Sốt xuất huyết vào mùa, lưu ý điều này tránh hậu quả đáng tiếc
Hiện sốt xuất huyết vào mùa với số ca mắc tăng lên mỗi tuần, các chuyên gia y tế cảnh báo những quan niệm sai lầm trong cách chăm sóc bệnh nhân dễ để lại hậu quả đáng tiếc.
Nguy hiểm tự ý dùng thuốc
Cách đây ít lâu, bệnh nhân Q.N (Đắk Lắk) nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết ngày thứ 6, tổn thương gan cấp, giảm tiểu cầu nặng sau nhiều ngày mua thuốc tự điều trị tại nhà. Tại bệnh viện, với chẩn đoán xuất huyết đa tạng, suy đa tạng, bệnh nhân này đã tử vong sau đó.

Nhiều ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị (ảnh minh họa).
BS Nguyễn Hoàng Anh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho hay, dù sốt xuất huyết là bệnh thường gặp, nhất là vào thời điểm mùa mưa diễn ra nhưng nhiều người vẫn mắc phải những sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết. Đó là việc tự ý truyền dịch tại nhà, bởi mỗi thể trạng bệnh nhân sẽ có nhu cầu lượng dịch cần truyền khác nhau. Để biết được lượng dịch phù hợp, người bệnh cần được khám với bác sĩ để nhận chỉ định truyền dịch đúng.
Hơn nữa, tự ý truyền dịch tại nhà không đảm bảo đủ các yêu cầu về vệ sinh, chuyên môn, kỹ thuật nên rất dễ xảy ra những lụy sức khỏe nguy hiểm như biến chứng vỡ mạch, viêm mạch, tràn dịch màng phổi, màng tim…
Ngoài ra , sốt xuất huyết không có thuốc đặc trị cụ thể, bác sĩ cần dựa vào triệu chứng cũng như tiên lượng bệnh để kê thuốc với liều lượng phù hợp. Những loại thuốc giảm đau, chống viêm thông thường bị chống chỉ định cho người sốt xuất huyết vì có nguy cơ gây xuất huyết và tử vong.
Theo PGS. TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Nhiệt đới, BV Bạch Mai, sốt xuất huyết dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus dengue gây nên. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng, thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Thống kê mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 27/7 cho biết, trong tuần qua số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp đôi so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 475 ca mắc, rải rác tại 100/126 phường, xã với 15 ổ dịch. CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc đang có xu hướng tăng, đặc biệt kết quả giám sát các ổ dịch cho thấy chỉ số côn trùng ở ngưỡng nguy cơ cao.
Phía Nam đang vào mùa mưa, cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết khi số ca mắc, số ca nặng, sốc sốt xuất huyết gia tăng... Một số địa phương ghi nhận số bệnh nhân tăng cao, như TPHCM tăng 158%, 10 ca tử vong.
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca sốt xuất huyết.
Trong đó, giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Lúc này, bệnh nhân có thể còn sốt nhẹ hoặc đã giảm sốt, thường có các biểu hiện đau bụng nhiều và liên tục, hoặc tăng cảm giác đau, nhất là ở vùng gan, nôn. Cần lưu ý biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ), gây tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp), màng bụng, phù nề mi mắt.
Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít. Tiếp đó là tình trạng xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc.... Xuất huyết nặng thường kèm theo tình trạng sốc, giảm tiểu cầu, dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nặng.
PGS. TS Đỗ Duy Cường lưu ý, xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen, hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày - tá tràng, viêm gan mạn.
BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TPHCM cũng khuyến cáo, người bệnh dễ nhầm sốt xuất huyết với sốt siêu vi và nhập viện muộn, dẫn đến biến chứng nặng. Đáng lưu ý, sốt xuất huyết không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ mà đang tăng nhanh ở người lớn, đặc biệt là người có bệnh nền.
Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết cần lưu ý điều gì?
BS Duy Cường khuyến cáo, khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm, đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng. Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có phác đồ điều trị sớm, tránh tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà khiến bệnh nhân có thể gặp các biến cố nguy kịch.
Người bệnh sốt xuất huyết cần hạn chế vận động mạnh, ưu tiên nghỉ ngơi để hỗ trợ giảm thiểu triệu chứng, phục hồi sức khỏe. Cần bổ sung đầy đủ nước để phòng ngừa mất nước và mất cân bằng điện giải. Ngoài ra, yếu tố dinh dưỡng cũng cần được ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra cần lưu ý cho bệnh uống nước để hạn chế mất nước và điện giải trong quá trình điều trị sốt xuất huyết.
Thời gian từ ngày thứ 3 -7 sau khi bị sốt xuất huyết, đặc biệt là khi có dấu hiệu hạ sốt lần đầu tiên, người bệnh cần chú ý sức khỏe cẩn trọng vì đây là giai đoạn bệnh trở nặng. Cần lưu ý, chỉ hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể > 39 độ; Lau mát người để hạ sốt, đồng thời phòng ngừa chức năng gan bị ảnh hưởng; Không tự ý dùng thuốc hạ sốt không kê toa, uống theo chỉ định của bác sĩ.
Trong quá trình điều trị tại nhà, bệnh nhân cần được theo dõi sát sao, nếu có những dấu hiệu sau phải ngay lập tức nhập viện điều trị: Sốt cao liên tục trên 38.5 độ C không đáp ứng thuốc hạ sốc; đau bụng, đau vùng gan; nôn nhiều, nôn ra máu; chảy máu cam, chảy máu chân răng; xuất huyết dưới da; tiểu ít, nước tiểu sẫm màu; lừ đư, vật vã, hay khó thở.