SR-71 - phi cơ do thám nhanh nhất mọi thời đại
Dù đã ngưng sử dụng, máy bay do thám SR-71 Blackbird của Mỹ vẫn là phi cơ có người lái nhanh nhất mọi thời đại, một thiết kế được ví như đến từ tương lai.
Những năm Chiến tranh Lạnh, máy bay do thám SR-71 Blackbird (Chim đen) bay cao và nhanh hơn bất kỳ máy bay nào khác. 55 năm sau chuyến bay đầu tiên của Chim đen, kỷ lục mà nó thiết lập vẫn chưa bị xô đổ, CNN cho biết.
Lockheed SR-71, nay là Lockheed Martin được bí mật thiết kế vào cuối những năm 1950. Nó có thể bay gần rìa vũ trụ và nhanh hơn cả tên lửa. Cho đến nay, Chim đen vẫn giữ kỷ lục về độ cao hành trình và tốc độ nhanh nhất đối với máy bay không dùng động cơ tên lửa.
Nó là một phần trong gia đình các loại máy bay được chế tạo cho mục đích do thám bên trong lãnh thổ đối phương, mà không bị phát hiện hay bắn hạ, trong thời gian dài trước khi các vệ tinh và máy bay không người lái trở nên phổ biến.
Máy bay được sơn đen nhằm tăng khả năng tản nhiệt, do đó nó được đặt biệt danh là Chim đen. Màu sơn đen, kết hợp với thiết kế khí động học độc đáo khiến máy bay trông không giống bất kỳ thứ gì từng xuất hiện trước đây, một thiết kế vẫn giữ được vẻ hào nhoáng dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua.
“Nó giống một cái gì đó từ tương lai, mặc dù được thiết kế vào những năm 1950”, Peter Merlin, nhà sử học hàng không, nói với CNN trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Chương trình bí mật của CIA
Tháng 5/1960, một máy bay do thám U-2 của Mỹ bị bắn rơi trên không phận Liên Xô khi đang chụp ảnh trên không. Ban đầu, chính phủ Mỹ nói rằng đó là máy bay nghiên cứu thời tiết bay lạc, nhưng sự thật nhanh chóng bị phơi bày khi Liên Xô công bố ảnh chụp phi công bị bắt và các thiết bị do thám của máy bay.
Vụ việc nhanh chóng dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao và làm tăng nhu cầu về loại máy bay do thám mới có thể bay nhanh, cao và an toàn hơn trước hỏa lực phòng không. “CIA muốn một máy bay có thể bay cao hơn 27 km và vô hình trước radar”, Merlin nói.
Nhiệm vụ thiết kế cỗ máy đầy tham vọng này do Clarence "Kelly" Johnson dẫn đầu, một trong những nhà thiết kế máy bay vĩ đại nhất thế giới, và bộ phận kỹ sư bí mật tại Lockheed, được gọi là Skunk Works.
Chiếc máy bay đầu tiên trong gia đình Blackbird được gọi là A-12 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 30/4/1962. Tổng cộng có 13 chiếc A-12 được chế tạo nằm trong chương trình hoạt động bí mật do CIA vận hành.
Lớp vỏ titan đặc biệt
Chim đen có thể bay với tốc độ hơn 3.200 km/h. Ma sát với không khí xung quanh có thể làm nóng máy bay tới nhiệt độ làm tan chảy khung máy bay thông thường. Do đó, thân máy bay được chế tạo bằng hợp kim titan, kim loại có thể chịu được nhiệt độ cao, nhưng lại nhẹ hơn thép.
Tuy vậy, việc sử dụng titan lại nảy sinh nhiều vấn đề. Đầu tiên phải chế tạo bộ dụng cụ làm bằng titan, vì bộ dụng cụ thép phá vỡ lớp titan giòn khi tiếp xúc. Tiếp đến là tìm nguồn cung titan rất khó khăn. “Liên Xô lúc đó là nhà cung cấp titan lớn nhất thế giới. Chính phủ Mỹ phải sử dụng rất nhiều công ty vỏ bọc để mua titan”, ông Merlin nói.
Ban đầu A-12 không được sơn cho thấy lớp kim loại titan màu bạc của nó. A-12 được sơn lần đầu vào năm 1964, khi các kỹ sư nhận thấy sơn đen giúp hấp thụ và tản nhiệt hiệu quả, biệt danh Chim đen ra đời từ đó.
Cùng thiết kế, tên gọi khác nhau
Sau những chuyến bay thử nghiệm thành công, A-12 sớm được phát triển với một biến thể thiết kế như máy bay đánh chặn, thay vì chỉ làm nhiệm vụ do thám. Phiên bản mới được bổ sung thêm tên lửa và buồng lái thứ 2 cho phi công để vận hành radar và vũ khí.
Chiếc máy bay mới giống hệt A-12, ngoại trừ phần mũi. Nó được gọi là YF-12. Trong khi A-12 vẫn là một bí mật, YF-12 được Tổng thống Lyndon Johnson tiết lộ vào năm 1964. 3 máy bay được chế tạo và bàn giao cho không quân Mỹ vận hành.
Một phiên bản thứ 2 được sản xuất trong thời gian đó là M-21. Nó có một trụ hình tháp trên lưng máy bay, ở phần đuôi để lắp máy bay không người lái. 2 chiếc được chế tạo, nhưng chương trình bị hủy bỏ vào năm 1966, khi một máy bay không người lái va chạm với máy bay mẹ khiến phi công tử nạn.
Phiên bản cuối cùng của A-12 với buồng lái 2 chỗ ngồi, dung tích nhiên liệu lớn hơn được gọi là SR-71, được thiết kế cho nhiệm vụ trinh sát chiến lược. Nó thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 22/12/1964.
Đây là phiên bản đảm nhận nhiệm vụ do thám cho không quân Mỹ trong hơn 30 năm. 32 chiếc SR-71 được chế tạo, nâng tổng số các phiên bản của gia đình Chim đen lên 50 chiếc.
Tàng hình trước khi có công nghệ tàng hình
Bên cạnh vật liệu chính là titan, thân máy bay SR-71 gồm một số vật liệu composite lần đầu tiên được sử dụng trên máy bay. Điều đó làm cho SR-71 trở nên khó phát hiện hơn bởi radar của đối phương. “Nó tàng hình trước khi thuật ngữ tàng hình được sử dụng”, Merlin nói.
Bay ở độ cao ngoài tầm với của hỏa lực phòng không, nhanh hơn tên lửa và hầu như không bị phát hiện bằng radar, Chim đen có thể bí mật đi vào không phận đối phương mà không gây ra sự xáo trộn.
“Ý tưởng là vào thời điểm kẻ thù phát hiện ra nó và bắn tên lửa, nó đã ở ngoài không phận đối phương. Họ chụp ảnh trên phim và đưa cuộn phim trở lại căn cứ để xử lý, đó là trước khi chúng ta có liên kết dữ liệu theo thời gian thực”, ông Merlin nói.
Không có Chim đen nào bị bắn hạ bởi hỏa lực đối phương. Tuy vậy, độ tin cậy của máy bay thực sự có vấn đề, 12 trong 32 chiếc SR-71 bị rơi trong các vụ tai nạn. Nó cũng là một chiếc máy bay quá phức tạp để bảo trì và bay.
“Phải cần cả một đội quân để chuẩn bị máy bay. Mỗi nhiệm vụ của Chim đen về cơ bản là đếm ngược giống như sứ mệnh không gian, bởi vì có rất nhiều thứ phải chuẩn bị liên quan đến sự sẵn sàng của máy bay và phi công, một nỗ lực không thể tin được về mặt nhân lực”, ông Merlin giải thích.
Các phi công phải mặc áo quần đặc biệt, do điều kiện khắc nghiệt khi bay ở độ cao lớn. “Về cơ bản, phi công mặc áo quần như phi hành gia tàu con thoi. Buồng lái rất nóng khi bay ở tốc độ cao, đến nỗi các phi công thường hâm nóng bữa ăn trong các nhiệm vụ dài bằng cách ấn nó vào kính chắn gió”, ông Merlin.
Không có Chim đen nào bay trên không phận Liên Xô, điều mà chính phủ Mỹ đã ngừng hoàn toàn sau sự cố U-2, nhưng nó vẫn đóng vai trò rất quan trọng những năm Chiến tranh Lạnh.
Năm 1976, SR-71 đã thiết lập kỷ lục bay duy trì ở độ cao 25,9 km và đạt tốc độ tối đa 3.529 km/h. Kỷ lục đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay mà chưa có máy bay có người lái nào vượt qua được.
Chương trình SR-71 bị dừng lại vào năm 1990, với một sự hồi sinh ngắn ngủi vào giữa những năm 1990. Các công nghệ do thám mới như vệ tinh gián điệp, máy bay không người lái trở nên khả thi hơn và có khả năng cung cấp dữ liệu giám sát theo thời gian thực.
SR-71 bay lần cuối cùng vào năm 1999 bởi NASA. Họ sử dụng 2 chiếc SR-71 để nghiên cứu công nghệ hàng không tốc độ cao và độ cao lớn. Những chiếc SR-71 còn lại được đưa đến trưng bày ở các bảo tàng.
SR-71 được đánh giá là tuyệt tác công nghệ hàng không những năm Chiến tranh Lạnh. Những kỷ lục mà nó thiết lập sẽ còn lâu mới bị vượt qua.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/sr-71-phi-co-do-tham-nhanh-nhat-moi-thoi-dai-post1009643.html