Standard Chartered nâng dự báo tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam lên 7,5%
Ngân hàng Standard Chartered hôm nay đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam, đồng thời cảnh báo áp lực giá cả dự kiến sẽ mạnh lên trong những tháng còn lại của năm 2022 và trong năm 2023.
Ngày 12/10, Ngân hàng Standard Chartered đã ra thông báo về việc nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% lên 7,5% cho năm 2022 và từ 7% lên 7,2% cho năm 2023 sau khi mức tăng trưởng trong quý III tại Việt Nam đạt 13,7%.
Tổ chức này cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý IV sẽ đạt 4%.
Trước đó, trong báo cáo cập nhật tháng 10 mới nhất, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng dự báo Việt Nam sẽ dẫn đầu ASEAN-5 với mức tăng trưởng năm 2022 là 7,2%. Mức dự báo này tăng khá nhiều so với mức 5,3% trong dự báo hồi tháng 4. Năm 2023, World Bank dự báo kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,7%. Mức tăng trưởng này giống với dự báo trước đó vào tháng 8.
Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo cập nhật vào tháng 9/2022 vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, như đã từng được công bố trong báo cáo ADO hồi tháng 4/2022.
Theo ADB, sở dĩ Việt Nam có mức dự báo này là do tăng trưởng được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công.
Về tình hình lạm phát theo Standard Chartered, dự báo lạm phát trong quý IV/2022 tại Việt Nam sẽ tăng lên 5%, đồng thời hạ dự báo lạm phát cả năm từ 4,2% xuống 3,3%.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng áp lực giá cả dự kiến sẽ mạnh lên trong những tháng còn lại của năm 2022 và trong năm 2023. Bên cạnh các yếu tố từ phía nguồn cung, áp lực từ phía nguồn cầu cũng ngày càng gia tăng.
Chuyên gia của Standard Chartered cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và có thể sẽ thực hiện nâng lãi suất tái cấp vốn thêm 2 lần, mỗi lần 50 điểm cơ bản vào quý IV năm 2022 và quý I năm 2023, đưa mức lãi suất tái cấp vốn lên 6%, sau khi đã nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản lên 5% vào ngày 22/9 vừa qua.
“Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất mạnh tay hơn nếu lạm phát tiếp tục gia tăng và tiền Đồng (VND) giảm giá mạnh hơn dự báo khi Fed vẫn tiếp tục duy trì cách tiếp cận khá diều hâu. Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cảnh giác với các rủi ro về lạm phát và bất ổn tài chính, bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi từ đại dịch COVID-19”, ông Tim Leelahaphan nhận định.
Theo Ngân hàng Standard Chartered, VND có thể phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn – Fed duy trì cách tiếp cận diều hâu, đồng USD mạnh, giá cả hàng hóa tăng cao và nhu cầu bên ngoài suy giảm. VND tiếp tục là một đồng tiền mạnh so với các quốc gia đang nổi tại châu Á mặc dù đã có sự giảm giá trong thời gian gần đây.
Standard Chartered dự báo tốc độ giảm giá của VND sẽ chậm lại trong những tháng tới. Tỷ giá USD-CNY và USD-VND vẫn có sự tương quan chặt chẽ với nhau. Khi tỷ giá USD-CNY đạt đỉnh cũng có thể là lúc tỷ giá USD-VND đạt đỉnh. Standard Chartered dự báo tỷ giá USD-VND sẽ đạt 24.200 vào cuối năm 2022 và 24.000 vào cuối Quý 1 năm 2023, sau đó giảm về mức 23.400 vào cuối năm 2023.