SSC8- Nỗi sợ mới của NATO về tên lửa của Nga

Tướng John Hyten, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ thừa nhận tên lửa hành trình SSC-8 của Nga có thể đánh bại mọi lá chắn phòng thủ của Mỹ và đồng minh châu Âu, nhất là khi phóng với số lượng lớn.

"Nga đã có nhiều tiến bộ trong việc phát triển tên lửa tầm trung, cả loại mang đầu đạn hạt nhân hay thông thường và vũ khí siêu thanh tiên tiến nhất đã đạt đến ưu thế vượt trội so với cùng loại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo tại cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng 29 nước thành viên hồi trung tuần tháng 2.

Mất cân bằng, báo động nghiêm trọng

Cụm từ này đã được nhắc đến nhiều nhất tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) giữa Bộ trưởng Quốc phòng 29 nước thành viên NATO. "Tình hình đang trở nên nghiêm trọng đến mức, ngay cả bây giờ, Điện Kremlin có nhiều tên lửa phi chiến lược, có khả năng kép hơn các đồng minh NATO đã phát triển hoặc triển khai trong vài năm qua", một Bộ trưởng Quốc phòng của NATO khẳng định trong cuộc trò chuyện với báo giới hôm 12/2.

Theo vị này, trong 2 thập kỷ qua, Nga đã liên tục hiện đại hóa các lực lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), thay thế các tên lửa thời Liên Xô (cũ) bằng các hệ thống tên lửa mới, một đầu đạn và đa đầu đạn.

Ngoài ra, nhiều hệ thống tên lửa của Nga, bao gồm tên lửa hành trình phóng từ biển Kalibr, hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander và hệ thống tên lửa SSC-8 mới, có thể cung cấp cả đầu đạn hạt nhân và thông thường. Đây là những tên lửa di động, dễ ẩn nấp và có thể phóng đến các thành phố lớn của châu Âu với ít thời gian cảnh báo. NATO coi sự phát triển nhanh chóng này là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của khối và làm tăng nguy cơ leo thang hoặc hiểu lầm có thể gây ra xung đột.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hãng tin Reuters cho biết, giới chức NATO thừa nhận rằng, sự mất cân bằng về kho dự trữ tên lửa tầm trung của NATO và Nga hiện đang là một thực tế ở châu Âu nhưng NATO vẫn cam kết đầy đủ đối với mục tiêu kiểm soát và giải trừ vũ khí.

"Chúng tôi đang thảo luận các biện pháp đối phó với việc Nga tiếp tục tăng cường sức mạnh tên lửa, kể cả thông thường và hạt nhân. NATO đã nhất trí quan điểm với nhau về việc Nga vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Chúng tôi đã tham vấn chặt chẽ với nhau trong nhiều năm và nhất trí với nhau về mọi bước đi, kể cả một gói biện pháp cân bằng và phòng thủ nhằm đáp trả các tên lửa SSC-8 của Nga", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Thomas Falk, thuộc nhóm cố vấn quốc tế của Ủy ban châu Âu và NATO, những tuyên bố của Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã xác nhận sự quan tâm đặc biệt của NATO đối với các hệ thống tên lửa mới của Nga. Bình luận trên trang tin Insideover.com, ông Thomas Falk cho rằng Tổng thư ký NATO không chỉ đề cập đến tên lửa hành trình SSC-8 của Nga, có thể tấn công các mục tiêu ở châu Âu và Mỹ, mà còn lo lắng về những vũ khí siêu vượt âm mới mà Moscow đã phát triển, với một số trong đó đã được triển khai.

Ông Thomas Falk nhấn mạnh, Nga hiện đã vượt trội so với NATO trong các hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Chẳng hạn, tên lửa không đối đất Kinzhal mới - được phát triển cho máy bay ném bom hạt nhân có thể phóng vào mục tiêu với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh và được thiết kế để bắn trúng mục tiêu trong vòng vài phút. Hay tên lửa hành trình SSC-8 đã có tầm bắn 1.800km, và NATO chỉ có thể được cảnh báo sớm trước 2 tiếng đồng hồ.

"Điều đó dẫn đến việc NATO sẽ cần phải tìm ra một giải pháp đối phó với những tiến bộ công nghệ quân sự của Nga. Cũng phải lưu ý rằng, Điện Kremlin không ở trong tình trạng buộc phải chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa áp đảo của NATO nhưng Moscow lại có khả năng xâm nhập phòng không phương Tây", ông Thomas Falk nói.

Và mối đe dọa mang tên SSC-8

Thực tế, hơn 1 năm qua, NATO đã luôn trong tình trạng báo động sau khi Nga tiến hành thử nghiệm tên lửa SSC-8. Cụ thể, tranh cãi giữa Nga và NATO bắt đầu từ cuối năm 2018 xoay quanh tên lửa SSC-8 theo cách gọi của NATO còn theo cách gọi của Nga là Novator 9M729.

Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ khi đó là Dan Coats là người đầu tiên cung cấp chi tiết kỹ thuật của hệ thống tên lửa SSC-8 và cáo buộc, Nga lợi dụng điều khoản trong Hiệp ước INF cho phép các hệ thống tên lửa tầm trung và tầm xa nhất định được thử nghiệm trên bộ, miễn là các hệ thống này được thiết kế để sử dụng trong lực lượng hải quân và không quân để che giấu mục đích thực sự của việc phát triển hệ thống tên lửa SSC-8.

Sau đó, trong các cuộc tham vấn với Nga, Mỹ đã đòi hỏi Nga cho tiêu hủy toàn bộ tên lửa SSC-8 để bảo đảm cho Hiệp ước INF vì theo Washington, tên lửa này là mối đe dọa không thể đối phó đối với cả Mỹ lẫn các đồng minh NATO. Nhưng Moscow đã bác bỏ đề nghị này và đây chính là lý do khiến Mỹ nhanh chóng rút khỏi INF.

Tháng 4/2019, Tướng John Hyten, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ thừa nhận SSC-8 có thể đánh bại mọi lá chắn phòng thủ của Mỹ và đồng minh châu Âu, nhất là khi phóng với số lượng lớn. Và một lần nữa, Washington lại kêu gọi đồng minh NATO ngăn Nga ngừng triển khai tên lửa này.

Mọi chuyện sẽ tiếp tục chỉ là những lời tranh cãi qua lại không dứt nếu như Nga không tiến hành các cuộc thử nghiệm hồi đầu tháng 1. Khi đó, các báo cáo được gửi tới cho NATO khẳng định, tên lửa SSC-8 đã được phóng thử nghiệm vài lần từ một trong những trung tâm huấn luyện của Nga. Ngay lập tức, Tổng thư ký NATO đã yêu cầu triển khai các hệ thống tên lửa hiện đại ngay dọc biên giới Nga, vì sợ tên lửa SSC-8 có thể tấn công mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ châu Âu.

Thực tế, tên lửa SSC-8 là loại tên lửa được trang bị cho hệ thống Iskander-M; được phát triển bởi Cục Thiết kế Novator ở Yekaterinburg. Tên lửa này mang đầu đạn có sức công phá lớn hơn và một hệ thống điều khiển giúp nó đạt độ chính xác cao hơn. SSC-8 có tầm bắn tối thiểu là 50km và tầm bắn tối đa là 500km. Hệ thống tên lửa này được cho là đưa vào khai thác vào năm 2018.

Năm 2019, sau nhiều năm từ chối, Nga thừa nhận sự tồn tại của SSC-8 và chính thức tiết lộ công khai vào năm 2019. Đến đầu năm 2019, Nga đã báo cáo hoạt động ít nhất 64 tên lửa hành trình SSC-8 và một số phương tiện phóng liên quan. SSC-8 có thể được coi là sự kế thừa của RK-55 (NATO gọi là SSC-X-4 hoặc Slingshot). Việc sản xuất RK-55 bắt đầu khi hiệp ước INF 1987 được phê chuẩn. Chỉ có 80 tên lửa được hoàn thành, không có tên lửa nào được triển khai vào thời điểm chúng bị phá hủy để tuân thủ hiệp ước kiểm soát vũ khí.

Tuy nhiên, SSC-8 lại có nhiều tính năng của SSC-X-4 bị hủy bỏ. SSC-8 đã thực hiện lần phóng thử nghiệm đầu tiên vào năm 2008 tại bãi thử Kapustin Yar, vùng Astrakhan. Tên lửa này đã vượt qua các thử nghiệm của nhà nước vào năm 2014. Năm 2015, nó được phóng đi ở phạm vi vượt quá phạm vi 500 km do hiệp ước INF điều chỉnh.

Bệ phóng của SSC-8 dựa trên khung gầm cơ động cao đặc biệt MZKT-7930 với cấu hình 8x8. Bên ngoài nó trông giống như xe phóng của các hệ thống Iskander hoặc Iskander-K, được Quân đội Nga sử dụng, nhưng khoang tên lửa của nó ở phía sau cao hơn, vì nó mang 4 tên lửa thay vì 2. Nó tương tự như phương tiện phóng hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Club-M (Kalibr-M).

Năm 2016, Nga đã lên kế hoạch để có được 8 phương tiện cơ động đặc biệt cao MZKT-7930 để mang các tên lửa mới này. Theo kế hoạch, 4 phương tiện sẽ được trang bị là bệ phóng tên lửa và 4 phương tiện khác sẽ được trang bị dưới dạng phương tiện tiếp tế để mang tên lửa nạp lại. Xe phóng của SSC-8 có thể mang theo bốn tên lửa.

Theo các tiết lộ của tờ National Interest, tên lửa SSC-8 có thể xuyên thủng các lá chắn hiện đại nhờ hành trình bay phức tạp, dẫn đường bởi hệ thống định vị Glonass và GPS. Tên lửa sẽ tự động tìm kiếm mục tiêu bằng các dữ liệu đã được cung cấp rồi lao vào mục tiêu ở tốc độ siêu lớn bằng đầu đạn nặng tới 450 kg.

Theo Huyền Chi/Công an Nhân dân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/ssc8-noi-so-moi-cua-nato-ve-ten-lua-cua-nga/20200310081938064