Stress mang tên 'trả nợ trước Tết'
Năm hết, Tết đến, việc tìm kiếm giải pháp để thanh toán và thu hồi các khoản nợ đã cho vay mượn, mua bán, làm ăn là nỗi lo và phiền toái với không ít người. Đây cũng là nhân tố tác động trực tiếp đến sự rối loạn sự thích ứng, một dạng của rối loạn tâm thần, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Dịp cuối năm, nhiều người phải chi tiêu nhiều hơn cho việc mua sắm, quà cáp, lì xì và các hoạt động lễ hội. Đối với những người đang có khoản nợ, áp lực trả nợ trước Tết càng gia tăng, dẫn đến lo lắng và căng thẳng. Bên cạnh đó, Tết là dịp để sum họp gia đình, nhưng cũng đi kèm với nhiều kỳ vọng về việc chuẩn bị Tết chu đáo, quà cáp và trang trí nhà cửa, điều này tạo thêm gánh nặng cho những người đã có áp lực tài chính.
Tiến sĩ, bác sĩ Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương đánh giá, sự thích ứng là luôn cần thiết; con người làm ở môi trường nào cũng cần phải thích ứng được với môi trường đó. Tuy nhiên, thích ứng là cả một quá trình, những người nào càng có nhiều trải nghiệm sẽ càng dễ thích ứng hơn so với những người ít có sự trải nghiệm.
Các bác sĩ xác định, stress là nhân tố tác động trực tiếp của chứng bệnh rối loạn sự thích ứng. Nếu không có stress thì rối loạn sự thích ứng sẽ không xảy ra. Theo thống kê, rối loạn sự thích ứng ảnh hưởng đến khoảng 2-8% dân số, với phụ nữ, chứng bệnh này có nguy cơ mắc cao gấp đôi so với nam giới. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường được chẩn đoán nhiều nhất ở thanh thiếu niên.
Những người mắc bệnh hoặc đối mặt với căng thẳng kéo dài có nguy cơ cao rơi vào trạng thái rối loạn sự thích ứng. Một phân tích tổng hợp quy mô lớn gần đây cho thấy, 15,4% người trưởng thành mắc bệnh ung thư được điều trị tại các cơ sở chăm sóc giảm nhẹ bị rối loạn sự thích ứng. Thạc sĩ tâm lý Bùi Văn Toàn, Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho rằng, xã hội càng phát triển thì các bệnh lý rối loạn tâm thần, trong đó có rối loạn sự thích ứng càng tăng. "Chứng rối loạn sự thích ứng xuất hiện là do sự thay đổi về hoàn cảnh sống mà con người không thích nghi kịp, từ đó dẫn đến các biểu hiện của bệnh lý có thể giống như bệnh trầm cảm. Thời đại ngày nay, khi kinh tế phát triển, nhu cầu không còn dừng lại ở việc chỉ sống, mà còn liên quan đến nhiều vấn đề của xã hội, dẫn đến các chứng bệnh như rối loạn sự thích ứng xuất hiện", Thạc sĩ Toàn chia sẻ.
Các chuyên gia khuyến nghị, khi nhận thấy người thân có các biểu hiện kéo dài liên quan đến rối loạn sự thích ứng cần đưa họ đến khám tại các chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các biểu hiện đặc trưng của rối loạn sự thích ứng là: Về cảm xúc, khí sắc trầm không phù hợp với hoàn cảnh, mất lòng tin hoặc sự tự trọng, cảm giác tội lỗi và không xứng đáng. Về hành vi, ý tưởng hoặc hành vi tự hủy hoại, tự sát. Về tâm lý, giảm khả năng suy nghĩ, thiếu quyết đoán, luôn dao động. Về thể chất, giảm năng lượng, dễ mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ ở bất kỳ dạng nào. Đồng thời, người mắc chứng bệnh này cũng có sự thay đổi sinh lý như mất hứng thú, thay đổi cảm giác ngon miệng kèm theo sự thay đổi trọng lượng cơ thể.
Việc can thiệp sớm và đúng cách có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người bệnh cải thiện sức khỏe tinh thần và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của bệnh đến cuộc sống.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/stress-mang-ten-tra-no-truoc-tet-295955.htm