Sốt xuất huyết vào mùa, cần làm gì để phòng bệnh cho trẻ?

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và thường gia tăng vào mùa mưa. Cha mẹ cần có các biện pháp để phòng bệnh kịp thời cho trẻ.

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Triệu chứng sốt xuất huyết
Một số biện pháp chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ

Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, đặc biệt là sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng.

Thống kê tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương đến ngày 29/8 cho thấy, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 133 trẻ mắc sốt xuất huyết, đặc biệt trong tháng 8 vừa qua đã có 97 trẻ nhập viện, trong đó có nhiều bệnh nhi ở dấu hiệu cảnh báo.

Trẻ nhập viện điều trị do mắc sốt xuất huyết. Ảnh: BV Nhi TƯ

Trẻ nhập viện điều trị do mắc sốt xuất huyết. Ảnh: BV Nhi TƯ

Triệu chứng sốt xuất huyết

Chia sẻ với VTV, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm (Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi trùng có tên là Dengue gây ra. Đây là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt.

Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 type huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Trẻ em mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.

Giai đoạn sốt

Ở giai đoạn đầu của bệnh, trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc, trẻ lớn hơn thì kêu đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết (quan sát có thể thấy những chấm xuất huyết dưới da), đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Giai đoạn nguy hiểm

Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 – 7 sau khi mắc bệnh.

Biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như: vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp. Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn; xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu…

Giai đoạn phục hồi

Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 48 - 72 giờ là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn. Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.

Một số biện pháp chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà

Trao đổi với Lao động, Ths.BS Đỗ Thị Thúy Nga - Phó trưởng Khoa Nội tổng quát - Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: Với bệnh lý sốt xuất huyết, nếu được phát hiện sớm từ những ngày bệnh đầu tiên khi trẻ chỉ có những biểu hiện của sốt mà chưa có những tình trạng dấu hiệu cảnh báo thì các bác sĩ có thể hướng dẫn cha mẹ theo dõi trẻ ở nhà.

Hạ nhiệt, hạ sốt cho trẻ tại nhà bằng cách cho trẻ uống thuốc Paracetamol hàm lượng 10-15mg/Kg, uống cách từ 4 - 6 giờ. Đặc biệt không cho trẻ uống các loại thuốc hạ sốt khác như Analgin, Aspirin, Ibuprofen… Cho trẻ nằm trong phòng thoáng mát và nới rộng quần áo.

Bù nước cho trẻ: Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể uống nước hoa quả, Oresol và cho trẻ uống rải đều nước trong ngày. Đặc biệt chú ý không được uống dồn một lúc, điều này có thể khiến trẻ bị chướng bụng, đầy bụng và có thể bị đau bụng.

Về dinh dưỡng: Cho trẻ ăn lỏng dễ tiêu và đặc biệt không cho trẻ ăn đồ cứng, nhiều chất xơ. Không cho trẻ ăn uống đồ có ga, có màu nâu hoặc đen vì có thể gây nhầm lẫn trong vấn đề chẩn đoán bệnh.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ

Cần cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày, không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm.

Đậy kín các lu, hủ, bể chứa nước, không tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, thay nước bình bông mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi.

Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi; khi vào mùa mưa cần xịt thuốc chống, xua đuổi muỗi, nhất là đối với trẻ em, người có tiền sử dị ứng nặng.

M. Phương

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/sot-xuat-huyet-vao-mua-can-lam-gi-de-phong-benh-cho-tre-d2857.html