Sri Lanka chìm trong khủng hoảng
Các nghị sĩ đối lập và người chỉ trích kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức sau khi cáo buộc chính phủ ông điều hành kinh tế yếu kém
Khủng hoảng chính trị đang ngày một nghiêm trọng ở Sri Lanka, nơi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đối mặt sức ép từ chức giữa lúc biểu tình leo thang để phản đối tình hình kinh tế đất nước khó khăn.
Quốc gia 22 triệu dân này hiện lâm vào cảnh thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, thuốc men, nhiên liệu, điện và những hàng hóa thiết yếu khác. Lạm phát ở mức cao nhất châu Á trong khi đồng nội tệ rupee cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Chưa hết, theo trang Bloomberg, Sri Lanka còn đối mặt khoản thanh toán nợ 8,6 tỉ USD trong năm nay và khả năng trả nợ bị hoài nghi do tình cảnh đất nước lúc này.
Cuối ngày 6-4 (giờ địa phương), Tổng thống Rajapaksa đã bổ nhiệm một nhóm các nhà kinh tế và chuyên gia tài chính để giúp đối phó cuộc khủng hoảng nợ ngày một trầm trọng và làm việc với các nhà cho vay, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Bước đi này cho thấy ông vẫn quyết tâm nắm quyền bất chấp chính phủ ông mất thế đa số tại quốc hội sau khi ít nhất 41 nghị sĩ rời bỏ liên minh cầm quyền. Trước đó một ngày, chính quyền ông Rajapaksa đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được áp đặt từ hôm 1-4 để đối phó làn sóng biểu tình phản đối cách chính phủ xử lý khủng hoảng kinh tế.
Giữa lúc khủng hoảng leo thang, toàn bộ 26 bộ trưởng trong nội các Sri Lanka đã từ chức vào cuối tuần rồi. Tuy nhiên, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và anh trai là Thủ tướng Mahina Rajapaksa vẫn tiếp tục tại vị.
Đến ngày 4-4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ajith Nivard Cabraal cũng có động thái tương tự. Vào ngày 5-4, tân Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry từ chức dù chỉ mới đảm nhiệm vị trí này một ngày.
Một loạt biến động này làm gia tăng nỗi lo về khả năng quốc gia Nam Á này được IMF giúp đỡ để tránh kịch bản vỡ nợ. Trước khi từ chức Bộ trưởng Tài chính vào cuối tuần rồi, ông Basil Rajapaksa, em trai Tổng thống Rajapaksa, đã chuẩn bị bay đến Mỹ để thảo luận với IMF về các khoản cho vay khẩn cấp.
Ông Steve Cochrane, chuyên gia của Công ty Dịch vụ tài chính Moody’s Analytics (Mỹ), nhận định với tờ Financial Times rằng một chính phủ ổn định đóng vai trò quan trọng trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Bên cạnh IMF, theo một số chuyên gia, Sri Lanka cần tìm kiếm giúp đỡ từ các nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như lựa chọn tái cơ cấu một số khoản nợ của mình. Ông Cochrane cũng cho rằng nâng lãi suất có thể giúp kiềm chế lạm phát và củng cố đồng rupee.
Tuy nhiên, có một số yếu tố khác thúc đẩy lạm phát mà Ngân hàng Trung ương Sri Lanka không kiểm soát được, như giá tăng do cuộc xung đột Nga - Ukraine, chuỗi cung ứng căng thẳng và thiếu dự trữ ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu.
Trong lúc này, các nghị sĩ đối lập và người chỉ trích tiếp tục kêu gọi Tổng thống Rajapaksa từ chức sau khi cáo buộc chính phủ ông quản lý kém nền kinh tế. Theo Reuters, thực tế là kinh tế Sri Lanka còn bị trúng đòn nặng nề từ dịch Covid-19 khi số du khách sụt giảm mạnh.
Đài CNBC dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng những gì xảy ra ở Sri Lanka không khác gì phong trào Mùa xuân Ả Rập, cũng xuất phát từ kinh tế trì trệ và tham nhũng ở Tunisia năm 2010. Bà Chulanee Attanayake, chuyên gia của Trường ĐH Quốc gia Singapore, nói tại Sri Lanka cũng đang diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ nhằm phản ứng tình trạng kinh tế sa sút, lạm phát gia tăng và thiếu hụt hàng hóa thiết yếu.
Dù vậy, cũng có ý kiến không đồng tình với so sánh trên và lưu ý rằng sự bất mãn của người dân Sri Lanka bắt đầu từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và liên quan đến những quyết sách "tồi tệ".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/sri-lanka-chim-trong-khung-hoang-20220407213923671.htm