Sri Lanka nhờ Trung Quốc cứu giữa khủng hoảng tài chính

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đề nghị Trung Quốc giúp tái cơ cấu các khoản nợ và thực hiện chương trình tín dụng thương mại ưu đãi cho hàng nhập khẩu.

Hãng tin Bloomberg cho biết Sri Lanka nợ Trung Quốc hơn 5 tỉ USD và năm ngoái đã vay thêm 1 tỉ USD.

"Sri Lanka không chỉ vay từ Trung Quốc và Ấn Độ mà còn vay trái phiếu chính phủ kể từ năm 2007. Cứ sau 5-10 năm, khi trái phiếu đáo hạn, nước này lại vay một khoản khác để trả nợ trước đó" - giảng viên Trường ĐH Jaffna (Sri Lanka) Ahilan Kadirgamar nói.

Ngày 9-1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa của Sri Lanka. Ông Vương tái khẳng định mối quan hệ song phương trước khi thảo luận về du lịch, đầu tư và cuộc chiến chống lại Covid-19.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị thăm một dự án thành phố cảng ở Colombo ngày 9-1. Ảnh: EPA

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị thăm một dự án thành phố cảng ở Colombo ngày 9-1. Ảnh: EPA

Ông Vương tới Colombo ngày 8-1 để bắt đầu chuyến thăm 2 ngày kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Sri Lanka và kỷ niệm 70 năm Hiệp ước Gạo - Cao su. Đây là hiệp ước thương mại ký năm 1952, theo đó Colombo cung cấp cao su cho Bắc Kinh để đổi lấy gạo.

Thủ tướng Rajapaksa đăng trên mạng xã hội Twitter rằng ông đã có một cuộc gặp “rất vui vẻ” với ông Vương xoay quanh vấn đề hậu cần tạo điều kiện cho sinh viên (y khoa Sri Lanka) tới Trung Quốc, du lịch, đầu tư và viện trợ Covid-19.

Trong khi đó, Tổng thống Rajapaksa cảm ơn Bắc Kinh vì đã cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 cho đảo quốc này. Phần lớn người dân Sri Lanka được tiêm vắc-xin do Công ty Sinopharm của Trung Quốc bào chế.

Đáp lại, ông Vương cam kết Trung Quốc sẽ luôn ủng hộ Sri Lanka như một người bạn thân thiết.

Chuyến thăm của ông Vương rất quan trọng bởi nó diễn ra giữa cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất của Sri Lanka. Lạm phát của nước này đã tăng lên mức kỷ lục, giá lương thực cũng tăng vọt và dự trữ ngoại hối cạn kiệt. Sri Lanka có thể phá sản vào năm tới nếu không xây dựng lại nguồn dự trữ tiền tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu và trả các khoản nợ trị giá 29 tỉ USD. Năm nay, Sri Lank phải trả khoản nợ đầu tiên trị giá 4,5 tỉ USD, bao gồm cả trái phiếu chính phủ đáo hạn.

Ngành du lịch của Sri Lanka, đóng góp 10% cho nền kinh tế, gặp khó khăn kể từ vụ đánh bom vào Lễ Phục sinh năm 2019 khiến 269 người thiệt mạng, trong đó có 45 người nước ngoài, tiếp theo là các hạn chế đi lại liên quan tới đại dịch Covid-19. Nước này đang sử dụng nguồn dự trữ để nhập khẩu nhiên liệu, máy móc và thực phẩm.

Phạm Nghĩa

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/sri-lanka-nho-trung-quoc-cuu-giua-khung-hoang-tai-chinh-20220110084855238.htm