Su-34 Nga phóng tên lửa hủy diệt tổ hợp phòng không S-300 Ukraine

UAV Nga phát hiện hệ thống phòng không S-300 của Ukraine tại tỉnh Kharkov, ngay lập tức đã chỉ thị mục tiêu cho tiêm kích bom Su-34 phóng tên lửa hành trình Kh-35 tập kích tiêu diệt.

"Lực lượng trinh sát đường không xác định nơi đối phương bố trí tổ hợp tên lửa phòng không S-300P ở khu dân cư Volnoye, tỉnh Kharkov", Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/8 thông báo.

Video được Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy phương tiện được cho là bệ S-300P ở giữa cánh đồng trống với ống phóng đã dựng đứng bị máy bay không người lái (UAV) trinh sát phát hiện và chuyển tọa độ mục tiêu cho lực lượng tấn công.

Tiêm kích bom Su-34 Nga sau đó phóng tên lửa hành trình Kh-35 nhằm vào bệ phóng S-300P, phá hủy hoàn toàn tổ hợp này.

Ngay sau khi trúng tên lửa Kh-35, các vụ nổ thứ cấp từ hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Ukraine đã diễn ra.

Hiện Ukraine chưa bình luận về thông tin được phía Nga đưa ra.

S-300 bao gồm một loạt hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa hiện đang do Tổng công ty Khoa học Công nghiệp Almaz-Antey của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay sản xuất.

Liên Xô triển khai hệ thống này lần đầu năm 1979 nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận của nước này phòng thủ trước những cuộc không kích từ kẻ thù.

S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km.

S-300 được quảng bá là sở hữu sức mạnh ngăn chặn được cả chiến đấu cơ tàng hình.

"S-300 là hệ thống phòng không hàng đầu của Nga", ông Robert Hewson, cây bút từ tạp chí quốc phòng IHS Janes từng bình luận.

"Đây là hệ thống phòng thủ đủ khả năng bắn hạ bất kỳ loại tên lửa hay mẫu chiến đấu cơ tiên tiến nào", ông nhấn mạnh.

Hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 chiếc trong số đó.

Ở những phiên bản S-300PMU1/2 trở về sau, khả năng của radar được tăng cường, theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm.

Thời gian để triển khai S-300 là 5 phút. Các tên lửa S-300 được đặt trong những ống kim loại kín và không cần bảo trì trong suốt quá trình sử dụng.

Quy trình hoạt động cơ bản của một hệ thống S-300 gồm 4 bước. Đầu tiên, các radar giám sát tầm xa xác định mục tiêu và chuyển tiếp thông tin về các xe chỉ huy để đánh giá, phân tích.

Sau khi xác nhận mục tiêu, xe chỉ huy truyền lệnh bắn tới radar điều hướng. Khi tiểu đoàn ở vị trí tốt nhất nhận được lệnh bắn này, họ lập tức khai hỏa tên lửa đất đối không.

Radar điều hướng giúp dẫn tên lửa tới chính xác mục tiêu cần tiêu diệt.

S-300 có nhiều phiên bản nâng cấp được trang bị những loại tên lửa, radar khác nhau với khả năng chống các phương pháp tấn công điện tử tốt hơn, tầm bắn xa hơn và ứng phó với nhiều tình huống hơn.

Hiện có ba biến thể chính gồm: S-300V, S-300P và S-300F. Mỗi biến thể lại chia ra nhiều loại với từng tính năng riêng biệt.

Theo nhận định từ các chiến lược gia quân sự Nga, S-300 là hệ thống tên lửa đất đối không đa năng "bất khả chiến bại".

Tuy vậy trong cuộc xung đột Đông Âu đang diễn ra, S-300 được cả Nga và Ukraine sử dụng không thực sự được đánh giá cao khi đối phó với tên lửa đối phương.

Bằng chứng là một số hệ thống S-300 của cả Nga và Ukraine đều bị tên lửa phóng từ máy bay hoặc từ các hệ thống mặt đất của nhau tiêu diệt.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/su-34-nga-phong-ten-lua-huy-diet-to-hop-phong-khong-s-300-ukraine-post586572.antd