Sự bất bình đẳng giàu nghèo tồi tệ hơn trong đại dịch
Sự bất bình đẳng về thu nhập và giàu nghèo trên thế giới, đặc biệt ở Trung Quốc, đã đạt đến mức 'báo động' trong hai năm đại dịch Covid-19.
Người giàu càng giàu
Theo các nhà phân tích, sự chênh lệch đặc biệt rõ nét ở các nước châu Á, buộc Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và các nước khác phải hỗ trợ nhiều hơn về chính sách.
Bất bình đẳng giàu nghèo đang ở mức báo động trên toàn thế giới. Ảnh: AP
Bài liên quan
Đài Loan phát hiện 39 máy bay chiến đấu của Trung Quốc
Trung Quốc trừng phạt 627.000 quan chức vào năm 2021
Trung Quốc cảnh báo VĐV nước ngoài về phát ngôn tại Thế vận hội Mùa đông
Hoạt động kinh doanh của châu Phi bùng nổ nhờ làm ăn với Trung Quốc
Tài sản của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi, lên khoảng 1,5 nghìn tỷ USD Mỹ trong 2 năm đại dịch, nhưng thu nhập của 99% người trên toàn thế giới đã trở nên tồi tệ hơn, theo báo cáo của Oxfam.
“Đây là mức tăng tài sản của tỷ phú lớn nhất từ trước tới nay. Xu hướng này là đáng báo động”, tổ chức chuyên về xóa đói giảm nghèo toàn cầu cảnh báo. Họ cũng kêu gọi tăng cường đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội.
Báo cáo cho hay: “Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc, đang theo đuổi một số chính sách quan trọng nhằm giảm bất bình đẳng, bao gồm thuế cao hơn đối với người giàu và hành động chống lại các công ty độc quyền. Đây chỉ là một bước khởi đầu, nhưng đã tạo cơ hội cho một sự đồng thuận kinh tế mới xuất hiện”.
Dữ liệu từ các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng bất bình đẳng về thu nhập của Trung Quốc vẫn cao hơn so với các nước châu Âu, nhưng lại thấp hơn so với Mỹ và nhiều nước Mỹ Latinh và châu Phi.
Nhận xét của Thủ tướng Lý Khắc Cường vào tháng 5/2020, rằng 600 triệu người Trung Quốc, chiếm 42,9% tổng dân số, sống với thu nhập trung bình hàng tháng là 1.000 nhân dân tệ, đã giúp thu hút sự chú ý đến vấn đề bất bình đẳng của đất nước.
Ông David Malpass, chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, cảnh báo rằng cách cuộc khủng hoảng đã làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo, và đặc biệt là sự bất bình đẳng tại các nước mới nổi và đang phát triển.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số bất bình đẳng Gini dựa trên thu nhập của họ là 0,465 vào năm 2016 và không thay đổi vào năm 2019, cao hơn mức cảnh báo quốc tế là 0,4. Chỉ số này càng cao càng đồng nghĩa với bất bình đẳng ở nước đó càng ở mức báo động.
Trung Quốc và còn hơn thế nữa
Theo báo cáo hàng năm do Phòng thí nghiệm Bất bình đẳng Thế giới công bố vào tháng trước, 50% người trưởng thành ở Trung Quốc có thu nhập trung bình khoảng 25.520 nhân dân tệ (4.000 USD) mỗi năm, trong khi 10% dân số hàng đầu kiếm được trung bình gấp 14 lần, ở mức 370.210 nhân dân tệ.
Khoảng cách này của Trung Quốc cao hơn các nền kinh tế phát triển. Ở Nhật Bản, 10% hàng đầu kiếm được gấp 13 lần so với 50% dân số; ở Úc và Đức, con số này là 10 lần; và con số này ở Pháp là 7 lần.
Tuy nhiên, con số của Trung Quốc nhỏ hơn của Mỹ, nơi 10% hàng đầu kiếm được gấp 17 lần so với 50% còn lại. Tỷ lệ này ở một số quốc gia khác như sau: 19 lần ở Indonesia; 14 lần tại Hàn Quốc; 31 lần ở Mexico; 14 lần ở Nga; 23 lần ở Thổ Nhĩ Kỳ; 22 lần ở Ấn Độ; 29 lần ở Brazil; và 63 lần ở Nam Phi, một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới.
Đại dịch Covid-19 khiến Trung Quốc càng mạnh tay hạn chế bất bình đẳng. Ảnh: EPA-EFE
“Sau năm 2005, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn đã giúp kiểm soát tình trạng bất bình đẳng, nhưng bất bình đẳng giàu nghèo tiếp tục gia tăng ở đỉnh của kim tự tháp xã hội”, báo cáo của Phòng thí nghiệm Bất bình đẳng Thế giới cho biết.
Dữ liệu cho thấy 10% dân số Trung Quốc sở hữu gần 70% tổng tài sản quốc gia, cao hơn tỷ lệ 64,6% ở Ấn Độ, 59,6% ở Đức, 59,5% ở Pháp, 60,2% ở Indonesia, 56,2 % ở Úc, 57,8% ở Nhật Bản và 58,5% ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, ở Mỹ, 10% sở hữu 71% tài sản. Tỷ lệ đó tăng lên 74,1% ở Nga, 78,7% ở Mexico và 79,8% ở Brazil.
Ông Ren Zeping, một nhà kinh tế của Soo Chow Securities, cho biết có bốn nhóm quốc gia về bất bình đẳng: một là các quốc gia khá bình đẳng, như Nhật Bản; hai là các nước phát triển có sự chênh lệch giàu nghèo lớn, như Hoa Kỳ; ba là những nước rơi vào bẫy bất bình đẳng, như Ấn Độ; và bốn là các nước đang phát triển có sự bất bình đẳng dễ kiểm soát hơn.
Ông Ren viết trên trang Sina.com: "Trung Quốc thuộc nhóm thứ tư, vì khoảng cách thu nhập của nước này cao hơn mức trung bình toàn cầu nhưng chênh lệch giàu nghèo tương đối thấp. Bất bình đẳng thu nhập và chênh lệch giàu nghèo đang được giữ ở mức hợp lý và sẽ không hạn chế tăng trưởng kinh tế”.
Theo nghiên cứu của ông Ren, khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc ngày càng mở rộng. Điều này giúp giải thích sự thúc đẩy của Bắc Kinh kể từ năm ngoái cho chiến dịch vì sự thịnh vượng chung, một chiến lược đã thay đổi định hướng chính sách của đất nước.
Ban lãnh đạo Trung Quốc đã phủ nhận rằng mục tiêu thịnh vượng chung sẽ tương đương với kế hoạch “lấy của người giàu chia cho người nghèo”, nhưng họ cũng cam kết giải quyết sự chênh lệch thu nhập thông qua thuế, an sinh xã hội và các khoản trợ cấp trực tiếp của chính phủ, với mục tiêu tạo ra một cấu trúc phân phối hình ô liu, trong đó các nhóm thu nhập trung bình chiếm phần lớn của cải.
Trong khi cam kết loại bỏ “thu nhập bất hợp lý” và doanh thu bất hợp pháp, chính quyền Trung Quốc cũng đang khuyến khích các cá nhân và công ty giàu có đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Ngoài ra, nhiều thành phố của Trung Quốc sẽ thí điểm kế hoạch đánh thuế tài sản từ năm nay.