Startup Việt lội ngược dòng trong gọi vốn cổ phần
Trong tháng 2-2025, Techcoop đã giành vị trí hàng đầu, Mirai Labs xếp hạng thứ sáu trong Top 10 các thương vụ gọi vốn cổ phần ở Đông Nam Á, theo hãng dữ liệu Tracxn. Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào khi các startup Việt Nam thường xếp sau các startup trong khu vực, nhất là Singapore và Indonesia, về giá trị từng thương vụ và tổng giá trị các thương vụ gọi vốn cổ phần, cũng như mạo hiểm?
Tracxn nói các startup Đông Nam Á chỉ gọi được 92,9 triệu đô la Mỹ vốn cổ phần tư nhân trong tháng 2-2025, giảm 86,56% so với con số 691 triệu đô la của tháng 1-2025 vừa rồi và 69,03% so với con số 300 triệu đô la của tháng 2-2024. Các chuyên gia chỉ ra ba nguyên nhân chính như sau: tình hình kinh tế toàn cầu không ổn định, nhà đầu tư chuyển sang các mục tiêu ưu tiên khác, và sự cạnh tranh mãnh liệt để thu hút vốn toàn cầu.
Giới thiệu sản phẩm công nghệ mới
Tháng 2 vừa rồi, Techcoop thông báo gọi thành công vòng vốn series A trị giá 70 triệu đô la, bao gồm vốn cổ phần 28 triệu đô la và vốn vay (nợ) 42 triệu đô la.
Với 28 triệu đô la, Techcoop đứng đầu trong bảng xếp hạng Top 10 các startup gọi vốn P.E. hàng đầu ở Đông Nam Á của hãng dữ liệu Tracxn, đứng trên hai startup Finmo (gọi được vốn cổ phần 18,5 triệu đô la) và fileAI (14 triệu đô la) đều của Singapore.

Diệp Thị Mỹ Hảo cùng hai nhà đồng sáng lập của Techcoop với nền tảng công nghệ - nông nghiệp đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Ảnh: Techcoop
Vòng gọi vốn series A của Techcoop do hai quỹ TNB Aura từ Singapore và Ascend Vietnam Ventures của Việt Nam dẫn dắt, với sự tham gia của các ngân hàng trong nước và quỹ quốc tế. TNB và Ascend cũng là hai quỹ đã đầu tư 5 triệu đô la vào Techcoop trong vòng hạt giống tháng 3-2024.
Đây là khoản đầu tư series A lớn nhất vào lĩnh vực công nghệ nông nghiệp Đông Nam Á từ trước đến nay. Eddie Thai, đại diện của Ascend, nói rằng khoản đầu tư này không chỉ là một trong những vòng gọi vốn series A lớn nhất của một startup Việt Nam, mà còn phản ánh “niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển bền vững của công nghệ nông nghiệp Việt Nam”.
Bà Diệp Thị Mỹ Hảo, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Techcoop, nói rằng khoản tiền mới sẽ giúp startup tăng tốc trong phát triển và mở rộng hạ tầng công nghệ, thúc đẩy số hóa chuỗi cung ứng nông nghiệp và tăng cường khả năng xuất khẩu.
Techcoop là một trong số ít nền tảng công nghệ tại Việt Nam giải quyết được các vấn đề lớn về thanh toán trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ thông qua các giải pháp bảo hiểm khí hậu. Nền tảng B2B giúp doanh nghiệp và nông dân tiếp cận công nghệ, cải thiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tăng cường tài chính và mở rộng thị trường xuất khẩu. Công ty tập trung vào các nhóm cây trồng có giá trị cao như hạt điều, dừa, cà phê, trái cây và rau quả tươi.
Startup cũng chú trọng các giải pháp bền vững nhiều mặt. Với tài chính dành cho các nguồn vật tư nông nghiệp như phân bón, giống, nông cụ hay thiết bị, Techcoop cung cấp các kế hoạch vay trong 3-6 tháng. Còn với nguồn ra nông sản, startup sẽ thanh toán trong vòng 30-60 ngày.

Nhóm kỹ sư trẻ của Mirai Labs - startup công nghệ Blockchain cho trò chơi điện tử, tiền mã hóa và Web3 có văn phòng tại TPHCM và Hà Nội. Ảnh: Mirai Labs
CEO Diệp Thị Mỹ Hảo nói rằng công ty đã thiết kế chính sách tín dụng ưu tiên cho các cá nhân hay doanh nghiệp tạo tác động ESG (môi trường, xã hội và quản trị), chiếm 10-20% điểm tín dụng. Cách này khuyến khích nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp ứng dụng các phương thức canh tác bền vững.
Techcoop cũng phối hợp với BlueOrchard - hãng quản lý tài sản toàn cầu có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ, chuyên về đầu tư tạo tác động - hình thành chương trình bảo hiểm theo các thông số thời tiết nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân trước các biến đổi thời tiết thất thường. Chẳng hạn như hạn hán, hạn mặn hay mưa quá mức… có thể gây hại cho mùa màng. Ông Mahesh Joshi, Trưởng phòng Đầu tư vốn tư nhân châu Á thuộc BlueOrchard - một trong những bên góp vốn - nói rằng Techcoop là nền tảng công nghệ nông nghiệp tiên phong trong khu vực khi giải quyết các thách thức của phát triển bền vững.
Xu hướng đang tiếp tục là đầu tư cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo. Mô thức đầu tư theo lăng kính giới (GLI) có thể trở thành chiến lược nổi bật trong tương lai, bên cạnh các yếu tố khác của phát triển bền vững.
Thành lập vào cuối năm 2022 với trụ sở đặt ở thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM, Techcoop đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, với lợi nhuận tăng trưởng 10% mỗi tháng. Công ty dự báo sẽ đạt doanh thu 250 triệu đô la trong năm 2025 từ con số 130 triệu đô la của năm 2024, và đạt 400 triệu đô la vào năm 2026.
Mục tiêu của Techcoop là hỗ trợ 2.000 doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa, hơn 50.000 câu lạc bộ nông dân, và 10 triệu nông hộ trong chuỗi cung ứng nông nghiệp.
Cũng trong tháng 2-2025, Mirai Labs - startup phát triển công nghệ blockchain, tiền mã hóa và Web3 có trụ sở tại TPHCM và Hà Nội - đã hoàn tất vòng gọi vốn hạt giống với 4 triệu đô la. Tracxn đã xếp Mirai Labs đứng hạng 6/10 trong các vụ gọi vốn cổ phần lớn nhất ASEAN trong tháng 2-2025.
Với nguồn vốn mới, nhà sáng lập kiêm CEO Corey Wilton của Mirai Labs dự định sẽ tuyển thêm kỹ sư, đặc biệt là những người có chuyên môn về AI, học máy và ngôn ngữ lập trình Rust, nhằm thúc đẩy việc phát triển Partnr. Đây là ứng dụng sử dụng các tác nhân hay công cụ AI để tự động hóa các tác vụ tiền điện tử cho người dùng cuối, bao gồm cả việc quản lý ví và thích ứng với nhu cầu cá nhân theo thời gian thực.
Các xu hướng nổi bật của khởi nghiệp Đông Nam Á năm 2025
Công nghệ tài chính (FinTech) là ngành nhận được nhiều tài trợ nhất ở Đông Nam Á trong nhiều năm, dẫn đầu về số lượng và giao dịch vốn chủ sở hữu trong năm 2024.
Vì vậy, theo Tech Collective Southeast Asia, đầu tư vào FinTech vẫn là xu hướng nổi bật, dễ thấy nhất ở ASEAN trong năm 2025. Các giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) và các sản phẩm tài chính tích hợp (hay tài chính nhúng) hay các giải pháp quản lý tài chính sẽ là nét chủ đạo.
Theo nghiên cứu công bố vào tháng 2-2025 của Syfe, nền tảng tiết kiệm và đầu tư hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương, cho thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong việc quản lý dòng tiền. Tại Singapore, khảo sát của Syfe cho thấy các doanh nghiệp Singapore dự kiến mất đi khoảng 800 triệu đô la Singapore tiền lãi do không tối ưu hóa được nguồn tiền mặt, nếu đem gửi tiết kiệm. Syfe cũng nói rằng một số công ty có ít hơn 11 tháng dự trữ tiền mặt để duy trì hoạt động trong những giai đoạn khó khăn.
Tiền mã hóa hay tiền điện tử dự kiến sẽ phát triển mạnh ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2025 do các chính sách mới của Tổng thống Donald Trump.
Nhà đầu tư cũng vì thế quan tâm hơn đến việc đầu tư cho AI để chống gian lận trong FinTech.
Kế đến là chính sách hỗ trợ startup của các chính phủ. Singapore vẫn là nơi có nhiều chính sách hỗ trợ và vì thế sẽ thu hút vốn nhiều nhất. Indonesia lập quỹ Daya Anagata Nusantara Indonesia (hay Danantara Indonesia) có số vốn đến 20 tỉ đô la, với đầu tư tập trung cho AI, FinTech, công nghệ sâu… Malaysia sẽ tập trung nguồn vốn từ quỹ hưu trí Employees Provident Fund, quỹ đầu tư quốc gia Khazanah Nasional và Công ty quản lý đầu tư Permodalan Nasional Berhad để có thêm 120 tỉ ringgit (27 tỉ đô la) cho các công ty tư nhân, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp, trong năm năm tới…
Cuối cùng, xu hướng đang tiếp tục là đầu tư cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo. Mô thức đầu tư theo lăng kính giới (GLI) có thể trở thành chiến lược nổi bật trong tương lai, bên cạnh các yếu tố khác của phát triển bền vững.
Trở lại câu chuyện của Teechcoop và Mirai Labs. Hai startup thể hiện sức cạnh tranh và thu hút vốn qua công nghệ mới. Đó là FinTech, Blockchain, Web3 và tiền mã hóa…
“Tuy vậy, tiếp tục tăng trưởng bền vững trong khi vẫn quản lý được các rủi ro tài chính và thích ứng với sự phát triển của thị trường và nhu cầu khách hàng là hai thách thức cần được chú trọng trong giai đoạn sắp tới”, CEO Teechcoop khẳng định.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/startup-viet-loi-nguoc-dong-trong-goi-von-co-phan/