SSI Research kỳ vọng TPBank sẽ đạt 9.000 tỷ lợi nhuận trong năm 2023
Các biến động liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và xây dựng có thể xảy ra có thể gây tác động không tích cực lên tâm lý thị trường, mặc dù vậy kết quả kinh doanh tại TPBank vẫn được dự báo sẽ khả quan.
Tại báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã: TPB), Chứng khoán SSI Research ước tính, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này trong quý IV/2022 sẽ đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ. Qua đó, lợi nhuận cả năm tại TPBank sẽ đạt 8.000 tỷ đồng, tăng trưởng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân nhờ tăng trưởng tín dụng 15% so với đầu năm với hạn mức tăng trưởng tín dụng được cập nhật mới nhất và tăng trưởng thu nhập phí đạt 37,8% so với cùng kỳ.
Trong môi trường lãi suất tăng và hạn mức tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, chuyên gia SSI cũng ước tính, tăng trưởng huy động (tăng 16,2% so với đầu năm) sẽ vượt mức tăng trưởng tín dụng (tăng 15% so với đầu năm). Điều này cũng khiến NIM tại ngân hàng này giảm 39 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,97% và ROE giảm 68 điểm cơ bản xuống 21,9 %.
Ngoài ra, việc Thông tư 14 hết hiệu lực và lãi suất cho vay tăng lên sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu, qua đó SSI dự báo, tỷ lệ nợ xấu tại TPBank trong năm 2022 sẽ là 1,1%.
Đối với năm 2023, chuyên gia SSI đã điều chỉnh tăng ước tính tăng trưởng dư nợ khách hàng tại TPBank lên 14,5% so với giả định trước đây là 12,5%, trong khi số dư trái phiếu doanh nghiệp giảm 15% so với đầu năm.
"Do thanh khoản vẫn ở mức khá nên chúng tôi cho rằng tăng trưởng tổng tiền gửi sẽ là 12,5%, đủ hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng là 11,5% so với đầu năm cho năm 2023", báo cáo viết.
Đến hiện tại, tỷ giá và thanh khoản đã được cải thiện, áp lực tăng lãi suất giảm bớt. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng chi phí huy động vốn trung bình tại TPB sẽ tăng thêm 0,109% vào năm 2023, khiến NIM và ROE giảm xuống mức 3,82% (giảm 0,015% so với cùng kỳ) và 20% (giảm 0,204% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, từ thời điểm tháng 9/2022, lãi suất huy động đã tăng trở lại mức trước đại dịch Covid-19 (một số ngân hàng thậm chí còn cao hơn), khiến tiền gửi có kỳ hạn trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn.
Cùng với đó, việc thắt chặt tín dụng để kiểm soát lạm phát có thể sẽ kéo dài (ít nhất đến nửa đầu năm 2023) khiến các doanh nghiệp phải sử dụng vốn của mình để tài trợ cho hoạt động kinh doanh hàng ngày.
Do đó, SSI dự báo, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại TPBank sẽ ở mức 16,5% cùng với sự sụt giảm của cả CASA khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân trong năm 2023.
Về tình hình nợ xấu, nợ xấu ngoại bảng của ngân hàng này có khả năng tăng lên 1,2% vào năm 2023, với tỷ lệ hình thành nợ xấu là 1,58%. Theo đánh giá của chuyên gia SSI Research, nguyên nhân do lãi suất cho vay cao hơn; và yêu cầu về vốn của ngân hàng để cơ cấu lại các khoản vay.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu có thể thấp hơn nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được thông qua. Cụ thể, các khoản thanh toán gốc trái phiếu có thể được hoãn lại tới hai năm, bất cứ khi nào 65% trái chủ đồng ý.
Báo cáo cũng chỉ ra, vì hiệu quả hoạt động của trái phiếu doanh nghiệp có mối tương quan cao với lĩnh vực bất động sản, chúng tôi tin rằng việc sửa đổi này sẽ giảm bớt khó khăn thanh khoản cho các chủ đầu tư bất động sản và giảm nợ xấu tiềm ẩn cho các ngân hàng đặc biệt đối với các khoản trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào năm 2023.
Kết luận, SSI Research kỳ vọng, lợi nhuận trước thuế của TPBank sẽ đạt 9.000 tỷ đồng trong năm 2023, con số này sẽ tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2022 theo giả định của chuyên gia.