Sự bùng nổ chip AI tạo ra hàng ngàn triệu phú mới ở Đài Loan, đa số người dân không được hưởng lợi
Đài Loan với vị thế là trung tâm chip của thế giới đã giúp nền kinh tế hòn đảo này trở nên vững chắc.
Ngành công nghiệp chip sôi động đến mức Đài Loan dự kiến sẽ tạo ra nhiều triệu phú USD mới trong 5 năm tới, theo báo cáo tài sản hàng năm được ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) công bố hôm 10.7.
Đài Loan là nơi có gần 790.000 triệu phú USD vào năm 2023. UBS dự đoán con số này có thể tăng 47% lên khoảng 1.160.000 triệu phú vào năm 2028, dẫn đầu 56 thị trường toàn cầu mà ngân hàng tại Thụy Sĩ phân tích trong báo cáo của mình.
Dù vậy, số lượng triệu phú ở Đài Loan hiện vẫn còn rất nhỏ so với Mỹ. Theo UBS, Mỹ là quê hương của gần 22 triệu triệu phú USD vào năm 2023. Con số đó dự kiến sẽ tăng 16% lên thành 25,5 triệu triệu phú trong 5 năm tới.
UBS cho rằng sự gia tăng số lượng triệu phú USD ở Đài Loan là nhờ vào ngành công nghiệp chip bán dẫn, “đang chuẩn bị để gặt hái những thành quả từ sự bùng nổ về trí tuệ nhân tạo (AI)”.
Đài Loan là quê hương của TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cung cấp các chip tiên tiến quan trọng cho Apple, Nvidia cùng nhiều hãng khác). Cơn sốt AI giúp giá cổ phiếu TSMC tăng mạnh thời gian gian. Gần đây, TSMC này đã nhập danh sách các hãng có vốn hóa thị trường 1.000 tỉ USD và trở thành công ty đại chúng có giá trị nhất châu Á.
Cơn sốt chip tăng cường sự giàu có nhưng làm gia tăng bất bình đẳng
Dù UBS cho rằng số lượng triệu phú ở Đài Loan sẽ tăng vọt thời gian tới, nhưng phần lớn trong số 23 triệu dân trên đảo này dường như không được hưởng lợi từ cơn sốt AI. Dữ liệu của UBS cho thấy sự bất bình đẳng giàu nghèo tăng khoảng 10% ở Đài Loan từ năm 2008 đến 2023.
Theo UBS, giá trị tài sản ròng trung bình của một người trưởng thành ở Đài Loan là 110.521 USD vào năm 2023. Trong khi giá trị tài sản ròng trung bình của một người dân ở Đài Loan cao gần gấp 3 lần số tiền đó, ở mức 302.551 USD.
Điều này có nghĩa là những người đứng đầu bảng xếp hạng giàu hơn rất nhiều so với những người ở phía dưới trong khoảng thời gian đó, làm cho giá trị tài sản trung bình tăng lên.
Dữ liệu chính thức từ Đài Loan xác nhận xu hướng này, cho thấy khoảng cách giàu nghèo giữa 20% hộ gia đình có thu nhập cao nhất và 20% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất trên đảo này đã tăng gấp 4 lần trong 3 thập kỷ qua.
Hệ số Gini của Đài Loan (thước đo sự bất bình đẳng) cũng mở rộng từ năm 1991 đến 2021, khi hai cuộc khảo sát chính thức gần đây nhất được thực hiện.
Tăng trưởng trong ngành công nghệ của Đài Loan đang vượt xa các lĩnh vực không liên quan đến công nghệ.
Một xu hướng chính gây ra sự bất bình đẳng giàu nghèo ở Đài Loan là ngành công nghệ trên đảo này đang hoạt động tốt hơn các ngành không liên quan đến công nghệ.
TSMC tăng trưởng mạnh mẽ nhờ cơn sốt AI, với doanh thu quý 2/2024 tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, vượt kỳ vọng của các nhà phân tích. Hôm 8.7, ADR của TSMC được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York (Mỹ) đã nhanh chóng vượt mốc định giá 1.000 tỉ USD.
ADR là chứng chỉ lưu ký Mỹ đại diện cho cổ phiếu phổ thông của TSMC. ADR cho phép các nhà đầu tư Mỹ mua và bán cổ phiếu của TSMC trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ mà không cần phải sở hữu cổ phiếu trực tiếp được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Đài Loan. Mỗi ADR đại diện cho một cổ phiếu phổ thông của TSMC.
Sự trỗi dậy của TSMC đã tạo ra cả một hệ sinh thái công nghệ ở Đài Loan, phần lớn tập trung vào phần cứng.
Hệ sinh thái này đã thúc đẩy nền kinh tế Đài Loan ngay cả trong bối cảnh bất ổn địa chính trị. GDP của Đài Loan đã tăng 6,5% trong quý 1/2024 so với cùng kỳ năm trước. Điều này được thúc đẩy nhờ xuất khẩu máy móc và thiết bị điện, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tăng trưởng nhu cầu nội địa vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ma Tieying, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng DBS (Singapore), viết trong một ghi chú hôm 10.7 rằng bà hy vọng sự bùng nổ AI trên thế giới sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu với chip hiệu suất cao từ Đài Loan.
Tuy nhiên, sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất truyền thống không liên quan đến công nghệ ở Đài Loan dự kiến sẽ tiếp tục gặp khó khăn, do sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 1/3 tổng xuất khẩu của Đài Loan, bà Ma Tieying cho biết thêm.
Số lượng triệu phú tăng khắp nơi, ngoại trừ Anh
Theo báo cáo từ UBS, số lượng triệu phú trên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới, nhưng Anh sẽ là một trường hợp ngoại lệ.
Theo ngân hàng UBS, số lượng người trưởng thành sở hữu từ 1 triệu USD trở lên dự kiến sẽ tăng ở 52 trong số 56 nền kinh tế phát triển và đang phát triển từ năm 2023 đến 2028. Dẫn đầu đà tăng trưởng là Đài Loan, nơi số lượng triệu phú dự kiến sẽ tăng 47% nhờ vào ngành công nghiệp chip bùng nổ và số người giàu từ nước ngoài đổ đến gia tăng.
Theo sau Đài Loan là Thổ Nhĩ Kỳ với mức tăng dự kiến 43%, Kazakhstan (37%), Indonesia (32%) và Nhật Bản (28%). Hai nơi có số lượng triệu phú toàn cầu lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc đại lục, dự kiến ghi nhận số lượng triệu phú tăng lần lượt 16% và 8%.
Tuy nhiên, số lượng triệu phú ở Anh được dự báo sẽ giảm 17%. Điều này một phần là do sự thay đổi tự nhiên trong phân phối tài sản khi nền kinh tế thế giới trải qua những thay đổi cơ cấu và vốn.
Các yếu tố khác dự kiến sẽ thúc đẩy sự suy giảm số lượng triệu phú gồm cả việc Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga. Người Nga giàu có trước đây xem Anh như một nơi để cất giữ tài sản. Ngoài ra, số triệu phú không phải người Anh ở nước này liên tục tìm kiếm các địa điểm đánh thuế thấp như Dubai và Singapore.
Trong báo cáo của UBS, điều đáng chú là số lượng triệu phú USD ở Nga dự kiến sẽ tăng 21%. Nguyên nhân một phần do sự biến động của tỷ giá hối đoái, cũng như xu hướng thị trường hàng hóa và năng lượng gần đây.