Gia tộc người Hoa giàu nhất thế giới với 47 tỷ USD tài sản 'ẩn náu' ở Indonesia

Mới đây, hãng Bloomberg đã công bố bảng xếp hạng '25 gia tộc giàu nhất thế giới năm 2024'. Trong đó, Hartono (Hoàng), gia tộc ở Indonesia đã gây chú ý khi trở thành gia tộc người Hoa giàu nhất với khối tài sản ước tính khoảng 47 tỷ USD.

Hoàng Huệ Tường (phải) và Hoàng Huệ Trung, hai anh em gây dựng nên cơ nghiệp gia tộc người Hoa giàu nhất thế giới. Ảnh: Huanqiu.

Hoàng Huệ Tường (phải) và Hoàng Huệ Trung, hai anh em gây dựng nên cơ nghiệp gia tộc người Hoa giàu nhất thế giới. Ảnh: Huanqiu.

Những người đứng đầu gia tộc, Hoàng Huệ Tường (Michael Bambang Hartono) và Hoàng Huệ Trung (Robert Budi Hartono), đứng đầu danh sách người giàu nhất Indonesia suốt 17 năm.

Các công ty của họ bao gồm ngân hàng tư nhân lớn nhất, trung tâm mua sắm lớn nhất và mạng xã hội lớn nhất Indonesia...Tuy nhiên, mặc dù có nguồn tài chính mạnh mẽ, họ rất ít khi xuất hiện trước công chúng.

Sự khởi đầu của một đế chế kinh doanh

Nguồn gốc của gia tộc Hartono (Hoàng) bắt đầu từ thế kỷ trước. Cha của hai anh em Hoàng Huệ Tường và Hoàng Huệ Trung, ông Hoàng Duy Nguyên (Oei Wie Gwan), đến Indonesia từ tỉnh Phúc Kiến. Năm 1920, để trốn tránh chiến tranh, cậu bé Hoàng Duy Nguyên đã theo cha đến Đông Nam Á và sống ở khu phố Tàu của người Hoa trên đảo Java.

 Ông Hoàng Duy Nguyên. Ảnh: Creaders.

Ông Hoàng Duy Nguyên. Ảnh: Creaders.

Lúc đầu, gia đình họ kiếm sống bằng bán tạp hóa, sau đó họ hợp tác với bạn bè để mở một nhà máy sản xuất pháo hoa.

Vào đầu những năm 1950, Hoàng Duy Nguyên tích lũy được một số tiền đáng kể nên đã mua lại một nhà máy thuốc lá do người Hà Lan điều hành và sắp phá sản tại thành phố Kudus, Trung Java, rồi đổi tên thành Djarum.

Khi đó, nhà máy chỉ có 10 người. Hoàng Duy Nguyên đã dẫn dắt công nhân làm việc ngày đêm, phát triển và sản xuất. Nhờ doanh số bán hàng tốt, quy mô nhà máy tiếp tục mở rộng. Đến giữa những năm 1950, Djarum đã trở thành thương hiệu thuốc lá bán chạy thứ hai tại Indonesia.

 Nhà máy thuốc lá Djarum. Ảnh: Creaders.

Nhà máy thuốc lá Djarum. Ảnh: Creaders.

Tuy nhiên, một trận hỏa hoạn năm 1963 đã thiêu sạch hơn 10 năm công sức của Hoàng Duy Nguyên, khiến ông qua đời vì đột quỵ.

Đa dạng hóa để phát triển

Hoàng Huệ Tường và Hoàng Huệ Trung theo cha làm việc tại nhà máy thuốc lá từ nhỏ, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đều thi đỗ vào trường Đại học Diponegoro danh tiếng của Indonesia với thành tích xuất sắc.

Sau khi cha qua đời, Hoàng Huệ Tường, 24 tuổi, và Hoàng Huệ Trung, 23 tuổi, tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình và thay cha quản lý Nhà máy thuốc lá Djarum.

Khi đó, nhà máy gặp khó khăn rất lớn, nhà xưởng bị cháy, thiết bị sản xuất bị hư hỏng, chỉ còn lại một phân xưởng nhỏ, lại thiếu vốn. Họ không bỏ cuộc, đầu tiên họ xin vay vốn mua máy cuốn thuốc tự động tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm chi phí. Đồng thời, tung ra sản phẩm thuốc lá đầu lọc.

 Sản phẩm thuốc lá Djarum. Ảnh: Creaders.

Sản phẩm thuốc lá Djarum. Ảnh: Creaders.

Năm 1975, điếu thuốc lá đầu tiên có đầu lọc Djarum được sản xuất bằng máy đã ra đời. Sản phẩm mới này đã nâng cao chất lượng thuốc lá Djarum, mở rộng thành công thị trường quốc tế và xuất khẩu sang nhiều nước bao gồm Mỹ và Nhật Bản, đưa Djarum trở thành một trong những công ty quan trọng trong ngành công nghiệp thuốc lá của Indonesia và có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

Để giảm thiểu rủi ro, họ dần chuyển sang đa dạng hóa kinh doanh. Họ nhắm vào các ngành công nghiệp phát triển nhanh và có lợi nhuận cao, mở rộng phạm vi kinh doanh sang các lĩnh vực như dệt may, đồ gia dụng, sản xuất giấy, bất động sản và dầu cọ.

Lúc đầu họ thành lập một công ty điện tử và kỹ thuật tại tỉnh Trung Java. Thông qua chuyển giao công nghệ, họ hợp tác với các công ty như Philips để sản xuất nhiều loại sản phẩm như tivi và bếp từ. Rất nhanh, sản lượng tivi hàng năm đã đạt mức đỉnh 1 triệu chiếc/năm.

 Trung tâm mua sắm Grand Indonesia lớn hàng đầu Đông Nam Á. Ảnh: Huanqiu.

Trung tâm mua sắm Grand Indonesia lớn hàng đầu Đông Nam Á. Ảnh: Huanqiu.

Trong lĩnh vực bất động sản, anh em nhà họ Hoàng đã phát triển một số dự án thương mại và dân cư. Năm 2004, hai người đã chi 242 triệu USD để mua một khách sạn.

Sau gần 10 năm kinh doanh và xây dựng, khách sạn không tên tuổi này đã biến thành trung tâm mua sắm Grand Indonesia 8 tầng diện tích 640.000 m2 với không gian bán lẻ rộng 130.000 m2, trở thành công trình mang tính biểu tượng ở Jakarta và thuộc hàng lớn nhất Đông Nam Á.

Ngoài ra, họ còn tham gia vào ngành công nghiệp dầu cọ. Tính đến năm 2015, họ sở hữu tổng cộng 30.000 ha đồn điền cọ ở Landak, Tây Kalimantan, đồng thời phát triển các đồn điền cây công nghiệp ở Đông Kalimantan, hỗ trợ tài chính và nguyên liệu thô cho doanh nghiệp sản xuất giấy của gia đình.

Khiêm nhường và kín tiếng

Tuy nhiên, nguồn tài sản lớn nhất của họ không phải là các lĩnh vực trên mà là tài chính. Năm 2002, hai anh em họ hợp tác với quỹ đầu cơ Farallon Capital mua 51% cổ phần đại chúng của Bank Central Asia (BCA), ngân hàng lớn thứ ba Indonesia.

Sau đó, qua quá trình mua lại phức tạp, họ đã trở thành cổ đông kiểm soát tuyệt đối BCA vào năm 2010 với tỷ lệ nắm giữ cổ phần lên tới 92,18%.

 Hoàng Huệ Tường nhận Huy chương đồng Đại hội thể thao ASIAD. Ảnh: Huanqiu.

Hoàng Huệ Tường nhận Huy chương đồng Đại hội thể thao ASIAD. Ảnh: Huanqiu.

Ngân hàng BCA do Lâm Thiệu Lương, từng là người Trung Quốc giàu nhất được mệnh danh là "Rockefeller châu Á" lập ra. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, ngân hàng đã mất khả năng thanh toán và bắt đầu bán cổ phiếu ra công chúng vào năm 2000.

Anh em nhà họ Hoàng đã nắm bắt cơ hội và dưới sự quản lý của họ, tổng tài sản của BCA năm 2012 đã đạt khoảng 44,7 tỷ USD, trở thành một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất ở Indonesia và là nguồn thu nhập lớn nhất của gia tộc Hartono.

Mặc dù đứng đầu danh sách những người giàu nhất Indonesia, hai anh em họ Hoàng vẫn kín tiếng và bí ẩn. Họ hiếm khi giao du với các nhân vật quân sự và chính trị hoặc trả lời phỏng vấn, và sự xuất hiện của họ cũng là điều hiếm hoi.

Tại Đại hội thể thao ASIAD Jakarta 2018, Hoàng Huệ Tường, 78 tuổi, đại diện cho Indonesia và giành Huy chương đồng ở nội dung đồng đội hỗn hợp môn Kiều bài (Contract Bridge). Chỉ khi ông được phỏng vấn sau trận đấu mọi người mới biết ông là thành viên của gia tộc Hartono giàu có nhất Indonesia.

 Ông Hoàng Huệ Trung. Ảnh: Huanqiu.

Ông Hoàng Huệ Trung. Ảnh: Huanqiu.

Không giống như người anh trai thích chơi Kiều bài, sở thích của Hoàng Huệ Trung là chơi cầu lông. Ông đã tài trợ cho Giải cầu lông siêu hạng Indonesia mang tên Djarum. Ông cũng đặc biệt yêu thích nghệ thuật và đã sưu tầm một số tác phẩm nghệ thuật đương đại của Indonesia.

Tuy nhiên, giống như anh trai, ông sống khá kín tiếng, thường ăn mặc giản dị và tham dự các sự kiện một mình mà không có người tháp tùng. Tờ Jakarta Post đưa tin, Hoàng Huệ Trung không dùng chiếc điện thoại Vertu nạm vàng và kim cương mà chỉ dùng một chiếc BlackBerry kiểu cũ.

 Ông Hoàng Chí Thắng. Ảnh: Huanqiu.

Ông Hoàng Chí Thắng. Ảnh: Huanqiu.

Thế hệ thứ ba kế thừa

Trong những năm gần đây, hai anh em họ vẫn là những người giàu nhất Indonesia nhờ đế chế kinh doanh khổng lồ của mình. Khi hai người dần dần rút lui, thế hệ thứ ba của gia tộc Hartono bắt đầu nổi lên.

Con trai cả của Hoàng Huệ Trung là Hoàng Chí Thắng (Martin Hartono) sinh năm 1973. Từ nhỏ ông đã bắt đầu làm việc tại Công ty Djarum, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và hiểu biết sâu về công việc kinh doanh.

Sau khi nhậm chức chủ tịch tập đoàn thuốc lá Djarum, Hoàng Chí Thắng đã tích cực đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, liên tục tung ra các sản phẩm thuốc lá mới theo nhu cầu thị trường và củng cố thêm vị thế của tập đoàn thông qua các hoạt động quảng cáo và tiếp thị.

Ông tuân thủ truyền thống gia đình là sống khiêm nhường và không phô trương.

“Rất có thể số liệu của họ sai nên gia đình chúng tôi luôn được coi là giàu nhất Indonesia”, ông nói. “Chúng tôi không quan tâm đến việc có giàu có hay không, điều quan trọng nhất là sống khiêm tốn và làm việc trung thực".

Con trai thứ hai của Hoàng Huệ Trung, Hoàng Chí Hàng (Armand Hartono), đã đưa Ngân hàng BCA lên một tầm cao mới. Ông tốt nghiệp Đại học bang California năm 1996, nhận bằng Thạc sĩ Khoa học về Hệ thống Kinh tế Kỹ thuật và tu nghiệp tại Đại học Stanford vào năm sau.

 Ông Hoàng Chí Hàng. Ảnh: Huanqiu.

Ông Hoàng Chí Hàng. Ảnh: Huanqiu.

Sau khi tốt nghiệp, ông không trở về Indonesia ngay mà làm việc với tư cách là chuyên gia phân tích tín dụng toàn cầu và ngân hàng đầu tư tại JPMorgan Chase Singapore. Sau đó, ông về Indonesia để gia nhập nhóm gia đình và làm việc ở nhiều bộ phận khác nhau như công nghệ tài chính và mua sắm, tích lũy kinh nghiệm kinh doanh.

Theo Creaders, Huanqiu

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/gia-toc-nguoi-hoa-giau-nhat-the-gioi-voi-47-ty-usd-tai-san-an-nau-o-indonesia-post182062.html