Stress, rối loạn lo âu, muốn tự tử ở người mắc COVID-19

Bị trầm cảm, rối loạn lo âu, stress, thậm chí còn muốn cắn lưỡi tự tử là tình trạng của nhiều người mắc COVID-19. Với tâm lý như vậy, nếu không được can thiệp tâm lý kịp thời, người bệnh dễ diễn tiến nặng thêm.

Chiều ngày 19/9, trải qua hơn một tháng điều trị tại BV Hồi sức COVID-19 TP.HCM (cơ sở 2 của BV Ung bướu TP.HCM), chị Nguyễn Thị H. khuôn mặt không giấu được niềm vui xuất viện. Chị H. đã hoàn toàn tỉnh táo, ánh mắt rạng rỡ, không còn rối loạn lo âu. Trước khi về nhà, chị H. không quên viết thư cảm ơn gửi đến các y, bác sĩ và tình nguyện viên đã điều trị, chăm sóc cho mình.

Ít ai biết rằng, cũng chính người phụ nữ này cách đây hơn một tháng là người luôn trong tình trạng loạn thần, rối loạn tri giác, không chịu phối hợp với các y bác sĩ điều trị. Ở giai đoạn đầu điều trị, chị H. còn tự ý tháo máy HFNC (thở oxy dòng cao) và nhiều lần có ý định nhảy lầu, cắn lưỡi tự tử vì nghĩ rằng chồng con mình đã mất do COVID-19.

Trước khi ra về, chị H. được bác sĩ cho biết chồng con của chị đã ổn định sau khi cách ly và khuyên chị giữ gìn sức khỏe để tiếp tục chăm lo cho 2 đứa con. Chị H. đã khóc, xin lỗi bác sĩ và điều dưỡng liên tục vì sợ mọi người giận.

TS. Trì Thị Minh Thúy (ngoài cùng bên trái) – tình nguyện viên "đặc biệt" tại BVHồi sức COVID-19 liên tục phải đến giường bệnh trò chuyện, động viên bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: BVCC

Thực tế cho thấy, tình trạng stress, rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ nhiều ngày không chỉ của riêng chị H. mà là của hầu hết những người khi phát hiện mình vô tình trở thành F0, không rõ nguồn lây từ đâu, khi nào. Trong đó, đặc biệt phải kể đến những người mắc COVID-19 nặng và bị sang chấn tâm lý, trầm cảm vì người thân mất do dịch bệnh.

TS Lê Minh Thuận - giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Tâm lý học lâm sàng, BV Lê Văn Thịnh là người trực tiếp hỗ trợ điều trị cho các F0 BV dã chiến điều trị COVID-19 số 2 Thủ Đức. Ông cũng là người hỗ trợ điều trị tâm lý cho các F0 mức độ nhẹ, mức độ nặng phải hồi sức cấp cứu và cả nhân viên y tế mắc COVID-19.

TS Lê Minh Thuận chia sẻ, do các bác sĩ điều trị COVID-19 không có nhiều thời gian để giải đáp cho bệnh nhân, ông Thuận sẽ hỗ trợ các vấn đề liên quan đến tất cả hành vi lối sống, tâm tư nguyện vọng, thắc mắc của người bệnh… Thậm chí, có những F0 bị nặng quan tâm cả đến những chuyện hậu sự của chính bản thân họ, muốn được thông tin những điều đó cho người thân, gia đình. Khi đó, ông cùng các nhân viên y tế, tình nguyện viên lại tìm cách động viên, vực dậy tinh thần cho họ.

Ông Thuận cũng cho hay, khi hỗ trợ những bệnh nhân COVID đã phát sinh rất nhiều tình huống mà trước đây chưa từng có trong giáo trình giảng dạy hay trải nghiệm điều trị tâm lý, mà chỉ xảy ra ở bệnh viện dã chiến. Chính ông cũng phải vừa học vừa làm và mục tiêu tâm lý trong bệnh viện là làm sao để F0 chấp nhận được thực trạng của bản thân, cùng bình tĩnh, hợp tác, lắng nghe y bác sĩ trong quá trình điều trị.

"Có nhiều F0 họ cảm thấy bị bỏ rơi bởi có người bệnh về trước mà mình về sau, họ cảm thấy buồn bã lắm. Nhiều người già vào đây không con cái chăm sóc nên không muốn ăn, họ khóc. Bác sĩ, điều dưỡng phải ăn nỉ họ ăn, tìm mọi cách để động viên họ vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần, chấp nhận được nỗi đau đó. Khi chấp nhận được thì họ sẽ vượt qua", ông Thuận kể lại.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe và trò chuyện, động viên bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Phú Nhuận. Ảnh: Vân Nhi

Tương tự, nữ tu – Tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy (chuyên gia trị liệu tâm lý thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) - tình nguyện viên "đặc biệt" tại BV Hồi sức COVID-19 TP HCM cho biết, nhận được lời mời của Ban Giám đốc BV Hồi sức COVID-19 TP.HCM, nữ tu sẵn sàng đóng góp, giúp các bệnh nhân.

"Ngày đầu tôi đi một vòng quanh bệnh viện, cảm giác lúc đó bất lực lắm vì ở đây có quá nhiều bệnh nhân nặng, không thể trò chuyện được. Tôi cứ đặt câu hỏi không biết mình giúp được gì đây? Sau đó, tôi tiếp cận với các bệnh nhân tỉnh, nói được thì thấy rằng khá nhiều người gặp vấn đề lo lắng, hoảng loạn, trầm buồn, chán nản, không muốn ăn. Cũng có nhiều người nằm im ru, không nói. Tôi cố gắng kiên nhẫn nói chuyện với bệnh nhân, khơi gợi họ, cho họ ăn, mát xa để bệnh nhân có thể giao tiếp".

"Thực tế, vấn đề lo âu, hoảng loạn trầm buồn là những vấn đề chính ở bệnh nhân mắc COVID-19. Để vượt qua giai đoạn đó cần có người kề bên đồng hành lắng nghe, trò chuyện giúp họ vượt qua", TS Trì Thị Minh Thúy nói.

Theo BS Giang Ngọc Thụy Vy - Trưởng Khoa Tâm lý Y học, BV Tâm thần TP.HCM, hội viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, ngay từ khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19, chị thấy không chỉ những nhân viên y tế tuyến đầu phải chịu áp lực mà rất nhiều người dân bị khủng hoảng tinh thần, lo sợ căng thẳng, đặc biệt là khi biết mình và gia đình mắc COVID-19.

Bắt đầu từ tháng 7/2021, BS Vy đã đồng hành tham gia cùng các bác sĩ điều trị COVID-19, tham vấn tâm lý cho các F0 nhằm giải tỏa căng thẳng, góp phần cổ vũ, hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân qua tổng đài 1900 636446.

Cũng theo BS Thụy Vy, chị nhận thấy, gần đây mọi người thường tìm đến tổng đài là chia sẻ những vấn đề liên quan đến hậu COVID-19. Thường là hai vợ chồng cùng mắc COVID-19 nhưng người vợ hoặc người chồng qua đời trước, thì sau khi khỏi bệnh trở về nhà thì người còn lại bị khủng hoảng, sang chấn, không chấp nhận người chồng/người vợ và cả con đã mất. Họ chối bỏ sự thật. Lúc này cần ê-kíp là những có kinh nghiệm trong tham vấn tâm lý, sức khỏe tâm thần, gồm bác sĩ tâm thần, bác sĩ đa khoa và cả nhà tâm lý, người làm công tác xã hội.

"Quan trọng là họ được lắng nghe, được trải lòng cảm xúc thì tự nhiên cảm xúc lo lắng sẽ dịu lại, không bị leo thang. Từ đó họ sẽ sáng suốt nhìn lại vấn đề, tìm được giải pháp nhanh", BS Giang Ngọc Thụy Vy cho hay.

Theo kết quả khảo sát, đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh tại các khoa điều trị ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM, tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%.

Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC (thở oxy dòng cao) có tỉ lệ trầm cảm là 66,7%. Tương tự, những bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy cũng có tỉ lệ rối loạn lo âu cao, lên tới 66,7%.

Các bệnh nhân rất mong muốn được tư vấn, điều trị tâm lý trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện và sau khi xuất viện.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, không riêng COVID-19, tất cả người mắc hầu hết bệnh lý đều sẽ có những vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần nhất định.

Tại TP.HCM, cơ sở y tế phụ trách chuyên môn về tâm thần cho người dân là Bệnh viện Tâm thần TP HCM. Trong đợt bùng phát dịch, Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị Bệnh viện Tâm thần TP.HCM thường xuyên kết nối với cơ sở điều trị COVID-19. Khi F0 có vấn đề tâm thần, bác sĩ tại cơ sở điều trị COVID-19 sẽ hội chẩn liên tục với đội ngũ chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần. Đến nay, hơn 70 cơ sở điều trị đã được chuyên gia tâm lý kết nối, thăm khám và cung cấp thuốc điều trị cho F0 có vấn đề tâm thần.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//stress-roi-loan-lo-au-muon-tu-tu-o-nguoi-mac-covid-19-169210923155500933.htm