STEM - 'cú hích' đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

Giáo dục STEM trong trường học góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn.

Học sinh thành phố Bắc Giang giới thiệu sản phẩm STEM.

Học sinh thành phố Bắc Giang giới thiệu sản phẩm STEM.

Ngày 21/3, tại Bắc Giang, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo "Nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông". Hội thảo nằm trong khuôn khổ Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia học sinh trung học lần thứ 12, năm học 2023 - 2024 do Bộ GDĐT phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng và đại biểu dự hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng và đại biểu dự hội thảo.

Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng; ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GDĐT; ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang; cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT các tỉnh, thành và thầy cô giáo đến từ 74 đơn vị về dự Cuộc thi.

Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo, lãnh đạo, quan tâm bằng các văn bản rất cụ thể về thí điểm triển khai, triển khai dạy học STEM tại các nhà trường. Do đó, hội thảo là nơi để các nhà trường, giáo viên nêu lên những thuận lợi, vướng mắc, trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD&ĐT cho biết, giáo dục STEM trong các trường trung học đã mang lại những kết quả quan trọng góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đồng thời, STEM đã phát huy tính tích cực, sáng tạo và tự chủ của học sinh. Đồng thời hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho HS, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GDPT.

Theo Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành, số lượng các trường triển khai bài dạy STEM tăng so với thống kê tại Hội nghị năm 2021, 2022 và 2023 của Bộ GD&ĐT, song hành với việc đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường. Các tổ/nhóm chuyên môn xây dựng các chủ đề dạy học STEM, dạy học tích hợp liên môn, dạy học qua nghiên cứu bài học và đưa vào kế hoạch giáo dục của tổ/nhóm ngay từ đầu năm học được triển khai thực hiện ở tất cả các trường trung học. Thống kê năm học 2022 -2023 có 75.478 lượt bài dạy STEM đã và đang được triển khai tại các cơ sở giáo dục trung học trên cả nước.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Thành cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong việc xây dựng và thực hiện bài học STEM như: Học sinh tham nhiều ở thực nghiệm, việc thiết kế, xây dựng phương án thí nghiệm giải quyết vấn đề còn hạn chế. Học sinh chưa nhiều cơ hội để áp dụng kiến thức đã học từ chương trình môn học giải quyết các tình huống trong thực tiễn. Ngoài ra, phần lớn các bài học là STEM kỹ thuật, chế tạo dụng cụ, bài học STEM chưa được triển khai.

Để nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho rằng, các đơn vị cần triển khai tốt chương trình GDPT 2018, áp dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực; làm tốt vai trò tổ chức, kiểm tra , định hướng hoạt động học của học sinh trong tiến trình bài dạy STEM. Đồng thời xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường có định hướng rõ "địa chỉ" chủ đề có thể tổ chức bài học STEM để thực hiện, trong đó lưu ý sử dụng các thiết bị dạy học hiện có để giao cho học sinh thực hiện theo tiến trình STEM.

Góp phần đổi mới giáo dục

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Sở GD&ĐT Bắc Giang nhấn mạnh, giáo dục STEM là một nhiệm vụ góp phần thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo 100% các đơn vị triển khai thực hiện giáo dục STEM theo cả 3 hình thức: bài học STEM, trải nghiệm STEM và đề tài/dự án khoa học. Trong quá trình xây dựng bài học STEM, giáo viên thực hiện đúng quy trình 8 bước.

Đại diện ngành GD&ĐT Bắc Giang tham luận.

Đại diện ngành GD&ĐT Bắc Giang tham luận.

Tại Bắc Giang, với giáo dục tiểu học, năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên triển khai thực hiện giáo dục STEM, mỗi phòng GD&ĐT lựa chọn 5 trường tiểu học làm thí điểm triển khai giáo dục STEM. Từ học kỳ I năm học 2023-2024 triển khai mở rộng 100 trường tiểu học trong tỉnh; học kỳ II nhân rộng 100% trường tiểu học trong toàn tỉnh.

Với giáo dục trung học, năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên triển khai giáo dục STEM, số bài học STEM được triển khai là 768. Năm học 2021 - 2022, số bài học STEM được triển khai thực hiện là 1.241 bài và đến năm học 2022 - 2023, số bài học STEM được triển khai thực hiện là 1.885 bài.

"Nhiều giáo viên tâm huyết với việc xây dựng, thiết kế bài học STEM được công nhận sáng kiến có cơ sở và có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng. Điển hình như: Tổ chức hoạt động dạy học một số kiến thức về nguồn điện xoay chiều theo định hướng giáo dục STEM cho học sinh THPT; Xây dựng các dự án STEM cho chuyên đề hóa học trong việc phòng chống cháy nổ góp phần nâng cao vai trò công tác phòng chống cháy nổ trong đời sống....", đại diện Sở GD&ĐT Bắc Giang thông tin.

Thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo mỗi cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm học, tổ chức phát động phong trào, vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn để xây dựng các chủ đề/bài học STEM phù hợp với kế hoạch giáo dục nhà trường và cuối năm tổng kết, đánh giá việc thực hiện giáo dục STEM của đơn vị.

Ý kiến tham luận tại hội thảo.

Ý kiến tham luận tại hội thảo.

Góp ý giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục STEM, đại diện ngành GD&ĐT Đắk Lắk lưu ý tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về giáo dục STEM.

“Tăng cường công tác truyền thông về ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục STEM đối với đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT nói chung, thực hiện CTGDPT 2018 nói riêng…”, đại diện ngành GDĐT Đắk Lắk nhấn mạnh. Đồng tình với các giải pháp trên, đại diện ngành GD&ĐT tỉnh Lào Cai thì trăn trở về bài học STEM, trong đó lưu ý công tác tập huấn, sắp xếp lại chương trình, tiết học, định hướng cho học sinh với bài học STEM.

Học sinh là chủ thể trong giáo dục STEM

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao công tác chuẩn bị, nghiêm túc, trách nhiệm với báo cáo của Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD&ĐT cũng như các ý kiến phát biểu của chuyên gia, ngành giáo dục các địa phương, thầy cô giáo trong việc đánh giá, vai trò, ý nghĩa của giáo dục STEM trong việc hình thành phẩm chất năng lực đổi mới phương pháp dạy và học ở phổ thông.

Ngoài ưu điểm, hạn chế trong báo cáo cùng tham luận, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, cần bổ sung sự quan tâm vào cuộc của cán bộ quản lý, giáo viên cũng là thuận lợi. Đối với nhà giáo, ngành giáo dục là tinh thần chủ động sáng tạo luôn luôn đi trước mở đường mặc dù khó khăn, nhiều thầy cô gặp trở ngại (chủ quan, khách quan).

Trong đào tạo nguồn nhân lực, mô hình STEM trong giáo dục sẽ hình thành một nguồn nhân lực tương lai của đất nước, chủ động thích ứng nhanh với cuộc sống, tự tin nhận diện được vấn đề và có khả năng giải quyết vấn đề trong khả năng của mình…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh là không tuyệt đối hóa, trong giáo dục toàn diện không phải STEM là tất cả mà còn nhiều bộ môn khác.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng (ngồi giữa) trao đổi, giải đáp nhiều nội dung thầy cô, chuyên gia quan tâm tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng (ngồi giữa) trao đổi, giải đáp nhiều nội dung thầy cô, chuyên gia quan tâm tại hội thảo.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý, tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh, tổ chức cá nhân liên quan về giáo dục STEM. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý, khoa học công nghệ, Toán học phổ thông, không phải khoa học công nghệ, toán học bác học, nó phải phù hợp lứa tuổi, mục tiêu, thầy cô định hướng truyền lửa, khơi gợi hướng dẫn, học sinh phải là chủ thể trong nghiên cứu khoa học làm ra sản phẩm STEM.

“Học sinh phải tự làm được, những dự án đó, bài học đó phải dễ làm, dễ thực hiện, phù hợp lứa tuổi, đặc điểm của học sinh nhà trường. Đồng thời, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có của nhà trường; cấp ủy, nhà trường tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị...”, Thứ trưởng chia sẻ.

Nhiều ý kiến tham luận được giáo viên, cán bộ quản lý đóng góp tại hội thảo.

Nhiều ý kiến tham luận được giáo viên, cán bộ quản lý đóng góp tại hội thảo.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng giao Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) tiếp thu ý kiến tham luận, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng một số nội dung chuyên đề bồi dưỡng giáo viên cốt cán, tập huấn; tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn; nghiên cứu có tổng kết đánh giá triển khai chương trình giáo dục STEM hiệu quả, hạn chế, đặc biệt bàn những giải pháp căn cơ…

Đối với các Sở, trường bám sát văn bản của Bộ GD&ĐT, triển khai giáo dục STEM với tinh thần sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương. Xác định STEM là nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục phổ thông, và góp phần thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục chủ động tập huấn trao đổi và tổ chức nhiều hơn các hội thảo để trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy theo dõi kiểm tra đánh giá quá trình triển khai thực hiện STEM tại đơn vị, địa phương.

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/stem-cu-hich-doi-moi-nang-cao-chat-luong-giao-duc-post676203.html