Startup sẽ khó gọi vốn nếu thiếu yếu tố 'xanh'

Nhiều quỹ tư nhân hiện diện tại Việt Nam đang có yêu cầu cao về chuẩn ESG, đồng nghĩa startup nào làm tốt và có cam kết xanh hóa sẽ được rót thêm vốn đầu tư, ngược lại sẽ bị rút dần vốn ra khỏi công ty.

Nhằm hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 (net zero) của Việt Nam vào năm 2050, các doanh nghiệp "xanh" đã và đang đóng vai trò quan trọng. Khởi nghiệp xanh vì vậy cũng nhận được nhiều sự quan tâm hơn các lĩnh vực khác.

Thành lập năm 2022, Buyo Bioplastics hướng đến giải quyết vấn đề rác thải nhựa toàn cầu: sử dụng các kỹ thuật tiên tiến để biến chất thải sinh học trong sản xuất nông nghiệp như bã hèm, bã mía… thành nhựa có khả năng phân hủy sinh học trong vòng một năm.

Sản phẩm có khả năng phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên và an toàn cho sức khỏe, có tính chất vượt trội và giảm thiểu phát thải carbon. Buyo hiện phục vụ khách hàng tại các thị trường như châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ. Startup này vừa qua đã đạt giải quán quân của cuộc thi Techfest Việt Nam 2023.

Trước Buyo Bioplastics, Equo được sáng lập bởi Marina Trần Vũ năm 2020, cung cấp các giải pháp 100% không chứa nhựa và có thể phân hủy hoàn toàn từ cà phê, dừa và mía, thay thế cho nhựa sử dụng một lần.

Các sản phẩm của Equo hiện được phân phối trên Amazon ở Mỹ, Canada và Úc; trang web của Equo; trang web bán sỉ Faire; các cơ sở và nhà bán lẻ F&B tại Việt Nam, Singapore và Châu Âu.

Năm ngoái, Equo huy động 1,3 triệu USD vòng hạt giống, dẫn đầu bởi NextGen Ventures với sự tham gia của Techstars, East Ventures và vận động viên Michelle Wie-West.

Trên thực tế, môi trường xanh, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đã và đang trở thành xu hướng được ưu tiên đầu tư của các nhà đầu tư toàn cầu.

Startup Equo huy động được 1,3 triệu USD vòng hạt giống

Startup Equo huy động được 1,3 triệu USD vòng hạt giống

Theo "Khảo sát các nhà đầu tư toàn cầu" của PwC, hơn 75% nhà đầu tư khẳng định cân nhắc về tiềm năng hoặc ra quyết định đầu tư cho các doanh nghiệp tập trung vào tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Báo cáo cũng chỉ ra rằng startup xanh đang là trọng tâm, xu hướng được ưu tiên đầu tư của các nhà đầu tư toàn cầu.

Đồng quan điểm, phía VinaCapital cho rằng, nhiều ngân hàng và các quỹ đầu tư quốc tế hiện nay đều có chung nhận định là bộ tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định đầu tư của họ.

Điều đó có nghĩa là, trong thời gian sắp tới, các dự án và doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn ESG sẽ rất khó để tiếp cận nguồn vốn. Hơn nữa, người tiêu dùng ngày càng muốn tiêu thụ sản phẩm từ các công ty phát triển bền vững và minh bạch

Gần đây, VinaCapital đã thành lập quỹ đầu tư tác động VinaCarbon, chuyên đầu tư vào các công ty và dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon. Quỹ VinaCarbon sẽ đầu tư vào các công ty và dự án có thể tạo ra các tín chỉ carbon.

Một tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn khí thải nhà kính được cắt giảm. Đây là một loại hình đầu tư đầu tiên ở Việt Nam, trên thế giới cũng đã có những mô hình tương tự ở các nước phát triển.

Đại diện VinaCapital nhấn mạnh, nhiều quỹ đầu tư, ngân hàng đều muốn đầu tư vào những doanh nghiệp có chiến lược phát triển xanh.

"Đây là nguồn vốn dài hạn với lãi suất thấp hơn. VinaCapital cũng yêu cầu về chuẩn ESG, công ty nào tốt sẽ rót thêm vốn đầu tư, ngược lại sẽ rút dần vốn ra khỏi công ty. Như vậy, luôn có nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư vào doanh nghiệp phát triển xanh", ông Don Lam - CEO và cổ đông sáng lập VinaCapital chia sẻ.

Ông Don Lam - CEO và cổ đông sáng lập VinaCapital

Ông Don Lam - CEO và cổ đông sáng lập VinaCapital

Tương tự, đại diện quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Việt Nam là Asia Business Builders (ABB) cũng tin rằng, ESG sẽ sớm trở thành tiêu chuẩn chung của hoạt động đầu tư, góp vốn tại Việt Nam.

Theo vị đại diện này, ESG từ lâu đã là tiêu chuẩn chọn lựa đối tác của các quỹ đầu tư tư nhân, đến nay đã trở thành tiêu chuẩn công khai trên toàn cầu.

"Từ những năm 2005, 2006, khi các tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam nhận vốn ngoại đã phải cam kết các tiêu chuẩn về ESG. Tới đây, khi ESG trở thành một tiêu chuẩn chung, doanh nghiệp nếu không chú trọng đến yếu tố "xanh" sẽ khó để tiếp cận nguồn vốn, cũng như tín dụng quốc tế", đại diện ABB nói.

ABB vừa qua đã hoàn thành đợt huy động vốn đầu tiên trị giá lên tới 62 triệu USD cho quỹ thứ hai, và hướng tới mục tiêu huy động vốn 100 triệu USD.

Từ cuối năm nay, quỹ ABB II sẽ bắt đầu giải ngân, cũng như đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa niêm yết và có tiềm năng tăng trưởng cao tại Việt Nam.

"ABB hứng thú với nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Nhưng loại trừ hai ngành nghề không phù hợp với tiêu chí của quỹ là bất động sản và nông nghiệp", vị đại diện tiết lộ.

Năm nay, các đối tác nước ngoài đã mua cổ phần tại hai công ty nằm trong danh mục đầu tư của ABB. Công ty giáo dục Nhật Bản Gakken Holdings đã mua 35% cổ phần trong nhà xuất bản sách giáo khoa DTP Education Solutions, được báo cáo là trị giá vài tỷ yên.

Dongwha Pharmaceutical của Hàn Quốc đã mua 51% cổ phần tại Trung Sơn Pharma với giá 39,12 tỷ won (30,2 triệu USD).

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/startup-se-kho-goi-von-neu-thieu-yeu-to-xanh-1701077867792.htm