Starlink ra mắt dịch vụ internet vệ tinh ở Indonesia, Elon Musk được hỏi về khả năng đầu tư của Tesla

Hôm 19.5, Elon Musk và Budi Gunadi Sadikin (Bộ trưởng Y tế Indonesia) đã ra mắt dịch vụ internet vệ tinh Starlink của SpaceX cho ngành y tế nước này, nhằm cải thiện khả năng truy cập internet ở những vùng xa xôi.

Elon Musk, Giám đốc điều hành SpaceX và Tesla, đến hòn đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia bằng máy bay riêng trước khi tham dự lễ ra mắt Starlink tại một trung tâm y tế cộng đồng ở thành phố Denpasar (thủ phủ Bali).

Mặc chiếc áo sơ mi batik màu xanh lá cây, tỷ phú 52 tuổi người Mỹ cho biết sự sẵn có của dịch vụ Starlink ở Indonesia sẽ giúp hàng triệu người tại những vùng xa xôi ở nước này truy cập internet. Indonesia là nơi sinh sống của hơn 279 triệu người và có ba múi giờ khác nhau.

Elon Musk nói: “Tôi rất vui mừng được mang internet đến những nơi có kết nối kém. Nếu có quyền truy cập internet, bạn có thể học bất cứ điều gì”.

Batik là một loại vải truyền thống được tạo ra bằng kỹ thuật nhuộm sáp và in các hoa văn bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Nghệ thuật batik đã xuất hiện từ hơn 2.500 năm trước ở Viễn Đông, Trung Đông, Trung Á, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và một số nước khác. Batik được coi là một sản phẩm thương hiệu quốc gia Indonesia trên thế giới. Nghệ thuật Batik ở Indonesia đã được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2009.

Tại Indonesia, vải batik được sử dụng trong nhiều dịp khác nhau, từ trang phục hàng ngày đến trang phục lễ hội. Batik cũng được sử dụng để làm đồ trang trí nhà cửa, quà lưu niệm,...

Starlink đã được triển khai tại ba trung tâm y tế của Indonesia vào ngày 19.5, gồm hai trung tâm ở Bali và một trên hòn đảo Aru xa xôi thuộc tỉnh Maluku.

Một video trình chiếu tại buổi ra mắt cho thấy tốc độ internet cao đã hỗ trợ việc nhập dữ liệu theo thời gian thực như thế nào để giải quyết tốt hơn các thách thức về sức khỏe như tình trạng còi cọc và suy dinh dưỡng.

Khi được hỏi liệu có dự định đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô điện của Indonesia hay không, Elon Musk cho biết ông tập trung vào Starlink trước tiên.

Giám đốc điều hành SpaceX nói: “Chúng tôi đang tập trung sự kiện này vào Starlink và những lợi ích mà khả năng kết nối internet mang lại cho các hòn đảo xa xôi. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối internet. Nó có thể cứu sống nhiều người như thế nào”.

Chính phủ Indonesia trong nhiều năm đã cố gắng thu hút công ty Tesla của Elon Musk xây dựng các nhà máy sản xuất liên quan đến ô tô điện vì muốn phát triển lĩnh vực này bằng cách sử dụng nguồn tài nguyên niken phong phú của đất nước.

Khi Indonesia tiếp tục nỗ lực kéo dài nhiều năm để thu hút các khoản đầu tư từ Elon Musk, các nhà quan sát từng cho rằng trữ lượng niken khổng lồ của nước này có thể không hấp dẫn như mong đợi. Ngoài ra, sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cho thấy Indonesia không hoàn toàn nghiêm túc trong việc thúc đẩy năng lượng tái tạo. Hồi tháng 8.2023, Elon Musk quyết định đặt trụ sở khu vực Đông Nam Á của Tesla ở Malaysia thay vì Indonesia.

Elon Musk dự kiến gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo vào ngày 20.5, nơi ông cũng sẽ phát biểu tại Diễn đàn Nước Thế giới diễn ra ở quốc gia Đông Nam Á này.

Elon Musk đến Indonesia để khai trương hoạt động của Starlink và tham dự Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 10 - Ảnh: Reuters

Elon Musk đến Indonesia để khai trương hoạt động của Starlink và tham dự Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 10 - Ảnh: Reuters

Cũng tham dự sự kiện ở Bali hôm 19.5, Budi Arie Setiadi (Bộ trưởng Truyền thông và Tin học Indonesia) cho biết Starlink hiện đã có sẵn trên thị trường, nhưng chính phủ sẽ tập trung dịch vụ cho các khu vực bên ngoài và kém phát triển trước tiên.

Trước khi ra mắt hôm 19.5 ở Indonesia, Starlink đã nhận được giấy phép hoạt động với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ internet cho người tiêu dùng bán lẻ và được phép cung cấp mạng sau khi nhận giấy phép thiết bị đầu cuối khẩu độ rất nhỏ (VSAT), Bộ trưởng Budi Arie Setiadi nói với Reuters.

Với dân số nhiều nhất Đông Nam Á, Indonesia đang là thị trường tiềm năng để các hãng công nghệ Mỹ đầu tư.

Giám đốc điều hành Apple và Microsoft nằm trong số lãnh đạo các hãng công nghệ lớn đã đến Indonesia thời gian qua.

Hôm 30.4, Satya Nadella (Giám đốc điều hành Microsoft) thông báo công ty Mỹ sẽ đầu tư 1,7 tỉ USD trong 4 năm tới để mở rộng dịch vụ đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) ở Indonesia, gồm cả xây dựng trung tâm dữ liệu.

Khi đến Indonesia giữa tháng 4, ngoài cuộc trò chuyện với lãnh đạo đất nước này, Tim Cook còn gặp một người có ảnh hưởng địa phương với gần 800.000 người theo dõi trên Instagram nổi tiếng qua món gà satay, và học tiếng địa phương để nói "Bạn khỏe không?" trong video được lan truyền trên mạng xã hội.

Khách hàng địa phương đã yêu cầu Tim Cook cung cấp một Apple Store và dịch vụ tốt hơn cho các sản phẩm Apple ở Indonesia. Sau chuyến đi, Apple báo cáo doanh thu tại Indonesia đạt kỷ lục, ngay cả khi tổng doanh thu toàn cầu của hãng sụt giảm.

“Đây là những thị trường mà thị phần của chúng tôi thấp. Dân số đông và ngày càng tăng. Các sản phẩm của chúng tôi thực sự đang ngày càng thu hút khách hàng ở đây”, Tim Cook nói trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2024 của Apple vào tuần trước.

Starlink thuộc SpaceX, công ty sở hữu khoảng 60% trong số khoảng 7.500 vệ tinh quay quanh Trái đất, đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực internet vệ tinh.

Indonesia là quốc gia thứ ba ở Đông Nam Á mà Starlink sẽ hoạt động. Malaysia đã cấp cho Starlink giấy phép cung cấp dịch vụ internet vào năm 2023 và một công ty có trụ sở tại Philippines đã ký thỏa thuận với SpaceX hồi 2022.

Starlink cũng được sử dụng rộng rãi ở Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Quân đội, bệnh viện, doanh nghiệp Ukraine và tổ chức viện trợ đều dùng dịch vụ internet vệ tinh của SpaceX.

Hồi tháng 3, Reuters đưa tin SpaceX đang xây dựng một mạng lưới gồm hàng trăm vệ tinh do thám theo hợp đồng mật với cơ quan tình báo Mỹ, thể hiện mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa công ty vũ trụ do Elon Musk điều hành và các cơ quan an ninh quốc gia.

Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, nói với các phóng viên: “Chúng tôi nhận thức được những nỗ lực từ Mỹ nhằm thu hút khu vực tư nhân phục vụ tham vọng không gian quân sự của mình”.

Bà Maria Zakharova cho biết những hệ thống như vậy "trở thành mục tiêu hợp lệ cho các biện pháp đáp trả, gồm cả các biện pháp quân sự".

Theo Reuters, Starshield, đơn vị thuộc SpaceX, đang xây dựng mạng lưới vệ tinh tình báo theo theo hợp đồng trị giá 1,8 tỉ USD ký năm 2021 với Văn phòng Trinh sát Quốc gia Mỹ (NRO), cơ quan quản lý vệ tinh tình báo của nước này.

Mạng lưới gồm hàng trăm vệ tinh nói trên có thể theo dõi mục tiêu trên mặt đất và chia sẻ thông tin với quân đội, tình báo Mỹ. Về lý thuyết, điều đó cho phép chính phủ và quân đội Mỹ nhanh chóng thu thập liên tục hình ảnh về hoạt động ở hầu hết vị trí trên thế giới, hỗ trợ hoạt động tình báo và quân sự.

Nếu thành công, mạng lưới vệ tinh này sẽ nâng cao đáng kể năng lực xác định mục tiêu tiềm năng của chính phủ và quân đội Mỹ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ mạng lưới vệ tinh mới sẽ bắt đầu hoạt động khi nào hoặc có những công ty nào khác cùng tham gia dự án này.

Hồi tháng 2, tờ Wall Street Journal đưa tin về hợp đồng tuyệt mật của Starshield trị giá 1,8 tỉ USD với một cơ quan tình báo không xác định, song không nêu chi tiết mục đích của chương trình.

NRO thừa nhận đảm nhận sứ mệnh phát triển một hệ thống vệ tinh tinh vi và thiết lập quan hệ đối tác với các cơ quan chính phủ, công ty, tổ chức nghiên cứu khác.

"Cơ quan Trinh sát Quốc gia đang phát triển hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát trên không gian có khả năng đa dạng và linh hoạt nhất thế giới", một người phát ngôn của NRO nói.

Tuy nhiên, NRO từ chối bình luận về thông tin về vai trò của SpaceX.

Ba nguồn tin cho biết khoảng một chục nguyên mẫu vệ tinh tình báo đã được phóng kể từ năm 2020 cùng với các vệ tinh khác trên tên lửa Falcon 9 của SpaceX.

Kho dữ liệu về vật thể trên quỹ đạo của chính phủ Mỹ chỉ ra SpaceX đã triển khai một số vệ tinh mà cả công ty lẫn chính quyền Biden đều chưa từng thừa nhận. Hai nguồn tin của Reuters xác nhận đó là những vệ tinh nguyên mẫu trong mạng lưới Starshield.

Bộ Quốc phòng Mỹ vốn là khách hàng lớn của SpaceX, từng sử dụng tên lửa Falcon 9 để chuyển các thiết bị quân sự lên vũ trụ. Một nguồn tin cho biết vệ tinh nguyên mẫu đầu tiên của Starshield, phóng năm 2020, là một phần trong hợp đồng riêng trị giá khoảng 200 triệu USD, giúp SpaceX giành được hợp đồng 1,8 tỉ USD sau đó.

Dự án vệ tinh tình báo được cho là một phần trong cuộc cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa Mỹ và các đối thủ để trở thành cường quốc thống trị không gian. Mạng lưới rộng lớn với quỹ đạo tầm thấp có thể cung cấp hình ảnh trên bề mặt Trái Đất nhanh hơn và gần như liên tục, vượt trội hơn các hệ thống vệ tinh do thám trên tàu vũ trụ cồng kềnh, đắt tiền trước đây.

Mạng lưới Starshield không liên quan tới Starlink, gồm hơn 5.500 vệ tinh trong không gian nhằm cung cấp internet cho người tiêu dùng, công ty và cơ quan chính phủ, theo các nguồn tin của Reuters.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/starlink-ra-mat-dich-vu-internet-ve-tinh-o-indonesia-elon-musk-duoc-hoi-ve-kha-nang-dau-tu-cua-tesla-217430.html