Sốt xuất huyết gia tăng, nhóm đối tượng này dễ gặp nguy hiểm
Người sống một mình, trẻ nhũ nhi, dư cân, béo phì… là những trường hợp được Bộ Y tế yêu cầu xem xét chỉ định nhập viện nếu mắc sốt xuất huyết.
Bệnh thường khởi phát đột ngột
Tại nhiều địa phương như TPHCM, Hà Nội… dịch sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần 27 (7 - 14/7), Thủ đô ghi nhận 291 ca sốt xuất huyết, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó.
Trong khi đó, trong tuần 28 (10 - 16/7), TPHCM ghi nhận 238 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 16,7% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm: Quận 1, huyện Bình Chánh và quận 8.
Trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết dengue, Bộ Y tế lưu ý các cơ sở y tế xem xét chỉ định nhập viện trong các trường hợp sau: Sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; dư cân, béo phì.
Phụ nữ có thai, người trên 60 tuổi, có bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...) cũng cần nhập viện khi mắc sốt xuất huyết.
Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, nguy hiểm và hồi phục.
Ở giai đoạn sốt, người bệnh thường sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết. Người bệnh cũng có thể đau cơ, đau khớp, nhức 2 hố mắt, thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.
Trong khi đó, giai đoạn nguy hiểm thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện như đau bụng nhiều, liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan, vật vã, lừ đừ, li bì.
Bệnh nhân cũng có nguy cơ bị gan to trên 2cm dưới bờ sườn, có thể đau, nôn ói, biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ), xuất huyết. Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không sốc do thoát huyết tương.
Giai đoạn hồi phục của bệnh thường vào ngày thứ 7 - 10. Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao
Theo BSCKII Đào Văn Cao - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, tính đến nay, khoa đang theo dõi và điều trị cho gần 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
BSCKII Đào Văn Cao cho biết, những cảnh báo của ngành Y tế về dịch sốt xuất huyết đã khiến người dân có ý thức hơn trong việc đi khám và điều trị sớm khi mắc căn bệnh này. Do đó, số lượng người bệnh đến khám đã tăng lên đáng kể.
Sau khi khám, chẩn đoán bệnh, các bác sĩ sẽ sàng lọc đối với những bệnh nhân mắc thể bệnh nhẹ, có thể cấp đơn và giải thích hướng điều trị ngoại trú cho bệnh nhân.
Những bệnh nhân sốt xuất huyết nặng và sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo sẽ được chỉ định vào viện theo dõi và điều trị.
Một số biểu hiện gồm: Vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng, nôn ói nhiều, tiểu ít, xuất huyết niêm mạc, xét nghiệm có tiểu cầu giảm nhanh, cô đặc máu, men gan tăng cao.
Qua điều trị thực tế, các bác sĩ ở Khoa Bệnh nhiệt đới gặp các tình trạng bệnh diễn biến nặng của người bệnh sốt xuất huyết như ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao, tràn dịch màng phổi, màng bụng, tụt huyết áp…
Vì thế, trước những diễn biến khó lường của bệnh sốt xuất huyết, BSCKII Đào Văn Cao khuyến cáo, mọi người nếu thấy sốt cao đột ngột cần vào viện khám ngay. Bởi, bệnh sốt xuất huyết có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang nặng. Vì vậy, bệnh nhân cần được thăm khám, phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.
Người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý nền như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch hoặc phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết thường diễn biến nặng hơn, nhiều biến chứng. Phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết có thể sinh non, con nhẹ cân, xuất huyết khi sinh và sau sinh.
BSCKII Đào Văn Cao phân tích, sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai giai đoạn đầu nguy hiểm. Virus sẽ tác động vào cơ quan tạo máu của mẹ, gây rối loạn đông máu, giảm số lượng và chất lượng tiểu cầu, dễ dẫn đến sảy thai, thai dị tật bẩm sinh, thai chết lưu.
Sốt xuất huyết vào giai đoạn chuyển dạ có thể gây băng huyết sau sinh do bệnh làm giảm tiểu cầu. Nặng hơn nữa là tình trạng rối loạn đông máu dẫn đến nguy cơ tử vong cho sản phụ và thai nhi.
Hiện, không có vaccine dự phòng sốt xuất huyết cho phụ nữ mang thai và không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Do đó, bác sĩ Cao khuyến cáo, các sản phụ mắc sốt xuất huyết nên đến bệnh viện đa khoa để có sự kết hợp chuyên môn giữa khoa: Sản, Bệnh nhiệt đới để theo dõi, điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật TPHCM (HCDC) khuyến cáo, để phòng sốt xuất huyết, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hằng ngày.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa bé đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Đồng thời, theo dõi sát khi trẻ bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng.