Sốt xuất huyết, ho gà gia tăng trên địa bàn Hà Nội
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 12 đến 19/7), trên địa bàn thành phố ghi nhận 118 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 trường hợp so với tuần trước). Như vậy, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết, ho gà trên địa bàn Hà Nội đều gia tăng.
Bệnh nhân phân bố tại 21 quận, huyện. Trong đó, huyện Đan Phượng ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất với 50 ca, tiếp đến là quận Hà Đông và huyện Phúc Thọ - mỗi nơi có 10 ca; huyện Quốc Oai có 6 ca; các quận, huyện Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thạch Thất - mỗi nơi có 5 ca.
Ngoài ra, tuần qua có thêm 9 ổ dịch sốt xuất huyết tại 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đan Phượng, Quốc Oai và Phúc Thọ.
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.283 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 39 ổ dịch. Hiện còn 20 ổ dịch đang hoạt động.
Cũng theo CDC thành phố, kết quả giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động trong tuần cho thấy, tại cụm 11, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng có BI = 25 (các chỉ số giám sát bọ gậy, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết và theo quy định BI=20).
Tại đây, ổ bọ gậy được phát hiện tại chậu cảnh, xô chậu chứa nước mưa, nước sinh hoạt. Ngoài ra, phát hiện hai ca bệnh cũ không được ghi nhận tại thời điểm phát hiện ổ dịch do người dân không hợp tác khai báo y tế...
Cùng với sốt xuất huyết, tuần qua cũng ghi nhận 20 trường hợp mắc ho gà (tăng 8 trường hợp so với tuần trước). Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 15/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 14 trường hợp là trẻ dưới 5 tháng tuổi (chiếm 70%).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 193 trường hợp mắc ho gà tại 29 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca bệnh.
CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, sẽ tiếp tục xuất hiện rải rác các ca ho gà, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Trước tình hình trên, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức đợt cao điểm ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và truyền thông về phòng, chống sốt xuất huyết theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực có nhiều ca bệnh, ổ dịch phức tạp, khu vực nguy cơ cao. Qua đó, nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh, triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Riêng với các bệnh có vắc xin, Sở Y tế thành phố khuyến cáo, người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo một số sai lầm khiến sốt xuất huyết trở nặng, như chủ quan không đi khám bệnh, tự ý dùng kháng sinh điều trị, nghĩ hết sốt là khỏi bệnh.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít...