Sự cấp thiết phải đổi mới sáng tạo
Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia vừa qua không chỉ khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng ta mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ và nâng cao ý thức trách nhiệm của cấp lãnh đạo, nhà khoa học tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Trước những thách thức đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế, việc phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo càng cấp thiết.
Nhìn lại năm qua, CĐS của Việt Nam với 4 trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin; số hóa các ngành kinh tế; quản trị số và dữ liệu số đã vươn tầm bứt phá, trở thành động lực chính cho tăng trưởng và phát triển xã hội nhanh, bền vững. Ở phạm vi Trung ương, Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung xây dựng thể chế, ban hành chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy CĐS quốc gia với những văn bản quan trọng như: Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông; Chiến lược dữ liệu quốc gia, phát triển công nghiệp bán dẫn… Đây là những văn bản mở đường cho CĐS Việt Nam phát triển tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quản lý dữ liệu quốc gia...
Trong bối cảnh chung của cả nước, Bình Phước xác định CĐS là thời cơ, động lực tạo đột phá phát triển. Hiện Bình Phước đã hoàn thành phủ sóng 3G/4G và bước đầu triển khai mạng 5G tại các đô thị, khu công nghiệp, biên giới và các vùng lõm sóng. Từ năm 2020, tỉnh đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh nhằm hỗ trợ giám sát, ra quyết định, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo. Hiện 11 trung tâm IOC cấp huyện đã được thành lập, đi vào hoạt động hiệu quả. Nhằm góp phần minh bạch hóa, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh CĐS, tỉnh đã cung cấp 1.044 dịch vụ công trực tuyến, 310 dịch vụ công trực tuyến một phần, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số minh bạch, hiện đại. Riêng năm 2024, mạng truyền số liệu chuyên dùng được phủ sóng tới 310 cơ quan, đơn vị; chữ ký số cấp cho 3.820 tổ chức, cá nhân. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học để chuyển giao khoa học - công nghệ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường; hỗ trợ 5 mô hình thí điểm CĐS toàn diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 28 hợp tác xã ứng dụng CĐS vào hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Năm 2025, cùng với vận hành hiệu quả trung tâm IOC, tích hợp toàn bộ dữ liệu hành chính công, kinh tế và xã hội; thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiên tiến thông qua các chương trình hợp tác với viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức quốc tế…, Bình Phước sẽ tập trung triển khai mạng 5G trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó ưu tiên các khu vực kinh tế trọng điểm; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp; phát triển các nền tảng thương mại điện tử và ứng dụng số để tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và thị trường.
Từ thực tế địa phương và nhìn ra cả nước cho thấy, việc đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị vào thực tiễn cuộc sống đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, bởi đây chính là đột phá quan trọng, là động lực để ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao và phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/168178/su-cap-thiet-phai-doi-moi-sang-tao