Startup IPO, trong 'nguy' có 'cơ'?

Trong mọi bối cảnh kinh tế, buộc các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) có kế hoạch IPO phải linh hoạt để thích ứng với tình hình thị trường. Tuy nhiên, mọi động thái chuẩn bị phải thấy rõ được 'bức tranh lớn' để kịp nắm bắt thời cơ.

Thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) là một cột mốc quan trọng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc IPO đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang là một thách thức, bởi những ràng buộc về pháp lý và cả những vấn đề đến từ nội tại.

IPO là một cột mốc quan trọng đối với mọi doanh nghiệp. Ảnh tư liệu minh họa.

IPO là một cột mốc quan trọng đối với mọi doanh nghiệp. Ảnh tư liệu minh họa.

Năm 2024, quy mô GDP của Việt Nam được IMF dự báo đạt khoảng 465,8 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực, sau các quốc gia như Indonesia (1,47 nghìn tỷ USD), Thái Lan (548,89 tỷ USD), Singapore (525,22 tỷ USD) và Philippines (471,5 tỷ USD). Nếu xét trên toàn thế giới, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2024 sẽ tăng thêm 1 bậc, ở vị trí thứ 34. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người 2023 là 4.284 USD, thuộc nhóm quốc gia thấp.

Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Đối với tổ chức phát hành, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán…

“Nền kinh tế hiện tại có sự tăng trưởng về số học nhưng doanh nghiệp phá sản nhiều, lao động mất việc tăng, cửa hàng bán lẻ gặp khó khăn. Tuy nhiên, cân đối được vĩ mô sẽ thuận lợi hơn cho thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện IPO.” - chuyên gia kinh tế cao cấp, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Theo chuyên gia đầu tư Mr. Marcus Leng, để khơi thông con đường IPO, các doanh nghiệp startup cần đánh giá vị thế của mình trên thị trường, có lộ trình cụ thể để xây dựng doanh nghiệp trở thành “vua” của ngành, đồng thời, xác định tổng số thị trường mà doanh nghiệp có thể tiếp cận được đối với khu vực Việt Nam và các giải pháp xây dựng có giải quyết vấn đề cục bộ chỉ ở Việt Nam hay đủ tầm vươn ra thế giới. Những điều này là tiền để triển khai việc IPO của các doanh nghiệp, mọi thứ phải có cơ sở thiết kế được chứ không ngẫu nhiên.

Nhiều doanh nghiệp khi thành lập đều mong muốn tiến hành IPO để có thể huy động vốn và sánh vai với các doanh nghiệp lớn. Ảnh tư liệu minh họa.

Nhiều doanh nghiệp khi thành lập đều mong muốn tiến hành IPO để có thể huy động vốn và sánh vai với các doanh nghiệp lớn. Ảnh tư liệu minh họa.

Riêng với các startup công nghệ gần đây lo ngại làm thế nào để kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư, trong khi đây là ngành “đốt” rất nhiều tiền mà thời gian đầu không mang lại doanh thu và lợi nhuận ngay. Mr. Marcus Leng cho rằng: “Đầu tiên, cần phải thay đổi suy nghĩ, doanh nghiệp công nghệ không chỉ “đốt” tiền mà họ vẫn có mang về lợi nhuận và tăng trưởng được. Cụ thể, khi nền kinh tế đang tốt vẫn tồn tại rất nhiều tiền dư trong thị trường và nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đổ tiền vào doanh nghiệp công nghệ, với kỳ vọng các doanh nghiệp này sẽ phát triển nhanh nhất bằng việc sử dụng tiền để tìm kiếm được thêm khách hàng, chiếm được nhiều thị phần có thể".

Theo Mr. Marcus Leng, về cơ bản doanh nghiệp công nghệ có thể lỗ trong một năm hoặc nhiều năm đầu nhưng bản chất chính các doanh nghiệp này phải tự thiết kế một mô hình vững trãi để có thể sinh lời thì dòng vốn sẽ dễ dàng được rót vào hơn.

Nói về khẩu vị của các nhà đầu tư, ngoài mô hình kinh doanh, ngoài hoạt động marketing và vận hành … một yếu tố quan trọng khác đó là đội ngũ. Theo ông Csaba Budik - CEO Công ty Tenjin, các nhà đầu tư sẽ khảo sát rất kỹ đội ngũ của dự án là ai từ Founder đến các thành viên khác trong team, về lịch sử, thành tích, con người của họ. Vì con người là nhân tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của dự án. Đặc biệt, mỗi giai đoạn sẽ có những người phù hợp khác nhau.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn khởi nghiệp, các doanh nghiệp có thể cần nhân sự A với năng lực A’ nhưng sau từng vòng gọi vốn và qua từng giai đoạn, cũng như sự tăng trưởng khác nhau mà doanh nghiệp cần tìm được người phù hợp để đáp ứng được mục tiêu doanh nghiệp đặt ra. Do đó, khi kêu gọi vốn, các startup cần chuẩn bị rất kỹ về đội ngũ của mình.

Đánh giá về các vấn đề doanh nghiệp gặp phải và sự thành bại trong hành trình niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Các doanh nghiệp cần luôn có tinh thần học hỏi, cầu thị và không nên chủ quan. Mọi thất bại chưa chắc là do năng lực và năng lực có thể nhờ tới tư vấn từ chuyên gia. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế trước, trong và sau khi lên sàn, phải sàng lọc và nghiên cứu về luật, cũng như tuân thủ hành lang pháp lý của Nhà nước".

Dưới góc nhìn của đơn vị thiết kế lộ trình IPO cho các doanh nghiệp, Chủ tịch Công ty cổ phần Quốc tế MOCAFUND - bà Kiều Thị Thành cho biết: “Đối với các ngành nghề phù hợp để lên sàn chứng khoán, hiện chỉ cấm các hoạt động kinh doanh như buôn bán mại dâm, buôn bán vũ khí, buôn bán chất độc và làm ảnh hưởng tới mạng sống con người... Ngoài ra, các ngành nghề có nhu cầu chính đáng, đáp ứng được nhu cầu xã hội, được người dân ủng hộ và đem lại lợi ích cho cộng đồng thì “một con cừu chết” cũng có thể lên sàn”.

Theo bà Kiều Thị Thành, điều quan trọng, doanh nghiệp cần phải hiểu mục đích của việc IPO, IPO không chỉ là 1 trong những đích đến, mà còn thể hiện trạng thái của doanh nghiệp, là cuộc chơi về thiết kế giá trị và tính thanh khoản.

Bà Kiều Thị Thành nhận định: “Thị trường chứng khoán của Việt Nam chậm 30 năm so với Thái Lan và Singapore. Trong nguy có cơ, chính vì chậm như vậy nên Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư đổ về. Số lượng công ty được thiết kế niêm yết bài bản chưa tới 1%. Nếu 10 năm nữa các doanh nghiệp tái cấu trúc muộn thì vốn bão hòa nên thời điểm tốt nhất để tái cấu trúc là 5 năm trước đây và ngay bây giờ”.

Gia Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/startup-ipo-trong-nguy-co-co-153365.html