Startup: Thích ứng để tồn tại
Công ty CP Emmay thành lập từ năm 2017, với thương hiệu Nấm Tươi Cười chuyên sản xuất thực phẩm chế biến ăn liền từ các loại nấm. Cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhưng Nấm Tươi Cười đã thích ứng nhanh để có cơ hội tiếp cận thị trường mới.
Thực phẩm chay dần đi vào đời sống
Khách hàng của Nấm Tươi Cười là những người dân thành thị, có thu nhập cao, với tỉ lệ nữ giới mua hàng là 85%. Đến nay, Nấm Tươi Cười đã có xấp xỉ 1 triệu sản phẩm được bán ra thị trường. Công ty đã và đang thiết lập được 230 điểm bán lẻ, 7 nhà phân phối, và dữ liệu của 800 người tiêu dùng.
Nấm Tươi Cười có chiến lược kênh phân phối theo hai hướng B2B và B2C theo cả hướng online và offline. B2B dự án sẽ triển khai phủ toàn bộ kênh MT trước sau đó phủ tiếp nốt toàn bộ các kênh còn lại: kênh chuỗi đại siêu thị như Co.opmart, Lotte, Aeon ... kênh chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng tiện ích như Circle K, seven Eleven... Các sản phẩm của Emmay hiện đang phân phối tại các siêu thị lớn như Aeon Mall, Saigon Coop hay BigC... Các điểm bán thực phẩm sạch, công ty mới chỉ phân phối tại khoảng 200 điểm do nguồn lực còn hạn chế. Trong đó, Emmay có 80% doanh thu từ việc bán sỉ ở các nhà phân phối và kênh siêu thị. Đối với khách sỉ, họ mua 1-2 đơn hàng/lần, còn các khách hàng lẻ tập trung bán trên fanpage, trang thương mại điện tử, bán hàng online.
Công ty đã cho ra đời các dòng sản phẩm là thịt thực vật và thực phẩm chế biến từ protein nấm, được sử dụng tương tự như đồ chay. Thị trường mà doanh nghiệp này nhắm đến ngoài người ăn chay thì có người đang ăn kiêng, người đang quan tâm tới sức khỏe và môi trường với độ tuổi từ 20 đến 55.
Theo bà Phạm Vân – CEO của Nấm Tươi Cười: Giai đoạn này vẫn đang là thời điểm sơ khai cho thực phẩm thay thế thịt động vật. Vì vậy, giá thành sản phẩm của công ty đắt hơn từ 50% đến 70% so với thịt động vật thông thường. Đơn cử như giá thành một túi 200gram thịt thực vật là 130.000 đồng. Tuy nhiên, ở một thời điểm nhất định, khi quy mô sản xuất và độ phổ cập của sản phẩm tăng lên thì giá bán của sản phẩm sẽ dần giảm xuống. Đồng thời, chính thức tung ra thị trường sản phẩm thực vật thay thế thịt động vật tại Việt Nam cũng như các thị trường Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như đạt ít nhất 1.000 điểm bán.
Thay đổi linh hoạt để phát triển
Đại dịch Covid-19 đã và đang buộc các doanh nghiệp nói chung cũng như cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam nói riêng phải chủ động hơn về đổi mới sáng tạo để bứt phá vươn lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau Covid-19 tình hình thực tế tại Việt Nam sẽ khác trước, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngoại trong ngắn hạn, các nhà đầu tư kỹ tính hơn, tuy nhiên những startup linh hoạt chuyển đổi sẽ có cơ hội mới. Cũng chính tình hình Covid-19 kéo dài, Emmay rất khó huy động và tiếp cận các nguồn vốn. Việc nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất cũng bị trì hoãn khiến công ty bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển kinh doanh do quy mô sản xuất hiện tại không đủ cung cấp cho các đơn hàng lớn.
Song, trong quá trình tìm kiếm sự hướng dẫn cho công ty trong giai đoạn chuyển đổi từ một doanh nghiệp nhỏ thành một doanh nghiệp lớn, CEO Phạm Vân đã đăng ký tham gia WISE Accelerator – chương trình trình tập trung vào việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp do phụ nữ lãnh đạo với mục tiêu mở rộng ra toàn cầu. Kể từ đó, Emmay đã nhận được nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau để giúp doanh nghiệp sẵn sàng cho quá trình gây quỹ và phát triển.
Khi tham gia WISE Accelerator Vân được kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng thông qua hình thức kết hợp đầu tư. Kết nối Emmay với một nền tảng mạo hiểm hỗ trợ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ đang giải quyết các vấn đề lớn mà còn tồn đọng của Châu Á Thái Bình Dương.
Giữa năm 2021, thông qua sự kiện Virtual Investment Day do Quỹ ThinkZone tổ chức trên nền tảng trực tuyến Zoom, Emmay đã kêu gọi đầu tư mạo hiểm với số vốn ít nhất 1,5 triệu USD. Với số vốn này, Emamy sẽ dồn lực vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), cải thiện máy móc, rồi sau đó đầu tư vào bán hàng, marketing, thuê nhân sự để vận hành trơn tru và mở rộng thị trường. Trong tương lai, doanh nghiệp này kỳ vọng trong hai năm tới có thể nâng doanh số lên 4,5 triệu USD.
Đánh giá về sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho biết: Trong bối cảnh Covid-19 lan tràn và kéo dài, có rất nhiều đợt sóng lên-xuống, thì tất cả những bạn trẻ khởi nghiệp của các nước trên toàn cầu đều bị ảnh hưởng. Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động đó. Mặc dù chúng ta không có điều kiện gặp trực tiếp để gọi vốn, tổ chức các sự kiện đông người nhưng chúng ta đã phát huy tối đa khả năng kết nối trực tuyến. Vì vậy, năm 2021 số vốn đầu tư mạo hiểm dành cho khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã tăng vọt. Điều này cho thấy sự năng động, chuyển mình rất nhanh, không chỉ là chống chịu mà sự bứt phá vươn lên của startup Việt là rất tốt. Vì thế, các bạn trẻ Việt Nam cần phát huy sự năng động và lắng nghe hơi thở của thị trường, lắng nghe nhu cầu của cuộc sống và mối quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và như vậy chúng ta sẽ vượt lên được chính mình.
Thực hiện Ðề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” tại Quyết định số 844/QÐ-TTg (Ðề án 844) nhằm phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với vai trò cầu nối, Báo Công Thương đã và đang tích cực hỗ trợ, kết nối, góp phần đem lại hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/startup-thich-ung-de-ton-tai-172301.html