Sputnik giới thiệu cái nôi của Kilo Việt Nam

Trên trang web của hãng tin Nga Sputnik đã có bài viết về CDB ME Rubin - nơi thiết kế tàu ngầm diesel-điện lớp Varshavyanka (Kilo) cho Hải quân Việt Nam.

CDB ME Rubin là cái nôi của tàu ngầm Kilo và robot ngầm Vityaz

Cục Thiết kế Kỹ thuật Hàng hải Trung ương Rubin (CDB ME Rubin) là nhà phát triển hàng đầu của Nga về các loại thiết bị kỹ thuật hoạt động dưới nước. Các tàu ngầm thông thường, tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo (tàu ngầm chiến lược), các tàu ngầm hạt nhân đa năng đã được thiết kế ở đây.

CDB ME Rubin cũng là nơi thiết kế các tàu ngầm diesel-điện lớp Varshavyanka (định danh NATO là lớp Kilo), thuộc Project 636 đang có trong biên chế của Hải quân Nga và Hải quân một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ở phương Tây loại tàu ngầm này được gọi là “hố đen đại dương” (Black Hole) bởi khả năng hoạt động vô cùng yên tĩnh.

Ngoài ra, Cục thiết kế Rubin đã chế tạo ra những phương tiện không người lái dưới nước độc đáo có khả năng xuống độ sâu lớn nhất, ví dụ như tàu lặn tự hành, giàn khoan chịu băng, tàu điện...

Nga có truyền thống lâu đời trong lĩnh vực đóng tàu ngầm, được kế thừa những kinh nghiệm từ thời Liên Xô. Những phương tiện di chuyển dưới nước đầu tiên đã được tạo ra dưới thời Đế chế Nga. Đây là một chủ đề trong cuộc trò chuyện với nhà thiết kế trưởng Dmitry Semyonov.

Nhân viên kỹ thuật của CDB ME Rubin tại nơi làm việc

Các sản phẩm dân dụng quan trọng

"Cục thiết kế của chúng tôi là cơ sở lâu đời nhất ở Nga chuyên thiết kế các thiết bị hàng hải, năm ngoái, Rubin đã bước sang tuổi 120. Trong 120 năm qua, Cục thiết kế đã phát triển nhiều dự án tàu ngầm diesel-điện và hạt nhân từng tham gia vào cả Thế chiến I, Thế chiến II, Chiến tranh Lạnh và đang tham gia thể hiện sức mạnh răn đe hạt nhân - ông Dmitry Semyonov nói.

Nhà thiết kế trưởng của Rubin nhấn mạnh, mặc dù có truyền thống về tàu ngầm quân sự nhưng Cục cũng phát triển các loại thiết bị hoàn toàn hòa bình, ví dụ như các giàn khoan dầu khí ngoài khơi thuộc loại chịu được băng.

Ví dụ sinh động nhất về năng lực chế tạo giàn khoan của Rubin là hoạt động thành công lâu dài của giàn khoan khai thác dầu Prirazlomnaya trên thềm lục địa Bắc Cực của Nga.

Vào cuối những năm 1990 khó khăn nhất đối với đất nước Nga, Rubin đã thiết kế tàu cao tốc Sokol và đã chế tạo thành công. Vào thời điểm đó, đoàn tàu này đã có thiết kế khí động học rất tiên tiến, áp dụng nhiều thành tựu khoa học cơ bản hàng đầu thế giới của Nga.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, ưu tiên chế tạo đã được dành cho sản phẩm hợp tác giữa Nga và Đức, là đoàn tàu Sapsan hiện chạy giữa St.Petersburg, Moscow và Nizhny Novgorod.

Hiện nay đoàn tàu Sokol vẫn duy trì tình trạng hoạt động tốt, mẫu của nó được trưng bày tại Viện Bảo tàng Đường sắt ở St.Petersburg.

Tàu điện Sokol trong bảo tàng đường sắt ở St.Petersburg

Ngoài ra, Rubin đã tạo ra các loại tổ hợp huấn luyện cho những thiết bị hàng hải khác nhau, ví dụ điển hình là các tổ hợp huấn luyện cho các thủy thủ tàu ngầm.

Theo ông Dmitry Semyonov, tất cả các loại kỹ thuật nói trên là công lao to lớn của nhà thiết kế huyền thoại Igor Spassky, cựu tổng giám đốc Cục thiết kế Rubin. Bây giờ ông đã bước sang tuổi 95 tuổi, nhưng ông vẫn tiếp tục làm việc, dẫn đầu một số dự án khoa học.

Các phương tiện tự hành không người lái dưới nước

Kể từ đầu những năm 2010, các loại phương tiện tự hành không người lái dưới nước đã trở thành một hướng mới trong hoạt động của Cục thiết kế Rubin.

Vào đầu thế kỷ XXI, các nhà đóng tàu ở St.Petersburg đã nhận ra tầm quan trọng và triển vọng to lớn của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc đóng tàu ngầm. Theo nhà thiết kế trưởng, các chuyên gia đã bắt đầu đưa các yếu tố AI vào hệ thống định vị và hệ thống điều khiển vũ khí trên tàu ngầm có người lái.

Ông Dmitry Semyonov cho biết. trong các dự án tàu ngầm, Rubin bắt đầu tích hợp kỹ thuật robot ban đầu được tạo ra trên cơ sở những phát triển của các viện nghiên cứu khác ở đất nước. Các cơ sở khoa học có thể phát triển một lý thuyết, tạo ra các mẫu thí nghiệm, nhưng việc đưa lý thuyết vào thực hành là nhiệm vụ của các kỹ sư chuyên nghiệp.

Vào những năm 2011-2013, Cục thiết kế Rubin đã nói lên ý định tạo ra một loại thiết bị hàng hải mới. Trong suốt một thập kỷ, Rubin đã chuyển đổi từ một phòng thiết kế thành một công ty thiết kế và sản xuất đầy đủ giá trị.

Ông Dmitry Semyonov tiết lộ, các phương tiện tự hành không người lái dưới nước đã chiếm lĩnh một phần khá lớn trong hoạt động của công ty, nhưng tất nhiên là không gây hại cho các dự án tàu ngầm chiến đấu truyền thống. Cho đến nay, Rubin đã có tới khoảng ba chục sản phẩm robot dưới nước.

Phương tiện tự hành không người lái dưới nước Amulet-2 của Công ty cổ phần Rubin

Tại Diễn đàn kỹ thuật - quân sự quốc tế Army 2021, Cục thiết kế Rubin đã giới thiệu siêu robot ngầm Vityaz. Vào tháng 5 năm 2020, chính tàu robot tự hành Vityaz của Nga đã lặn xuống phần sâu nhất của rãnh Mariana là vực thẳm Challenger và thực hiện một cuộc hành trình mạo hiểm ở độ sâu 10.028 m.

Cục thiết kế Rubin cũng đã giới thiệu các thiết bị không người lái tự hành dưới nước thuộc lớp siêu nhỏ Amulet và Amulet-2 có trọng lượng 17.2 - 22.5 kg và chiều dài 1.3-1.65 mét, với độ lặn sâu 50-70 mét.

Theo ông Dmitry Semyonov, các khách hàng lâu năm từ nước ngoài mua thiết bị dưới nước của Nga bắt đầu tỏ ra quan tâm đến các phương tiện tự hành không người lái được sản xuất ở St.Petersburg.

"Tôi cho rằng, trong tương lai gần, con người không thể tạo ra một thuật toán cho robot dưới nước có ý thức, bởi nhiệm vụ này là quá khó. Hiện chúng ta vẫn đang ở giai đoạn phát triển các phương tiện di chuyển dưới nước ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, nhưng chúng ta cần phải đi theo hướng này, đi theo con đường tiến hóa” – ông Semyonov khẳng định.

Nhà thiết kế trưởng của CDB Rubin nhận xét, theo thời gian, sự hiện diện của con người trong môi trường khắc nghiệt dưới nước sẽ giảm xuống mức “không” hoặc đến mức tối thiểu, lúc đó, con người sẽ chỉ đơn thuần tiến hành các chuyến du lịch lặn biển đến độ sâu cho phép mà thôi.

Theo Báo Đất Việt

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/vu-khi/sputnik-gioi-thieu-cai-noi-cua-kilo-viet-nam/219175.htm