'Sống xanh' bảo vệ môi trường

ĐBP - Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày… gây ra đã và đang trở nên nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp sự phát triển của toàn xã hội. Nhận thức sự nguy hại đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thế, thiết thực thông qua các mô hình mới, cách làm hiệu quả, sáng tạo; từ đó có sức lan tỏa ra cộng đồng, góp phần chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Sạch đường làng, đẹp ngõ xóm

Xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) được công nhận cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019. Từ đó đến nay, cùng với việc thực hiện hiện đồng bộ các tiêu chí khác trong 19 bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt, để giữ vững tiêu chí về môi trường, cứ vào thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần, các tổ chức hội, đoàn thể của bản lại tổ chức cho người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường trên các tuyến đường liên thôn, liên bản. Ông Vàng A Vư, Trưởng ban công tác mặt trận bản Pú Nen chia sẻ: Lao động vệ sinh môi trường là việc chung, hơn 35 hộ ở bản chẳng ai tị nạnh hay ỷ lại cho nhau, bởi họ nhận thức được bảo vệ môi trường không chỉ giúp bộ mặt nông thôn của bản văn minh, sạch đẹp hơn mà còn giúp bảo vệ chính cuộc sống của họ trước những tác động xấu từ môi trường, như thiên tai, hạn hán, lũ lụt…

Không chỉ thường xuyên phát động, tổ chức cho bà còn dọn dẹp vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, khuôn viên các cơ quan, đơn vị, hàng quý, UBND xã Búng Lao còn giao cho các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch trồng cây xanh, các loại hoa dọc các tuyến đường để vừa tạo cảnh quan môi trường; đồng thời cũng giúp không khí thoáng mát, trong lành hơn. Đến nay, một số đoạn quốc lộ chạy qua địa bàn và ven trục đường đến trung tâm xã đều sặc sỡ màu hoa. Ông Lường Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Búng Lao cho biết: Thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bao năm qua, nhân dân trên địa bàn xã luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực cùng nhau xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, như các phong trào thi đua yêu nước khác, phong trào chung tay bảo vệ môi trường khi được xã phát động cũng được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình với tinh thần và trách nhiệm cao.

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, tại TP. Điện Biên Phủ, thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân cũng dần được nâng cao, tình trạng xả thải rác bừa bãi ra môi trường và không đúng nơi quy định đã được cải thiện đáng kể. Đến nay, các khu dân cư, tổ dân phố cũng đã xây dựng được các địa điểm bỏ rác tập trung; một số tổ dân phố còn vận động người dân dân ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường với các nội dung như: Thực hiện nghiêm các quy định về thu gom rác thải, không thả rông vật nuôi, không gây tiếng ồn, không làm hư hỏng cây xanh... Cùng với đó, vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần tổ chức cho người dân trong tổ dân phố ra quân tổng vệ sinh, quét dọn, làm cỏ, khơi thông cống rãnh... Nhờ cách làm đó, đã góp phần tích cực thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Nhiều mô hình thiết thực

Chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua, nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực đã được các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai, nhất là các hoạt động liên quan đến chống rác thải nhựa. Điển hình như mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải tái chế do thanh niên Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh khởi xướng; mô hình “Tổ dân phố bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu” do Mặt trận Tổ quốc phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) triển khai; hoạt động “Hành trình thứ 2 của lốp xe” do Huyện đoàn Điện Biên phối hợp với Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh thực hiện; mô hình trồng ổi dùng túi nilon tự phân hủy của nông dân xã Thanh Yên (huyện Điện Biên)…

Anh Đỗ Xuân Điềm, Trợ lý Ban Vận động quần chúng, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ: Được triển khai từ năm 2019, hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị trong lực lượng sẽ thu gom rác thải có thể tái chế như nhựa, kim loại, giấy vụn... thả vào “Ngôi nhà xanh”. Mỗi tuần, chi đoàn các đơn vị sẽ dùng số lượng rác thu gom được để tái chế hoặc bán làm kinh phí hoạt động cho chi đoàn. Việc triển khai mô hình không chỉ góp phần giữ sạch môi trường quanh đơn vị mà còn hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ rác thải nhựa. Với hiệu ứng tích cực của mô hình, đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là các trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai, nhân rộng mô hình này để thu gom rác thải hướng tới bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Với vai trò xung kích, tình nguyện, những năm qua, tuổi trẻ trong tỉnh đã cùng các cấp, ngành, có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần không nhỏ chung tay bảo vệ môi trường. Anh Đặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Cụ thể như hoạt động hưởng ứng Giờ trái đất, Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới, thu gom rác thải, nạo vét kênh mương, trồng cây bảo vệ môi trường; hưởng ứng “Ngày chủ nhật xanh”… Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh đoàn, từ đầu năm đến nay, 100% các huyện, thị, thành đoàn trực thuộc đã tổ chức, triển khai cho đoàn viên thanh niên thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; nạo vét đất, đá sạt lở ven đường; tu sửa, phát quang, quét dọn đường giao thông nông thôn. Riêng từ năm 2020 đến nay, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã hưởng ứng và tham gia trồng trên 100 nghìn cây xanh. Bên cạnh đó, hàng năm, các huyện, thị, thành đoàn cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên và người dân thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/187494/%E2%80%9Csong-xanh%E2%80%9D-bao-ve-moi-truong