Sốt xuất huyết giảm, nhưng không thể chủ quan
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tích lũy từ đầu năm đến cuối tháng 9, cả nước ghi nhận 66.046 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 tử vong.
So với cùng kỳ năm 2019, số mắc giảm 65,6%, tử vong giảm 32 trường hợp. Tuy nhiên, theo diễn biến chu kỳ dịch hàng năm, thời điểm hiện tại đang là mùa mưa, số mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến giữa tháng 10/2020, trên địa bàn có 3.704 ca mắc sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2019 có 6.835 ca). Các ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại cả 30/30 quận, huyện, 434/579 xã, phường trên địa bàn thành phố.
Theo BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng - Bệnh nhiệt đới Trung ương năm nay diễn biến sốt xuất huyết chưa bất thường, bệnh nhân chưa có biểu hiện nặng hơn so với năm ngoái. Thông thường sốt xuất huyết xuất hiện nhiều từ tháng 6 và có thể kéo dài tới tháng 12, trải đều quanh năm. Hiện, dịch Covid-19 xảy ra đồng thời với mùa dịch sốt xuất huyết, ảnh hưởng tới tâm lý người dân do lo ngại nhiễm nCoV khi vào viện.
Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể được chỉ định điều trị tại nhà, không cần nhập viện. Khi đó, người bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối trong môi trường thoáng mát. 3 ngày đầu, bệnh nhân chỉ có phản ứng sốt, cần được theo dõi sát. Người nhà cho bệnh nhân uống parcetamol đúng chỉ định để hạ sốt kết hợp chườm mát ở vị trí bẹn, nách, các nếp gấp, lau toàn bộ cơ thể bằng nước ấm, cho mặc quần áo thoáng. Liều lượng paracetamol nên sử dụng là 10-15 mg/kg thể trọng một lần, không sử dụng aspirin hoặc ibuprofen để hạ sốt. Gia đình cần đặc biệt chú ý tới bệnh nhân trong ngày thứ 4-7 khi mắc bệnh. Nếu người bệnh mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng, nôn, khó thở, chảy máu cam hoặc chân răng, rong kinh, cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để điều trị, tránh biến chứng.
Đặc biệt, trong sốt xuất huyết sợ nhất là tình trạng sốc, thoát huyết tương, gây tình trạng cô đặc máu, vì vậy trong chế độ ăn uống cho người sốt xuất huyết quan trọng nhất là bù nước, điện giải như uống oresol. Người bệnh nên uống các loại nước trái cây, nước quả ép (như cam, bưởi, nước chanh, nước dừa) vì chúng chứa nhiều khoáng chất và vitamin tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn sẽ làm tình trạng bệnh sớm được cải thiện hơn. Về chế độ ăn, bệnh nhân sốt xuất huyết cần ăn những thức ăn lỏng và mềm như cháo, soup vừa giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa. Không nên ăn cơm, đồ cứng khó nuốt.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để phòng ngừa sốt xuất huyết, chuyên gia khuyến cáo người dân nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phát quang bụi rậm, loại bỏ các khu vực có ao tù, nước đọng, diệt bọ gậy (loăng quăng) để ngăn chặn muỗi truyền bệnh sinh sôi và tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài tay. Khi có triệu chứng sốt cao liên tục không thuyên giảm, mọi người nên tới bệnh viện để khám, điều trị kịp thời.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/sot-xuat-huyet-giam-nhung-khong-the-chu-quan-521540.html