy, tỉnh có tiềm năng để phát triển du lịch sông nhưng lại chưa có nhiều dịch vụ để du khách trải nghiệm. Việc đầu tư phát triển du lịch của tỉnh cần hiểu được bản sắc, yêu cầu thực tế và vị thế của Long An; cần khai thác được điểm đặc trưng, riêng có của Long An so với các tỉnh khác.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út đã ký Quyết định số 7453/QĐ-UBND, ngày 24-7-2024 về việc phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đưa vào Kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2025. Trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu hiện trạng và hướng phát triển các điểm, tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2030. Mong rằng, với quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan chức năng, du lịch đường sông sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng.

Làm sao để thương một dòng sông?

Ta không thể bảo một người yêu thương sông khi họ không có kỷ niệm gì với sông hoặc việc làm của họ chẳng “động chạm” gì đến sông hoặc chưa biết sông đã trực tiếp (hoặc gián tiếp) dung dưỡng họ thế nào,... Do đó, công tác tuyên truyền để người dân hiểu truyền thống văn hóa địa phương (gắn với sông) là điều cần thiết.

Ngày nay, một bộ phận không nhỏ người dân đã đối xử thô bạo với sông. Một dòng sông ô nhiễm, cá tôm ít dần đa phần là do con người. Trong đó, hoạt động xả thải trong công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, khai thác thủy sản quá mức, tận diệt là những nguyên nhân có thể kể đến. Xử lý doanh nghiệp xả thải làm ô nhiễm nước chỉ là giải pháp tạm thời bởi cái gốc là ý thức của chủ doanh nghiệp.

Việc canh tác không cho đất nghỉ khiến nông dân hiện nay không thể ngưng việc dùng phân bón, thuốc hóa học trong sản xuất. Bao nhiêu chất độc hại, tồn dư đổ hết ra sông. Dòng sông không thể tự “chữa lành” nếu chất độc vượt ngưỡng. Cho nên, trong ứng xử với sông, con người cần “biết đủ”.

Người dân du lịch dọc sông Vàm Cỏ Tây

Người dân du lịch dọc sông Vàm Cỏ Tây

Trong chúng ta, ai cũng ít nhiều hưởng lợi từ những dòng sông. Các nền văn minh lớn trên thế giới đều dọc các con sông, nơi dân cư tập trung đông nhất cũng ở ven sông. Ông cha ta đi lên từ sông rồi dựng nhà, lập ấp, tạo nên cơ ngơi ngày nay. Dòng sông cho con người biết bao huê lợi. Vì thế, trong ứng xử với sông cần thể hiện thái độ biết ơn.

Khi được hỏi về tình yêu với sông, ông Nguyễn Văn Cọp nói: “Nhờ sông mà tôi có ngày hôm nay, nghèo giàu là tại thời, tại số chứ đâu phải tại sông. Sông cho mình nhiều thứ quá, chẳng lẽ vì mần ăn không được mà phụ bạc hay sao!”.

Khi viết loạt bài này, chúng tôi đã theo ghe ra giữa sông, đã ngược xuôi đôi dòng Vàm Cỏ để đổi góc nhìn, để cảm nhận nhiều chiều và quý yêu hơn mảnh đất này. Ông cha ta đã gian lao mở cõi, tạo tiền đề cho thế hệ hôm nay. Thiết nghĩ, chúng ta cần có trách nhiệm với sông, phát triển kinh tế sông cần đồng bộ nhiều giải pháp. Hơn hết, mỗi người cần có thái độ biết ơn, hòa hợp với sông trong sự hiểu biết, bởi sông đã cho ta quá nhiều điều./.

Châu Thanh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/song-voi-song-hoa-hop-voi-song-trong-thoi-dai-hien-nay-bai-cuoi--a183172.html