Sốt đất ảo-hệ lụy khó lường

Thời gian qua, đầu nậu từ các tỉnh, thành lân cận kết hợp với một số đầu nậu địa phương thổi giá đất, tạo nên cơn sốt ảo chưa từng có ở tỉnh. Tình trạng đẩy giá đất, tạo cơn sốt ảo diễn ra tại nhiều địa phương được cho rằng nguyên nhân chính đến từ đội ngũ cò mồi, môi giới. Chính điều này làm ảnh hưởng, nhiễu loạn thị trường.

Dãy nhà cất kiên cố trái phép trên đất nông nghiệp tại ấp Phước Đức A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu.

Dãy nhà cất kiên cố trái phép trên đất nông nghiệp tại ấp Phước Đức A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu.

Anh Duy, người dân ở xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành cho biết, giá đất ở khu vực xã Trường Đông hiện nay tăng gấp 5,7 lần so với vài năm trước. Tình trạng này xảy ra khi có nhiều người tìm đến xem đất, đội ngũ “cò đất” đông đảo cũng thường xuyên thổi giá khiến thị trường bất động sản trở nên “sốt”.

Sẵn có chút tiền nhàn rỗi, lại thêm lời cam kết chắc nịch của “cò” là mua đất đầu tư sinh lời nhanh, anh Duy mua 2 thửa đất. Tới khi cần bán, liên hệ “cò” trước đây môi giới nhờ bán giúp, “cò” nhận lời ngay tức khắc và hứa chỉ trong 1 tuần sẽ bán xong, nhưng đến nay đã hơn 1 năm, anh Duy vẫn chưa bán được mảnh đất.

Tương tự, một người dân ngụ huyện Dương Minh Châu chia sẻ, mua đất phát sinh lãi là điều chắc chắn nhưng không phải muốn bán là bán được. Gần đây, qua facebook, anh tìm hiểu đất trong khu vực sinh sống.

Qua “cò” giới thiệu, anh bàn với vợ mua một thửa đất với hy vọng kiếm tiền lời. Đầu năm nay, anh liên hệ với “cò” nhờ bán, “cò” nhận lời nhưng sau đó chẳng thấy gọi lại; cũng có người hỏi mua đất với giá thấp nên anh do dự không muốn bán.

Việc mua đi bán lại không đem lại kết quả cuối cùng, hoạt động mua đi bán lại diễn ra lúc chờ tăng giá như vậy sẽ không phản ánh được nhu cầu thực chất của thị trường và rồi sẽ bị dừng lại, như những gì đã diễn ra trước đây.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 quy định tại khu vực nông thôn, trường hợp được miễn giấy phép gồm: công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt... Việc miễn cấp phép xây dựng và miễn thông báo với cơ quan Nhà nước quản lý xây dựng tại địa phương đã gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng ở nông thôn.

Không phải địa phương nào cũng làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Tại ấp Phước Đức A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, một khu vực đất nông nghiệp bị chia thành nhiều nền, và có khoảng 6, 7 căn nhà xây cất kiên cố trên đất.

Một người dân cho biết, đây là đất nông nghiệp, chị mua cách nay khoảng 5 năm để cất nhà ở. Nhìn những căn nhà cất trái phép trên đất nông nghiệp thời gian qua, dư luận đặt vấn đề: có những hộ dân vừa đổ vật liệu xây dựng, đào móng cất nhà là địa phương đã đến kiểm tra giấy phép xây dựng.

Do mua phải đất nông nghiệp bị “xẻ thịt”, nhiều hộ dân không thể xây dựng nhà ở như mong muốn.

Do mua phải đất nông nghiệp bị “xẻ thịt”, nhiều hộ dân không thể xây dựng nhà ở như mong muốn.

Còn những căn nhà cất trên đất nông nghiệp với quy mô kiên cố như vậy lại được hình thành. Có hay không chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”, hay có khuất tất đằng sau những căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp?

Trao đổi với ông Trương Văn Tám- Chủ tịch UBND xã Phước Đông, được biết khu đất nông nghiệp bị “xẻ thịt” từ lâu. Các căn nhà trên đều xây trên đất nông nghiệp và đã bị xử phạt hành chính. Còn việc không cưỡng chế khôi phục hiện trạng là do “lịch sử để lại” nên ông không nắm rõ. Vừa qua, huyện và xã có tổ chức đoàn đi kiểm tra những khu đất và nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp để có hướng xử lý.

Có thể nói, cơn sốt đất luôn có sự “đạo diễn” từ các đầu nậu, cò đất, lợi dụng “kẽ hở” pháp luật để dàn dựng. Tình trạng “thổi” giá đất sẽ cản trở việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào địa phương. Bởi lẽ, giá đất tăng cao kéo theo hàng loạt chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Chi phí đầu tư, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng sẽ gây khó khăn cho địa phương, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội.

Theo tìm hiểu, mỗi thửa đất- nếu “cò đất” bán trót lọt thì được hưởng hoa hồng 2% trên tổng giá trị mảnh đất. Chính vì lợi nhuận không nhỏ nên nhiều người đổ xô đi làm “cò đất”. Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này đến bạn đọc.

T.P

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/sot-dat-ao-he-luy-kho-luong-a143992.html