Sốt vé ngắm nhật thực toàn phần qua cửa sổ máy bay
Nhiều 'superfan' của nhật thực toàn phần đang đặt vé trên các chuyến bay thương mại có thể nằm trên đường đi của 'cơn sốt tháng tư' ở Mỹ.
Hàng triệu người đang lên kế hoạch đi du lịch để đón nhật thực toàn phần sắp tới, sẽ quét qua một vùng từ Texas đến Maine (Mỹ) vào ngày 8/4. Những người đưa cột mốc này vào danh sách "bucket-list" đã dành hẳn một số tiền lớn để đặt khách sạn hay những không gian đỗ “căn nhà di động RV” để có nơi hoàn hảo để tận hưởng “khoảnh khắc bóng tối vô giá”.
Tuy nhiên, còn một cách khác: “Check-in nhật thực ngay trên bầu trời”.
Khó cưỡng
“Tôi rất muốn có thể nói với thế giới rằng tôi đã trải qua thời khắc nhật thực toàn phần trên máy bay. Khi không còn trên cõi đời này, tôi muốn điều đó trong cáo phó của mình”, Michelle Newcomb, một giáo viên đã nghỉ hưu ở Nashville (bang Tennessee, Mỹ) chia sẻ.
Bà Newcomb nằm trong số những người săn lùng nhật thực dự định lên các chuyến bay thương mại đến Pittsburgh, Indianapolis, Dallas - hoặc bất cứ nơi nào, chỉ để ngắm cảnh tượng Mặt Trăng che khuất Mặt Trời trong vài phút - từ ghế ngồi trên một chiếc máy bay.
Bà Newcomb đã theo dõi nhật thực toàn phần năm 2017 ở quê nhà tại Tennessee. Gia đình và bạn bè của bà tụ tập để cùng theo dõi. Bà có một chiếc áo thun in dòng chữ “I Got Mooned in Nashville”.
Người phụ nữ 54 tuổi kể lại: “Thú vị, tuyệt vời và có phần huyền bí".
Nhưng bà muốn đưa trải nghiệm này lên một tầm cao hơn.
Vì vậy, khi hãng hàng không Southwest năm ngoái thông báo một chuyến bay từ Nashville đến Dallas có thể đi qua quỹ đạo nhật thực toàn phần, bà đã nhảy dựng lên.
“Tôi giống như bùng nổ ‘boom, hãy đưa tôi đến đó”, bà nói.
Các nhà thiên văn học và những người đam mê nhật thực từ lâu từ lâu đã không giấu giếm sự thèm khát một góc nhìn không bị cản trở từ ghế máy bay. Năm 1973, nguyên mẫu của máy bay phản lực siêu thanh Concorde, vốn chưa bắt đầu đưa vào sử dụng thương mại, đã được trang bị các cửa sổ để các nhà khoa học có thể thu thập dữ liệu khi họ đi theo bóng của Mặt Trăng trên khắp châu Phi.
Một số người cuồng nhật thực thậm chí thuê các chuyến bay để theo đuổi nhật thực, chi hàng nghìn đôla để có hàng ghế và cửa sổ riêng.
"Cháy vé"
Ngày nay, nhiều người tìm cách kết hợp hợp "săn" nhật thực trên các chuyến bay thương mại. Đó là một chuyến “đi săn” hơn cả công phu, vì sau tất cả, khi Mặt Trăng che khuất hoàn toàn Mặt Trời, đó là một mục tiêu di chuyển và sẽ chỉ kéo dài ba hoặc bốn phút. Thông thường đã chẳng ai dễ chịu gì với việc chuyến bay bị “delay” hay đổi chuyến, đối với những người săn đuổi nhật thực, điều đó còn “ác mộng” hơn nữa.
Do Trinh, một nhà tư vấn rủi ro IT ở Amsterdam (Hà Lan), cũng là một trong những người đang hòa mình vào thế giới của những thợ săn nhật thực trên máy bay thương mại. Quyết định được người đàn ông 47 tuổi này đưa ra sau khi bị “đốn tim” bởi một bức ảnh đẹp chụp từ trên không về lần nhật thực trước đó.
Sau khi xem xét lịch trình của các hãng hàng không, Trinh chọn chuyến bay cũng hãng Delta từ San Antonio đến Detroit và vào đầu tháng 1 anh đã “xuống tay” 500 USD mua vé. Trinh cân nhắc mọi thứ, thậm chí cả việc kiểm tra góc của Mặt Trời để giúp chọn được chỗ ngồi tối ưu.
Tuy nhiên, hãng hàng không sau đó đã báo cho Trinh một tin không khác gì “sét đánh ngang tai”: Chuyến bay Delta 572 bị lùi lại khoảng ba giờ.
“Như vậy có nghĩa là chuyến bay hoàn toàn ở ngoài ‘điểm ngọt’ rồi”, Trinh nhớ lại. “Tôi sẽ không thể ở trên chuyến bay vào thời điểm diễn ra nhật thực”.
Anh cố gắng xoay xở đặt lại ghế 2A trên chuyến bay từ Austin đến Detroit, với một chiếc ghế dự phòng ở hãng. Southwest.
Tuần này, Trinh cảm thấy nhẹ nhõm khi Delta thông báo rằng chuyến bay từ Austin tới Detroit - chuyến bay cuối cùng anh cũng đặt được vé - đang được vận hành đặc biệt dành cho những “tín đồ mê nhật thực” muốn dành nhiều thời gian nhất có thể trong quỹ đạo của nhật thực.
Hãng hàng không này sẽ thực hiện chuyến bay trên chiếc Airbus A220, có cửa sổ lớn (kể cả trong nhà vệ sinh). Chuyến bay nhanh chóng “cháy vé”.
Anh Trinh sẽ bắt đầu hành trình từ Amsterdam. Tổng cộng, người đàn ông này sẽ bay khoảng 30 giờ để có được khoảnh khắc vài phút với nhật thực trên máy bay, trong trường hợp mọi tính toán của anh thành công.
Sau khi máy bay hạ cánh ở Detroit, anh dự định sẽ quay về thẳng nhà. (Tôi không định làm gì ở Detroit, anh nói).
Các nhà hoạch định mạng lưới của Southwest đã chuẩn bị chiến dịch từ năm ngoái, lập mô hình kế hoạch bay dựa trên các dự đoán về “umbra” và “penumbra” - bóng do nhật thực của Mặt Trăng tạo ra - và đã chào mời các chuyến bay vào giữa ngày 8/4 từ Dallas đến Pittsburgh, Austin đến Indianapolis và St. Louis đến Houston là lựa chọn tốt nhất. Vào năm 2017, lần nhật thực toàn phần gần đây nhất ở Mỹ, các phi công của Southwest đã làm việc với cơ quan kiểm soát không lưu để bay những đường uốn cong và hình số tám nhằm mang lại cho hành khách tầm nhìn tốt nhất.
Rất nên thử ít nhất một lần trong đời
Joe Rao, một chuyên gia khí tượng nghỉ hưu ở New York, đã thuyết phục các hãng hàng không thương mại hợp tác với giới săn nhật thực. Năm 1990, ông thuyết phục American Trans Air trì hoãn chuyến bay từ Honolulu đến San Francisco để đón đợi nhật thực toàn phần.
Tại Hawaii, cơ trưởng chuyến bay đã nhờ ông Rao - người vốn cũng tham gia giảng dạy tại Cung thiên văn Hayden ở New York - giải thích cho hành khách tại sao họ lại cất cánh trễ 41 phút. Lúc đầu, có những tiếng than vãn. Nhưng sau đó, mọi người đều cảm ơn Rao.
Ông Rao một lần nữa lập kỳ tích này vào năm 2016. Sau khi “làm phiền” Alaska Airlines trong nhiều tháng, bao gồm cả việc thuyết trình cho hãng một kế hoạch bay do một nhà thiên văn học (và mê nhật thực) tại Đại học Arizona thiết kế, Rao đã thuyết phục được hãng hàng không này lùi lịch khởi hành của chuyến bay từ Anchorage đến Honolulu khoảng 25 phút.
Chuyến bay trở thành cuộc hội ngộ của một nhóm người bị ám ảnh, những người tình cờ gặp nhau vài năm một lần khi có nhật thực.
Trước nhật thực toàn phần, ca khúc “Total Eclipse of the Heart” của nghệ sĩ Bonnie Tyler phát ra từ loa của máy bay.
“Chỉ có thể nói là tuyệt vời”, Rao hồ hởi.
Mike Kentrianakis, 59 tuổi, một nhà thiên văn nghiệp dư và chuyên gia theo đuổi nhật thực, cũng có mặt trên chuyến bay đó. Anh có quay một video ghi lại khoảnh khắc quý giá với những lời thảng thốt, kinh ngạc: “Hào quang! Nhật thực toàn phần! Nhật thực toàn phần! Ôi Chúa ơi!”.
Kentrianakis đã 14 lần chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần, trong đó có hai lần từ trên không.
Có những sức hút thần bì khó diễn tả: Sự vụt qua của quầng sáng - ánh sáng trắng lóe lên ở rìa khí quyển bên ngoài Mặt Trời - chỉ nhìn thấy được khi Mặt Trời bị Mặt Trăng che lấp. Và để có được khoảnh khắc đó cần một kế hoạch công phu. Chuyến bay phải chặn đường đi trong thời gian đỉnh điểm của nhật thực. Ngoài ra, Mặt Trời sẽ lên cao trên bầu trời trong lần nhật thực sắp tới - có nghĩa là người xem có thể phải rướn cổ đáng kể hoặc không thể nhìn thấy gì.
Tuy nhiên, bầu trời có màu xanh đậm hơn và hình ảnh có thể rõ hơn trên mặt đất. Hành khách có thể sẽ trải nghiệm bóng tối kỳ lạ chìm trong bóng tối của Mặt Trăng và màu sắc tươi sáng của bình minh. Ở độ cao hơn 10 km, có rất ít nguy cơ có mây.
Ông Kentrianakis nói: “Nếu chưa từng nhìn thấy nhật thực từ máy bay, bạn nên thử ít nhất một lần”.
Nhiếp ảnh gia Jon Carmichael, 37 tuổi, đã chụp được bức ảnh ngoạn mục về nhật thực năm 2017 với sự hỗ trợ của một hãng hàng không. Sau khi giải thích rằng anh đã bay khắp đất nước để theo đuổi bức ảnh hoàn hảo, vị nhiếp ảnh gia đã chọn được chỗ ngồi trên chuyến bay của hãng Southwest từ Portland (bang Oregon) đến St. Louis. Để giúp anh có được góc quay đẹp nhất, các phi công đã phối hợp với kiểm soát không lưu thực hiện hàng loạt cú ngoặt gấp.
Sau khi nhận cuộc gọi từ buồng lái, một tiếp viên nói với Carmichael: “Jon, cơ trưởng muốn biết lượt đó thế nào?”. Vị nhiếp ảnh gia hỏi liệu họ có thể thêm một cú ngoặt sắc nét hơn một chút không, và các phi công đã đồng ý.
Trong khi đó, sau nhiều năm tâm huyết thuyết phục các hãng bay điều chỉnh giờ khởi hành để đón đợi nhật thực toàn phần, năm nay ông Rao dự định theo dõi nhật thực trên mặt đất lần đầu tiên sau gần 20 năm.
“Tôi đang mong đợi đến tháng 4 và nếu không có gì bất thường tôi sẽ có có cơ hội đứng đó ngắm nhìn và tận hưởng”, ông chia sẻ.
Về phần mình, Do Trinh đã tính tới nhật thực toàn phần lần tiếp theo vào năm 2026 với tầm nhìn tốt nhất trên bầu trởi Iceland.
Anh cho biết hiện vẫn chưa có thông tin rõ ràng, nếu Icelandair có chuyến bay để theo dõi nhật thực, tôi sẽ liên hệ họ.
Nguồn Znews: https://znews.vn/sot-ve-ngam-nhat-thuc-toan-phan-qua-cua-so-may-bay-post1461461.html