Sốt xuất huyết đang vào cao điểm
Thời điểm hiện tại, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) đang có dấu hiệu gia tăng. Điều này khiến người dân không khỏi lo ngại khi năm học mới đang cận kề, học sinh các cấp tựu trường và tỷ lệ học sinh học bán trú đông trở lại.
Số ca mắc tăng nhanh
Thông tin từ Bộ Y tế cho hay, chỉ trong vòng 1 tuần vừa qua, cả nước ghi nhận hơn 3.000 trường hợp mắc SXH. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 52.957 trường hợp, giảm so với cùng kỳ.
Theo đại diện CDC Hà Nội, tuần qua trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 274 ca SXH; tăng 86 trường hợp so với tuần trước đó; thêm 15 ổ dịch SXH tại 8 quận, huyện.
Các ca mắc tập trung nhiều tại một số quận, huyện như: Đan Phượng, Hà Đông, Quốc Oai, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng... Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã ghi nhận 2.050 ca mắc SXH, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Đại diện CDC Hà Nội nhận định, hiện thời tiết đang trong giai đoạn nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh SXH. Dự báo, số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch SXH tại TP Hà Nội vẫn ghi nhận chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng nguy cơ.
Tại Hải Phòng, một trong những “điểm nóng” SXH, trong tuần trước đó đã ghi nhận trường hợp mắc SXH tử vong tại nhà riêng ở quận Lê Chân, với chẩn đoán sốc Dengue - viêm phổi nặng, bội nhiễm kèm theo, suy đa tạng.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng, thành phố ghi nhận 10.277 ca mắc SXH từ đầu năm 2024 đến nay ở cả 14/15 quận huyện. Trong 10.277 ca mắc SXH tại Hải Phòng, quận Lê Chân ghi nhận số ca mắc cao nhất là 4.812 ca, quận Hải An 1.632 ca, quận Ngô Quyền 1.580 ca. Các địa phương còn lại (trừ huyện đảo Bạch Long Vĩ) dưới 500 ca mắc.
Tại Quảng Bình, đến ngày 21/8 toàn tỉnh có 906 ca mắc SXH. Số ca ghi nhận mắc SXH tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trường hợp tử vong đầu tiên do bệnh này là bệnh nhi V.A.H. (sinh năm 2023) ở Quảng Trạch.
Tại Bình Phước, ngày 22/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Phước cho biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 1.148 ca mắc SXH, trong đó có 1 ca tử vong.
Trung tâm CDC tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, đầu năm đến nay địa phương ghi nhận gần 900 ca bệnh SXH. Theo đó, tình hình bệnh diễn biến phức tạp khi tất cả các huyện, thị xã và thành phố của tỉnh đã xuất hiện ca bệnh và số ca mắc đã tăng hơn gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong nửa tháng 8/2024, toàn tỉnh có hơn 80 ca bệnh SXH Dengue.
Trong đó, TP Huế là địa bàn “nóng” của tỉnh khi số lượng bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Y tế TP Huế tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2023. Trung bình mỗi tuần, Khoa Nội nhi - Truyền nhiễm,Trung tâm Y tế TP Huế tiếp nhận 10 - 15 trường hợp có kết quả xét nghiệm SXH dương tính.
Vẫn còn tâm lý chủ quan, tự điều trị
Mặc dù SXH nguy hiểm đến tính mạng, nhưng không ít người vẫn chủ quan, tự điều trị bệnh tại nhà. Một nam bệnh nhân (ở Bắc Giang) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, đầu tháng 8 bị sốt cao, nhưng chỉ nghĩ mình bị thương hàn nên mua thuốc về uống và có đỡ nhẹ.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, người mệt nhừ, sốt cao liên tục nên mới nhập viện điều trị và được chẩn đoán mắc SXH.
BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thông tin thêm, SXH chia thành các giai đoạn (các pha) khác nhau: Pha 1 là khi bệnh nhân sốt cao, đau đầu, khó chịu kéo dài khoảng 3 ngày. Pha này khiến bệnh nhân rất khó chịu do sốt cao, đau đầu, nôn, nhưng ít gây biến chứng nặng, chỉ hạ sốt, uống oresol. Pha 2, từ cuối ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 7. Bệnh nhân có 2 tình trạng, ở nhóm bệnh nhân diễn biến tốt (94% số người) sẽ dần khỏi. 6% bệnh nhân còn lại, nguy cơ diễn biến nặng, máu trong lòng mạch cô đặc. Nếu nặng có thể dẫn đến tụt huyết áp, sốc, vì thoát dịch khỏi thành mạch.
Ở pha đầu, trong 3 ngày đầu, xét nghiệm chỉ số dương tính là quan trọng, nhưng nếu ngày thứ 4 mới xét nghiệm, có thể âm tính. Vì thế, ở một số bệnh nhân dù có SXH trên lâm sàng, nhưng xét nghiệm có thể âm tính, vẫn phải nghĩ là SXH. Xét nghiệm ngày sau lại có thể dương tính. Khi tiếp nhận một kết quả xét nghiệm, phải hiểu rõ được tiến hành pha nào của bệnh để biết được giá trị của xét nghiệm.
BS Cấp khuyến cáo, bệnh nhân sống trong vùng lưu hành SXH, khi xuất hiện sốt hay dấu hiệu chảy máu bất thường cần đi khám xem có phải SXH không.
Các chuyên gia y tế cảnh báo các hiểu lầm tai hại của SXH. Một trong những hiểu lầm phổ biến thường thấy, đó là “SXH chỉ bị một lần trong đời”. Tuy nhiên, có 4 tuýp virus gây bệnh SXH gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vì vậy, mỗi lần mắc bệnh, cơ thể chỉ tạo miễn dịch với tuýp virus đó, nên nguy cơ mắc do các tuýp còn lại vẫn tồn tại. Chưa kể, nguy cơ biến chứng nặng thường tăng cao từ lần thứ hai mắc bệnh trở đi.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sot-xuat-huyet-dang-vao-cao-diem-10288629.html