SSI có quý lãi cao thứ hai lịch sử, mua mạnh một cổ phiếu ngân hàng

Nhờ doanh thu môi giới và lãi từ cho vay tăng mạnh, SSI mang về hơn 800 tỷ đồng tiền lãi trong quý 2/2024, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2023.

SSI có thị phần môi giới lớn thứ hai hiện nay, sau VPS.

SSI có thị phần môi giới lớn thứ hai hiện nay, sau VPS.

CTCP Chứng khoán SSI (mã SSI) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý 2/2024 với doanh thu hoạt động đạt 2.245 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mảng tự doanh mang về gần 650 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ; lãi từ cho vay tăng 43% lên mức 513 tỷ đồng; mảng môi giới mang về 560 tỷ đồng, tăng 66%; lãi từ các khoản đầu tư đến ngày đáo hạn giảm 33% về mức 89 tỷ đồng.

Ngược lại, chi phí nghiệp vụ môi giới tăng nhẹ (356 tỷ đồng), chi phí tự doanh gấp hơn 2 lần lên mức 49 tỷ đồng, chi phí lãi vay giảm 18% về mức 351 tỷ đồng, các chi phí khác đều giảm.

Kết quả, SSI lãi sau thuế 835 tỷ đồng, tăng 59% so với quý 2/2023. Đây là mức lợi nhuận ròng cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của công ty chứng khoán này, chỉ thấp hơn mức lãi kỷ lục gần 1.000 tỷ đồng ghi nhận được trong quý 4/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của SSI đạt 4.165 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 1.563 tỷ đồng, tăng 55%.

Năm 2024, SSI đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19%.

Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất của SSI từ trước đến nay. Con số lợi nhuận nhỉnh hơn so với 3.365 tỷ đồng đạt được năm 2021 khi thị trường chứng khoán bùng nổ, các mảng kinh doanh đều thuận lợi.

Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của công ty mẹ SSI đạt gần 70.300 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty có hơn 2.100 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, so với đầu năm chỉ 450 tỷ đồng.

Các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) ghi nhận gần 40 tỷ đồng, giảm gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm; các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cũng giảm 1.500 tỷ đồng xuống mức 3.300 tỷ đồng.

Ngược lại, các khoản cho vay đạt hơn 20.300 tỷ đồng, tăng hơn 5.000 tỷ đồng so với đầu năm và tăng hơn 2.700 tỷ đồng so với cuối quý 2/2024. Trong đó, dư nợ cho vay margin chiếm chủ yếu với 19.600 tỷ đồng. Điều này lý giải vì sao doanh thu từ cho vay của SSI tăng vọt.

Trong cơ cấu các tài sản FVTPL của SSI, chứng chỉ tiền gửi vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 23.000 tỷ đồng, giảm 7.000 tỷ đồng so với đầu năm và giảm 2.000 tỷ đồng so với cuối quý 1/2024. Tiếp đến là trái phiếu với gần 14.500 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Khoản đầu tư cổ phiếu và chứng khoán niêm yết khác có giá gốc 1.130 tỷ đồng và tạm lỗ 38 tỷ đồng. Trong đó, VPB được rót tiền nhiều nhất với hơn 830 tỷ đồng và cũng là khoản gây lỗ chủ yếu (tạm lỗ 29 tỷ đồng). Trong 3 tháng qua, SSI đã chi thêm gần 500 tỷ đồng để mua vào cổ phiếu ngân hàng này.

Trong quý 2 vừa qua, SSI cũng mua thêm cổ phiếu TCB, đưa mã này lên vị trí chiếm tỷ trọng thứ hai với gần 96 tỷ đồng, và đang tạm lỗ gần 5 tỷ đồng. Các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn khác là STB (gần 34 tỷ đồng), HPG (hơn 40 tỷ đồng).

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ssi-co-quy-lai-cao-thu-hai-lich-su-mua-manh-mot-co-phieu-ngan-hang-31397.html