'Sốt' đất xì hơi, nhà đầu tư mắc kẹt

Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, ở thời điểm hiện tại, 'sốt' đất đã hạ nhiệt, giá đất tại nhiều nơi đang giảm nhanh.

Mắc kẹt trong “sốt” đất

Trong quý I/2021, thị trường bất động sản Việt Nam đã xuất hiện hàng loạt các đợt “sốt” đất có tính cục bộ. Trong đó, có nhiều đợt “sốt” đã được cơ quan quản lý Nhà nước xác định là “sốt ảo”, như tại Hạ Long, Bình Phước hoặc Đà Nẵng.

"Sốt" đất hạ nhiệt, giá đất tại nhiều địa phương giảm nhanh.

Theo ghi nhận của PV Báo Nhà báo và Công luận, tại nhiều địa phương, các cơn “sốt” đất đi qua đã để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Trong đó, có một lượng không nhỏ nhà đầu tư mắc kẹt và không thể thu hồi lại vốn.

Đơn cử, vào cuối năm 2020, ông Hoàng L., một nhà đầu tư đã rót 4,3 tỷ đồng vào 2 lô đất tại huyện Hoành Bồ cũ (nay là phường Hoành Bồ, thuộc thành phố Hạ Long).

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, 2 lô đất tại đây đã tăng giá chóng mặt, từ 4,3 tỷ đồng đã lên 4,9 tỷ đồng. Thậm chí, có thời điểm, 2 lô đất của ông L. có người trả trên 5 tỷ đồng, lời gần 1 tỷ đồng chỉ trong 2 - 3 tháng đầu tư.

Vào thời điểm đất “sốt” giá, ông L. lại quyết định bỏ thêm 1,7 tỷ đồng khác, mua thêm 1 lô đất nữa để đầu tư.

Tuy nhiên, mọi suy tính của ông L. đã không thành công, khi giá đất tại Hoành Bồ nhanh chóng hạ nhiệt, kể từ đầu tháng 4/2021. Theo đó, 2 lô đất cũ trước đây có người trả 5 tỷ đồng, thì nay đã giảm còn 4,5 tỷ đồng. Lô đất 1,7 đồng mua trong đợt giá đất đang tăng “nóng” thì nay giảm còn 1,43 tỷ đồng. Như vậy, cộng dồn cả 3 lô đất nêu trên, ông L. lỗ vài chục triệu đồng.

Không chỉ tại Hoành Bồ, tại Thạch Thất (Hà Nội), Thủy Nguyên (Hải Phòng), Đà Nẵng,... giá đất cũng đang giảm nhanh. So với giai đoạn “sốt” nóng, thì hiện nay đã giảm 10% - 15%, tùy nơi.

“Sốt” đất đã hạ nhiệt

Bước sang quý II/2021, hầu hết các cơn “sốt” đất đều hạ nhiệt, ngay cả những đợt “sốt” nhất trong thời gian qua, như tại Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng hay các huyện vùng ven TP.HCM cũng bắt đầu đi xuống.

Theo giới chuyên gia, sở dĩ “sốt” đất nhanh chóng hạ nhiệt, là do nhiều Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách mới, nhằm thắt chặt các hoạt động tín dụng cho vay đầu tư bất động sản, hoạt động phân lô bán nền trái quy định.

Trong đó, mạnh tay nhất là việc Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định tổng thanh tra công tác quản lý đất đai tại 26 địa phương trên cả nước, trong đó có cả những điểm nóng về “sốt” đất như Lâm Đồng, Nha Trang hay Hà Nội.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng khẳng định, thời điểm hiện tại, “sốt” đất đang có dấu hiệu “xì hơi”.

Theo ông Phấn, việc để xuất hiện các đợt “sốt” đất trong thời gian qua, chính là bài học về công tác quản lý thị trường bất động sản. Do công tác này được triển khai chưa thấu đáo nên xuất hiện tình trạng môi giới lợi dụng, gây nóng thị trường.

“Chúng tôi tiếp thu bài học này để trong cơ chế chính sách cũng như tổ chức thực hiện phải có sự kiểm tra, giám sát tốt hơn”, ông Phấn cho hay.

Cũng theo ông Phấn, về việc tổng thanh tra quản lý đất đai tại 26 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội, sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Tại TP.HCM sẽ kiểm tra các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước 01/7/2014.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý đất đai cũng sẽ kiểm tra việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại một số dự án phát triển nhà.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sot-dat-xi-hoi-nha-dau-tu-mac-ket-post130794.html