Strasbourg: Mùa Noel năm đó

Nhiều năm trước, từng tới Strasbourg nhân mùa Noel, và thấy thành phố này quả thật xứng đáng với tên gọi 'Capitale de Noel'. Hẳn không nhiều người biết Strasbourg của Pháp là 'Kinh đô của Giáng sinh'.

Cổng chào Giáng sinh ở Strasbourg. Ảnh: Lữ Nhất Phương

Strasbourg tổ chức khá nhiều khu chợ Giáng sinh. Người dân nơi đây, gốc Đức, nên gọi đó là Christkindelsmärik. Chợ Giáng sinh được tổ chức lần đầu tiên ở Strasbourg vào năm 1570. Sau đó, thêm nhiều chợ nữa được mở vào dịp này, rải rác khắp thành phố, khó lòng mà đi hết. Từ hơn 20 năm trước, đã có đến cả 10 khu chợ Giáng sinh như thế rồi.

Trung tâm của Strasbourg thì có quảng trường Kléber được cho là địa điểm tổ chức chợ Giáng sinh lâu đời nhất. Hàng năm, cứ đến cuối tháng 11 là chợ được mở ở đây, kéo dài cho đến gần cuối tháng 12. Dễ hiểu mà, giống như mùa Trung thu ở Việt Nam, cũng kéo dài cả tháng, chủ yếu để bán bánh một mùa, ăn cả năm!

Đẹp như tranh vẽ

Từ tiền sảnh của Nhà thờ Đức bà Strasbourg, ánh sáng và bầu không khí khiến chúng tôi nhớ những mùa Giáng sinh của những tháng năm còn nhỏ dại.

Hồi ấy, ở Đà Nẵng trên đường Độc Lập, nhà thờ trăm năm – “nhà thờ con gà” (do gắn một con gà trống trên nóc), thanh thiếu niên chúng tôi tụ tập xem người, xem hang đá, máng cỏ để dọc tường nhà thờ với Chúa hài đồng, ông bà Joseph, Marie đứng lúi húi bên cạnh, cùng các mục đồng với bò, lừa vây quanh. Sau đó, nhảy lên xe gắn máy, rồ ga chạy khắp những con đường, chủ yếu của trung tâm thành phố cho đến khuya thì quay lại khu nhà thờ. Giáng sinh không còn là lễ kỷ niệm mang màu sắc tôn giáo đơn thuần.

Trong khi hàng ngàn giáo dân tụ về sân trước nhà thờ cầu nguyện, lũ chúng tôi, không theo đạo, cũng nguyện cầu những điều tốt đẹp nhất cho mình, gia đình mình và bạn bè…

Từ nhà thờ Đức bà Strasbourg, chúng tôi lần theo những con đường thuộc khu trung tâm, có dịp chiêm ngưỡng, trầm trồ trước những đồ trang trí Giáng sinh từ đèn nhấp nha, nhấp nháy ngoài đường, rồi trong các cửa hàng có đến hằng hà sa số những vật dụng khác, chỉ đến mùa Noel mới xuất hiện – dùng để treo cây thông, chẳng hạn – như chuông vàng hoặc đỏ, dây kim tuyến, bông tuyết, ruy băng, quả châu, vòng nguyệt quế, trái thông khô… và thiệp giáng sinh. Hình như, thời đại dù thay đổi, thiệp giáng sinh nhỏ nhắn với những lời chúc ý nghĩa luôn là quà được nhiều người ưa thích.

Hầu như cửa hàng nào ở khu trung tâm Strasbourg, ở ngoài cửa ra vào, cũng đều treo vòng lá mùa vọng – một vòng tròn kết bằng những cành lá thông xanh, kiểu xưa thì với bốn cây nến; kiểu nay, giản tiện hơn, với những quả cầu trang trí xanh, đỏ, tím, vàng. Ngược dòng lịch sử, tục lệ treo vòng lá mùa vọng đã xuất hiện từ thế kỷ 16 ở châu Âu, nói lên sự đấu tranh giữa ánh sáng và bóng tối; nến sẽ được đốt lên bốn tuần trước Giáng sinh, mỗi chủ nhật một cây.

Dọc tường thì thêm tiểu cảnh gồm cây thông nhỏ, máng cỏ… cũng nhỏ với những dải đèn xanh, đỏ, tím, vàng. Thỉnh thoảng, lại thấy ông già Noel cùng chiếc xe do tuần lộc kéo leo lên trên bảng hiệu một cửa hàng. Đương nhiên, không thể thiếu những cây thông lớn như vừa mới chặt ra từ rừng, thơm mùi nhựa, được dựng bên tường, trước cửa nhà. Chờ khách!

Nhà thờ nhiều người viếng

Nhà thờ Đức bà Strasbourg có cả hội đoàn ái hữu cùng bảo tàng đã góp công góp của bảo vệ nhà thờ, ngay từ cuối thế kỷ thứ 18. Đó là một công trình theo phong cách gô tích, với đặc trưng mái kiểu vòm với cột đầu nhọn, không gian bên trong rộng lớn, trần cao, cột mảnh và nhiều kính lấy sáng.

Một chút tư liệu để biết thêm về nhà thờ Đức bà Strasbourg. Được xây dựng trong thế kỷ thứ 11 trên phế tích của một nhà thờ khác; đến năm 1220, nhà thờ Đức bà Strasbourg lại được “làm mới” theo kiến trúc gô tích, nhưng việc xây dựng kéo dài đến… năm 1365 mới xong. Nhà thờ cũng chỉ xây được đúng một tháp chuông cao 142 mét, thuộc loại cao nhất thế giới, trông rất mất cân xứng, không hài hòa, nếu so với những nhà thờ đủ hai tháp chuông như nhà thờ Đức bà Sài Gòn.

Theo lời giới thiệu của trang mạng rue89strasbourg.com, đồng hồ được “xây dựng” vào thế kỷ 16 và đã qua nhiều lần cải tạo, gần đây nhất là trong thế kỷ 19. Cơ chế hoạt động của nó được cho là độc đáo, gồm nhiều mặt số và màn hình khác nhau, chẳng hạn, lịch vạn niên và màn hình hiển thị vị trí mặt trời và mặt trăng.

Hồi đó, khách phải sắp hàng chờ lấy vé, giá 2 euro. Nhà thờ đề nghị khách sắp hàng trước 11 giờ 30, chờ cho đến lúc cửa mở. Khi vào bên trong, khách sẽ vẫn phải đứng và quan sát, chụp ảnh đồng hồ.

Rồi nhà thờ cho chiếu một đoạn video 20 phút về lịch sử và hoạt động của đồng hồ; khách phải đứng mà xem. Vào lúc 12 giờ 30, đồng hồ thiên văn hoạt động; máy tự động bắt đầu di chuyển. Một thiên thần sẽ ra gióng chuông vang, rồi mười hai sứ tông đồ sẽ đi ngang, trước mặt Chúa Giê su. Ngay phía bên dưới họ, xuất hiện những khuôn mặt đại diện cho những giai đoạn của cuộc đời trước khi một con người lìa trần.

Theo Lữ Nhất Phương, một người bạn sinh sống tại Paris đã đến Strasbourg nhân mùa Giáng sinh năm nay, “bây giờ nhà thờ không còn bán vé vô cửa nữa; du khách có thể vô tự do ngắm đồng hồ thiên văn. Tuy nhiên, nếu muốn leo lên đỉnh nhà thờ để ngắm toàn cảnh thì phải mua vé: 5 euro”.

Thông Noel quá khổ

Hồi đó, chúng tôi đi nhiều chỗ nên không kịp quay lại nhà thờ cho đúng giờ để xem đồng hồ hoạt động; hẹn mùa Noel khác vậy, nếu có dịp quay lại Strasbourg…

Đến đêm, cây thông Noel to quá khổ ở quảng trường Kléber, không xa nhà thờ Đức bà Strasbourg thật quá sức tưởng tượng – đầy ánh sáng lung linh, truyền đi khắp các con phố đổ ra quảng trường.

Sau khi trời tối, tại Strasbourg những gì hay nhất, đẹp nhất mới hiện hình – không chỉ mỗi một cây thông ở quảng trường Kléber. Dẫu lạnh kinh người – gần 0 độ C, chúng tôi vẫn đi dạo, đắm mình trong sự ảo huyền, nơi trò chơi của ánh sáng làm tôn lên những ngôi nhà cổ, di sản đặc biệt của Strasbourg.

Người ta nói “đêm” Noel là chính; ít nói “ngày”. Ngay cả ở trung tâm TPHCM, một trung tâm thương mại chưng các biểu tượng của mùa Giáng sinh cũng chỉ đến đêm, lên đèn thì mới thấy được hết vẻ đẹp của chúng, thu hút nam thanh nữ tú tới đây làm dáng, chụp hình.

Mùa Noel năm nay, theo Lữ Nhất Phương, “những ngày cuối năm thời tiết lạnh buốt cùng với số ca nhiễm Covid tăng cao vẫn không ngăn được dòng du khách nườm nượp đổ về Strasbourg, kinh đô của Noel. Họ đến để tham quan thành phố xinh đẹp này, còn được coi là thủ đô của Liên minh châu Âu (cùng với Bruxelles và Luxembourg); thưởng thức những món ăn vùng Alsace; đi dạo giữa những gian hàng bằng gỗ trong ánh sáng lung linh của những khu chợ Giáng sinh và dùng rượu vang nóng cho ấm người…

Trong suốt một tháng chợ Noel (26 -11 đến 26-12 năm nay), các chủ cửa hiệu luôn cạnh tranh nhau, trang trí mặt tiền, tủ kiếng của mình sao cho thiệt đẹp”.

Ngọc Trân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/strasbourg-mua-noel-nam-do/